Chương 3 Nghị định 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Kiểm tra và xử lý văn bản theo thẩm quyền
Số hiệu: | 40/2010/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 12/04/2010 | Ngày hiệu lực: | 01/06/2010 |
Ngày công báo: | 28/04/2010 | Số công báo: | Từ số 193 đến số 194 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/07/2016 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật - Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành đã được Chính phủ quy định bằng Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010. Văn bản được kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định này gồm: thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của UBND. Việc kiểm tra văn bản được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việc kiểm tra văn bản được tiến hành bằng các phương thức: kiểm tra văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản gửi đến; kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn (tại cơ quan ban hành văn bản) hoặc theo ngành, lĩnh vực. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kiểm tra văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, người đã ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật. Sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra văn bản phải có kết luận về việc kiểm tra và thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản được kiểm tra theo quy định của pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010. Bãi bỏ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trước đây trái với Nghị định này.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra các văn bản có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Người đứng đầu tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện việc kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Người đứng đầu tổ chức pháp chế cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra:
a) Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ đó hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước;
b) Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
c) Nghị quyết do Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra:
a) Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Các văn bản khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao.
4. Trường hợp có tranh chấp thẩm quyền kiểm tra thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.
Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc kiểm tra văn bản được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực và đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền kiểm tra.
3. Trước khi thực hiện việc kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực, cơ quan kiểm tra phải thông báo cho cơ quan có văn bản được kiểm tra biết; cơ quan có văn bản được kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với Đoàn kiểm tra trong việc thực hiện kiểm tra văn bản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:
1. Đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung đối với:
a) Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, liên tịch ban hành trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các quy định về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ khác;
b) Quyết định, chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung đối với:
a) Nội dung trái pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thông tư liên tịch do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, đồng thời, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thỏa thuận với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng xử lý văn bản đó;
b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ.
3. Thực hiện các thẩm quyền khác trong việc xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật
1. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ:
a) Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình;
b) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trái với các văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ phụ trách;
c) Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình;
d) Thực hiện những thẩm quyền khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao trong việc xử lý văn bản trái pháp luật.
2. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
a) Thực hiện thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước;
c) Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước;
d) Xử lý văn bản liên tịch trái pháp luật giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo thủ tục quy định tại khoản 4 Điều 20 của Nghị định này;
đ) Xử lý văn bản trái pháp luật khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý.
3. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:
a) Thực hiện thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;
c) Xử lý thông tư liên tịch trái pháp luật giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 20 của Nghị định này;
d) Xử lý các văn bản trái pháp luật khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao.
1. Đình chỉ việc thi hành và hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
2. Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình hủy bỏ hoặc bãi bỏ.
Trong thời hạn chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định sau đây:
1. Văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành gửi đến Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo ngành, lĩnh vực.
Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Bộ hoặc cơ quan ban hành gửi đến Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
2. Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Bộ hoặc cơ quan ban hành gửi đến Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ;
3. Văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi đến Sở Tư pháp;
4. Văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến Phòng Tư pháp.
1. Thủ tục do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiến hành:
a) Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, người đứng đầu tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thông báo cho cơ quan, người đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý theo đúng thời hạn quy định hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền kiểm tra văn bản tiến hành xử lý văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này.
2. Thủ tục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành:
a) Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản thông báo để cơ quan, người đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý. Đối với văn bản liên tịch thì sau khi nhận được thông báo, các cơ quan đã ban hành thông tư liên tịch phải phối hợp để tự kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định;
b) Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý hoặc Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả xử lý thì Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định này.
3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiến hành kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành và các văn bản khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao theo thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp phát hiện nội dung quy định thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong thông tư liên tịch có dấu hiệu trái pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (đối với thông tư liên tịch với Bộ Tư pháp) thông báo để các cơ quan đó tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; nếu Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được thông báo không xử lý hoặc Thủ tướng Chính phủ không nhất trí với kết quả xử lý thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo quy định.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý văn bản trái pháp luật thì hồ sơ kiến nghị phải được gửi đến Bộ Tư pháp, đồng thời gửi đến Văn phòng Chính phủ.
