Chương 2 Nghị định 235-CP: Chế độ thu tài chính đối với xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh
Số hiệu: | 235-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Đỗ Mười |
Ngày ban hành: | 04/12/1969 | Ngày hiệu lực: | 01/01/1970 |
Ngày công báo: | 31/12/1969 | Số công báo: | Số 20 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Kế toán - Kiểm toán | Tình trạng: | Không còn phù hợp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
– Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp không phải nộp thuế doanh nghiệp; khoản thu này được thu ở các xí nghiệp sản xuất công nghiệp hoặc ở các tổng công ty xuất nhập khẩu thông qua hệ thống giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn thương nghiệp.
Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp phải trích nộp lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước theo các điều 14 và 15 dưới đây.
– Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp mua hàng của xí nghiệp công nghiệp trung ương hoặc địa phương theo giá bán buôn công nghiệp.
Giá bán buôn công nghiệp là giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp.
a) Giá bán lẻ là giá bán cho người tiêu dùng do Nhà nước quy định:
- Đối với hàng của xí nghiệp trung ương thì lấy giá bán lẻ hệ thống I trung ương;
- Đối với hàng của xí nghiệp địa phương thì lấy giá bán lẻ hệ thống I địa phương sản xuất (thị trường chính của tỉnh, thành phố).
b) Chiết khấu thương nghiệp (chiết khấu của xí nghiệp thương nghiệp bán buôn cấp I, chiết khấu của xí nghiệp thương nghiệp bán buôn cấp II và chiết khấu của xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ) gồm: phí lưu thông thương nghiệp định mức (trong đó có cả số hoa hồng dành cho hợp tác xã mua bán xã đại lý hàng công nghiệp) và lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp.
- Đối với hàng của xí nghiệp trung ương thì lấy chiết khấu thương nghiệp toàn ngành;
- Đối với hàng của xí nghiệp địa phương tiêu thụ ngay tại địa phương sản xuất thì lấy chiết khấu thương nghiệp của cấp II địa phương; nếu bán cho xí nghiệp thương nghiệp cấp I hoặc cho địa phương khác mà là loại hàng do trung ương thống nhất phân phối và thống nhất quản lý giá thì lấy chiết khấu thương nghiệp toàn ngành; nếu là loại hàng không do trung ương thống nhất phân phối và thống nhất quản lý thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố sản xuất quy định giá bán buôn công nghiệp và hai bên (bên mua và bên bán) giao dịch với nhau theo giá cả thoả thuận.
– Đối với hàng công nghiệp mà Nhà nước chưa định giá bán lẻ hoặc giá bán buôn vật tư thì xí nghiệp thương nghiệp bán theo giá mua, cộng (+) thặng số thương nghiệp.
Thặng số thương nghiệp phải bảo đảm đủ phí lưu thông thương nghiệp định mức và lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp, như nói ở điểm b, điều 4 trên đây.
– Hàng công nghiệp thuộc loại hàng tiêu dùng nếu mua để làm nguyên liệu đưa vào sản xuất (như mua đường để sản xuất bánh kẹo) thì theo giá như sau:
- Nếu mua của xí nghiệp sản xuất thì theo giá bán buôn công nghiệp.
- Nếu mua của xí nghiệp thương nghiệp cấp nào, thì theo giá bán buôn thương nghiệp cấp đó (cấp I hoặc cấp II).
- Khoản chênh lệch giá khu vực giữa giá hệ thống I của trung ương với giá hệ thống I của các địa phương phát sinh do thì hành điều 8 nói trên thì xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp vào ngân sách trung ương.
Khoản chênh lệch giá khu vực trong phạm vi từng địa phương thì xí nghiệp thương nghiệp cấp II nộp vào ngân sách địa phương.
– Ngân sách địa phương được hưởng một phần số thu vào hàng công nghiệp do ngân sách trung ương thu ở khâu sản xuất công nghiệp trung ương; Bộ Tài chính trích từ ngân sách trung ương, chuyển cho ngân sách địa phương, một tỷ lệ phần trăm (%) tính trên doanh số bán hàng của các xí nghiệp thương nghiệp cấp I cho địa phương.
– Xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh trích nộp một phần lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước: xí nghiệp cấp I trích nộp lợi nhuận vào ngân sách trung ương, cấp II trích nộp vào ngân sách địa phương.
Số lợi nhuận mà xí nghiệp phải trích nộp ngân sách là số lợi nhuận thực tế đạt được, trừ (-) phần mà Nhà nước để lại cho xí nghiệp để lập các quỹ của xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng).
Xí nghiệp phải trích nộp vào ngân sách ít nhất 10% số lợi nhuận kế hoạch; phần còn lại, nếu không đủ để phân phối cho các quỹ của xí nghiệp theo đúng như quy định ở mục III, chương III dưới đây, thì ngân sách Nhà nước cấp bù cho đủ, nhưng số bù thêm này không được lớn hơn số lợi nhuận mà xí nghiệp đã trích nộp vào ngân sách.
– Xí nghiệp phải tạm nộp theo kế hoạch và theo lịch nộp do Bộ Tài chính (đối với cấp I) hoặc do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với cấp II) ấn định; cuối tháng hoặc cuối quý thì thanh toán theo thực tế, căn cứ bảng quyết toán hoặc bảng cân đối tài khoản của xí nghiệp.
Xí nghiệp phải chủ động tính toán, trích nộp lợi nhuận kế hoạch vào ngân sách; phải chủ động thanh toán, nộp số lợi nhuận còn thiếu căn cứ theo lợi nhuận thực tế đạt được.
Ngân hàng Nhà nước phải trích tài khoản của xí nghiệp, chuyển nộp ngay vào ngân sách trong ngày kế tiếp ngày nhận được giấy nộp tiền của xí nghiệp. Nếu tài khoản của xí nghiệp không đủ tiền nộp thì Ngân hàng phải căn cứ vào thứ tự ưu tiên Nhà nước đã quy định mà trích tài khoản chuyển nộp vào ngân sách; sau đó tiền vào tài khoản xí nghiệp đến đâu thì cũng căn cứ vào thứ tự ưu tiên của Nhà nước mà tiếp tục trích tài khoản, nộp vào ngân sách đến đó cho đủ số tiền xí nghiệp phải nộp.
Các xí nghiệp đến hạn nộp lợi nhuận mà chưa nộp thì mỗi ngày nộp chậm phải phạt một số tiền bằng một phần nghìn (0,1%) số tiền chậm nộp.
Cơ quan Ngân hàng, bưu điện có thiếu sót, làm cho xí nghiệp phải phạt, thì phải bồi thường cho xí nghiệp.
Tình trạng hiệu lực: Không còn phù hợp