Quyết định 4077/QĐ-BTP năm 2014 ban hành chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho hòa giải viên do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu: | 4077/QĐ-BTP | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tư pháp | Người ký: | Hà Hùng Cường |
Ngày ban hành: | 31/12/2014 | Ngày hiệu lực: | 31/12/2014 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Thủ tục Tố tụng | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4077/QĐ-BTP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUNG BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT, NGHIỆP VỤ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CHO HÒA GIẢI VIÊN
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT, NGHIỆP VỤ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CHO HÒA GIẢI VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
1. Mục tiêu
a) Chuẩn hóa chương trình, tài liệu làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền vận dụng tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên.
b) Bảo đảm cho hòa giải viên tham gia Chương trình bồi dưỡng được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải phù hợp, thiết thực, có được các kiến thức, kỹ năng và thái độ sau:
- Về kiến thức:
+ Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở; nắm vững nội dung pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
+ Nắm vững những kiến thức cơ bản về một số lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân để vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Về kỹ năng:
+ Có năng lực, kỹ năng tìm hiểu, học tập và vận dụng kiến thức pháp luật cơ bản phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở;
+ Có kỹ năng cơ bản để tổ chức và thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Về thái độ:
+ Tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng các quy tắc tự quản cộng đồng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của các chủ thể khác; vận động người dân ở cộng đồng tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội;
+ Tự giác, tích cực, nhiệt tình, có ý thức tự học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực để thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở;
+ Có thái độ nghiêm túc, khách quan, đúng mực, công bằng, toàn diện và trách nhiệm khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2. Yêu cầu
a) Nội dung của Chương trình bồi dưỡng mang tính ứng dụng, cụ thể, thiết thực, khoa học, phù hợp với năng lực thực tế của hòa giải viên và yêu cầu của hoạt động hòa giải ở cơ sở; khối lượng kiến thức được trang bị phù hợp thời gian học tập.
b) Việc vận dụng, tổ chức thực hiện Chương trình phải bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
1. Cấu trúc Chương trình
TT |
Tên chuyên đề |
Số tiết |
||
Tổng |
Lý thuyết |
Thảo luận/Thực hành (Bài tập tình huống) |
||
|
|
50 |
21 |
29 |
1 |
Nội dung cơ bản của pháp luật về hòa giải ở cơ sở |
5 |
3 |
2 |
2 |
Kiến thức pháp luật dành cho hòa giải viên ở cơ sở |
35 |
15 |
20 |
3 |
Nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở |
10 |
3 |
7 |
2. Mô tả chuyên đề
Chuyên đề 1
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
I. KHÁI NIỆM, VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ Ý NGHĨA CỦA HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
1. Khái niệm, đặc điểm của hòa giải ở cơ sở;
2. Phân biệt hoà giải ở cơ sở với một số hình thức hoà giải khác;
3. Vị trí, vai trò và ý nghĩa của hoà giải ở cơ sở.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
1. Phạm vi hòa giải ở cơ sở;
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;
3. Chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở;
4. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở;
5. Hòa giải viên; tổ hòa giải;
6. Hoạt động hòa giải ở cơ sở;
7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Chuyên đề 2
KIẾN THỨC PHÁP LUẬT DÀNH CHO HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ
I. LĨNH VỰC DÂN SỰ
1. Kiến thức pháp luật
a) Một số quy định chung
- Nguyên tắc cơ bản trong quan hệ dân sự;
- Chủ thể của quan hệ dân sự;
- Giao dịch dân sự;
b) Tài sản và quyền sở hữu;
c) Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự;
d) Thừa kế.
2. Tình huống pháp luật.
II. LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
1. Kiến thức pháp luật
a) Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình;
b) Kết hôn;
c) Quan hệ giữa vợ và chồng;
d) Chấm dứt hôn nhân;
đ) Quan hệ giữa cha mẹ và con;
e) Quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình;
g) Cấp dưỡng;
h) Bình đẳng giới, bạo lực gia đình;
i) Phòng, chống tệ nạn xã hội.
2. Tình huống pháp luật.
III. LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Kiến thức pháp luật
a) Pháp luật về đất đai
- Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực đất đai;
- Quyền của người sử dụng đất;
- Nghĩa vụ của người sử dụng đất;
- Giải quyết tranh chấp đất đai.
b) Pháp luật về xây dựng
- Quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực xây dựng và các hành vi bị cấm;
- Bồi thường thiệt hại do việc xây dựng gây ra;
- Vi phạm pháp luật về xây dựng và biện pháp xử lý.
c) Pháp luật về bảo vệ môi trường
- Quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong bảo vệ môi trường, các hành vi bị cấm;
- Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và biện pháp xử lý.
2. Tình huống pháp luật.
IV. VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ
1. Vi phạm pháp luật;
2. Trách nhiệm pháp lý.
V. NHỮNG NỘI DUNG PHÁP LUẬT KHÁC LIÊN QUAN
Chuyên đề 3
NGHIỆP VỤ, KỸ NĂNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ XUNG ĐỘT VÀ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT
1. Khái niệm, đặc điểm, các loại xung đột;
2. Giải quyết xung đột.
II. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
III. KỸ NĂNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
1. Kỹ năng tiếp cận đối tượng để nắm bắt thông tin về vụ, việc hòa giải và nhu cầu của các bên (kỹ năng giao tiếp; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu về vụ, việc);
2. Kỹ năng nghiên cứu, phân tích vụ việc để tìm ra mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu và cách thức giải quyết xung đột, mâu thuẫn;
3. Kỹ năng xem xét, xác minh vụ, việc;
4. Kỹ năng tra cứu pháp luật, tài liệu tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở;
5. Kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp; điều hành, kiểm soát phiên hòa giải; kỹ năng ghi chép biên bản, sổ theo dõi hoạt động hòa giải, lập văn bản hòa giải thành, văn bản hòa giải không thành;
6. Kỹ năng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình hòa giải ở cơ sở.
IV. HÒA GIẢI MỘT SỐ VỤ, VIỆC CỤ THỂ
1. Vụ, việc hòa giải trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình;
2. Vụ, việc hòa giải trong lĩnh vực dân sự;
3. Vụ, việc hòa giải trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường và các lĩnh vực khác.
IV. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (sau đây gọi tắt là Chương trình) làm căn cứ để các địa phương lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức, phương pháp tổ chức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế.
2. Hình thức tổ chức bồi dưỡng: Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, lựa chọn hình thức bồi dưỡng phù hợp nhưng phải bảo đảm truyền tải đầy đủ nội dung Chương trình đến đội ngũ hòa giải viên, có thể tổ chức bồi dưỡng theo một trong các hình thức sau đây:
a) Bồi dưỡng thông qua cung cấp tài liệu để hòa giải viên tự học, kết hợp với sinh hoạt, trao đổi nghiệp vụ của hòa giải viên tại tổ hòa giải hoặc tại xã, phường, thị trấn;
b) Bồi dưỡng tập trung thành một đợt hay nhiều đợt;
c) Bồi dưỡng theo hình thức học tập từ xa (trên truyền hình, phát thanh, qua mạng internet) và các hình thức khác.
3. Phương pháp bồi dưỡng: Kết hợp bồi dưỡng lý thuyết và tình huống thực tế; đối với hình thức bồi dưỡng tập trung cần kết hợp phương pháp thuyết giảng với thảo luận, cùng tham gia của học viên (cần dành thời gian thỏa đáng để hòa giải viên nghiên cứu, thảo luận, thực hành, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn theo định hướng trang bị năng lực, tạo điều kiện cho hòa giải viên chủ động, tích cực trong học tập).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
a) Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp:
- Căn cứ nội dung Chương trình này, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc biên soạn, phát hành tài liệu bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; kịp thời rà soát, cập nhập, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổ chức thực hiện Chương trình; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên nguồn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện bồi dưỡng cho hòa giải viên tại địa phương; tổ chức làm điểm bồi dưỡng cho hòa giải viên tại địa phương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức thực hiện Chương trình.
b) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện Chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cấp dưới của mình phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương.
c) Hằng năm, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Chương trình này, hướng dẫn Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về nội dung, thời gian, hình thức, phương pháp tổ chức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong tổ chức thực hiện Chương trình.
d) Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chủ trì rà soát, lập danh sách các hòa giải viên cần được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp; có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Kinh phí thực hiện Chương trình
Kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách nhà nước cấp trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở các cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành./.