2. Đối với văn bản trái pháp luật, không còn ý kiến khác nhau về cách xử lý thì trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
3. Đối với văn bản còn có ý kiến khác nhau về tính hợp pháp hoặc có đề nghị xem xét lại quyết định xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 32 của Nghị định này thì trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan có liên quan tiến hành xử lý văn bản theo thủ tục sau đây:
a) Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản báo cáo về văn bản đã được kiểm tra là trái pháp luật, cần phải xử lý;
b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản bị kiến nghị xử lý và đề xuất phương hướng xử lý;
c) Cơ quan, người ban hành văn bản bị kiến nghị xử lý giải trình về những nội dung liên quan đến văn bản;
d) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan có liên quan trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp của văn bản;
đ) Bộ trưởng Bộ Tư pháp kết luận, đề xuất phương hướng xử lý văn bản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
1. Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp thông báo để cơ quan đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý theo thời hạn quy định hoặc Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xử lý theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.
1. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.
2. Hết thời hạn xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu cơ quan, người đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không tự kiểm tra, xử lý hoặc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản không nhất trí với kết quả xử lý của cơ quan, người đã ban hành văn bản thì trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với văn bản đó phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý theo quy định.
3. Việc Hội đồng nhân dân xử lý nghị quyết do mình ban hành có dấu hiệu trái pháp luật phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.
1. Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản tiến hành kiểm tra đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền tại Bộ, ngành và địa phương ban hành khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và của các cơ quan thông tin đại chúng.
2. Văn bản được kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này gồm:
a) Văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân;
b) Văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoặc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân; các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp ban hành.
3. Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân; các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện kiểm tra, xử lý đối với văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do Giám đốc Sở Tư pháp ban hành.
4. Trưởng phòng Tư pháp tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân; các văn bản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các cá nhân khác ở cấp xã ban hành, có chứa quy phạm pháp luật.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện kiểm tra, xử lý đối với văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do Trưởng phòng Tư pháp ban hành.
5. Việc kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện ban hành được thực hiện như sau:
a) Đối với các văn bản do người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức ở cấp tỉnh ban hành được kiểm tra, xử lý theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này. Trường hợp người đã ban hành văn bản không tự kiểm tra, xử lý thì người có thẩm quyền kiểm tra báo cáo, kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xử lý theo thẩm quyền;
b) Đối với các văn bản do người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức ở cấp huyện ban hành được kiểm tra, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp người đã ban hành văn bản không tự kiểm tra, xử lý thì người có thẩm quyền kiểm tra đề nghị cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan đó xem xét, xử lý.
6. Trình tự, thủ tục xử lý đối với các văn bản trái pháp luật quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 20, Điều 22 và khoản 1 Điều 26 của Nghị định này.
1. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản thông báo cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi có văn bản được kiểm tra để chỉ đạo, tổ chức việc tự kiểm tra, hủy bỏ văn bản theo thẩm quyền. Thông báo đồng thời cũng được gửi cho cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật.
2. Khi tự kiểm tra phát hiện hoặc nhận được thông báo của người, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải đình chỉ và hủy bỏ nội dung trái pháp luật của văn bản. Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản không xử lý thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý hủy bỏ nội dung trái pháp luật của văn bản đó.
3. Các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định này được xử lý như sau:
a) Hủy bỏ toàn bộ văn bản đối với trường hợp văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do người không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành;
b) Hủy bỏ các quy phạm pháp luật trong văn bản do người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhưng không đúng hình thức văn bản theo quy định của pháp luật; các quy phạm pháp luật trong văn bản do người không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành.
Việc ban hành văn bản mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật trước đây điều chỉnh nhưng đã bị hủy bỏ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
4. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật quy định tại Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này.
Các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật gồm:
1. Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản;
2. Hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản.
Hình thức đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp nội dung trái pháp luật đó nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ kịp thời và nếu tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
1. Hình thức hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản đó được ban hành trái thẩm quyền về hình thức, thẩm quyền về nội dung hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật từ thời điểm văn bản được ban hành.
2. Hình thức bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản làm căn cứ ban hành văn bản được kiểm tra đã được thay thế bằng văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến nội dung của văn bản không còn phù hợp với pháp luật hiện hành hoặc tình hình kinh tế - xã hội thay đổi.
Trong quá trình kiểm tra phát hiện văn bản chỉ sai về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày còn nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp thì đính chính đối với những sai sót đó.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực