Chương 4 Nghị định 128/2008/NĐ-CP: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Số hiệu: | 128/2008/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 16/12/2008 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2009 |
Ngày công báo: | 29/12/2008 | Số công báo: | Từ số 701 đến số 702 |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
19/07/2013 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Đình chỉ hành vi vi phạm theo Điều 53 của Pháp lệnh được quy định như sau:
Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải ra quyết định đỉnh chỉ ngay hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc quyết định thể hiện bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tùy từng trường hợp vi phạm cụ thể.
Việc áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản theo Điều 54 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Xử phạt theo thủ tục đơn giản quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh là trường hợp xử phạt, theo đó người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản về vi phạm hành chính mà ra quyết định xử phạt tại chỗ, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản bao gồm:
a) Hành vi vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng;
b) Nhiều hành vi vi phạm hành chính do một người thực hiện mà hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi này đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng.
2. Quyết định xử phạt phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu quy định. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành. Trong trường hợp không nộp tiền phạt tại chỗ, cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh.
Việc lập biên bản vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 55a của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ có trách nhiệm lập biên bản theo đúng mẫu quy định đối với vi phạm hành chính mà mình phát hiện và chuyển ngay tới người có thẩm quyền xử phạt. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Pháp lệnh.
2. Đối với trường hợp sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng ngoài những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 55 của Pháp lệnh thì biên bản vi phạm hành chính có thêm các nội dung sau: phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm; hình ảnh, bản ghi, dấu vết ghi thu được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các tình tiết và chứng cứ khác (nếu có).
Việc lập biên bản vi phạm hành chính thuộc trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh được hiểu là trường hợp tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng.
Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Điều 56 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải theo đúng mẫu quy định.
2. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp như tang vật, phương tiện cần giám định, cần xác định rõ đối tượng vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
3. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là 10 ngày, trước khi hết thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản; thời gian gia hạn không quá 30 ngày.
4. Trừ quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này:
b) Đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 2 Điều này mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn;
c) Đã hết thời hạn được cấp có thẩm quyền gia hạn.
5. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành, lưu thông.
Việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 64 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết định cho người bị xử phạt hoặc thông báo cho họ đến nhận; thời điểm người bị xử phạt nhận được quyết định xử phạt được coi là thời điểm được giao quyết định quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh.
2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì bị cưỡng chế thi hành.
3. Trường hợp đã qua một năm, mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến người bị xử phạt do người đó không đến nhận và không xác định được địa chỉ của họ hoặc lý do khách quan khác thì người đã ra quyết định xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt ghi trong quyết định đối với người đó, trừ hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đối với tang vật, phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ thì áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 61 của Pháp lệnh; nếu cần áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh hoặc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, thì người có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện các biện pháp này. Ngân sách nhà nước chi trả cho việc thực hiện các biện pháp này hoặc được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch thu (nếu có).
Quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
1. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại Điều 23 Nghị định này, người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn có thể quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Quyết định buộc khắc phục hậu quả phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định. Trong quyết định phải ghi rõ: ngày, tháng, năm quyết định; họ, tên, chức vụ của người quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; lý do không áp dụng hình thức xử phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng; thời hạn thi hành quyết định khắc phục hậu quả; chữ ký của người ra quyết định.
Việc xác định mức trung bình của khung tiền phạt theo khoản 2 Điều 57 của Pháp lệnh được quy định như sau:
Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng với mức tối đa.
1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 100.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
b) Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế (hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước).
2. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá mười hai tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần và mỗi lần nộp tiền phạt tối thiểu không dưới một phần ba (1/3) tổng số tiền phải nộp phạt. Số tiền chưa nộp phạt phải chịu lãi suất không kỳ hạn được tính từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực.
3. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Nơi nộp tiền phạt theo Điều 58 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Điều 57 của Pháp lệnh, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ và những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.
“Vùng xa xôi, hẻo lánh” là những vùng thuộc miền núi, hải đảo và những nơi khác không có hoặc cách quá xa Kho bạc Nhà nước.
3. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu và nộp tiền phạt trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này.
Việc trả lại giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định phạt tiền trong trường hợp được hoãn chấp hành quyết định theo khoản 4 Điều 65 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Trong trường hợp cá nhân được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 hoặc cá nhân, tổ chức được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại khoản 5 Điều 57 của Pháp lệnh thì người đó được nhận lại giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy tờ cần thiết khác có liên quan hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 57 của Pháp lệnh.
2. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm trả lại cho người được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền hoặc người được nộp tiền phạt nhiều lần các giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện bị tạm giữ quy định tại khoản 1 Điều này khi quyết định hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần có hiệu lực thi hành.
Việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành theo Điều 68 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở đơn vị hành chính thuộc tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.
2. Trong trường hợp vi phạm xảy ra ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.
1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt được đóng dấu cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó.
2. Đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh thì dấu được đóng lên 1/3 (một phần ba) chữ ký về phía bên trái chữ ký của người có thẩm quyền quyết định xử phạt.
3. Đối với quyết định xử phạt của những người có thẩm quyền xử phạt mà không có quyền đóng dấu trực tiếp thì quyết định xử phạt được đóng dấu cơ quan của người ra quyết định xử phạt vào góc trái tại phần trên cùng của quyết định, nơi ghi tên cơ quan xử phạt và số, ký hiệu của quyết định xử phạt.
Trả lại hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo Điều 63 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Trong trường hợp hồ sơ vụ vi phạm đã được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Pháp lệnh, nhưng xét thấy có hành vi vi phạm không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định phải gửi trả hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt.
2. Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt đối với vụ việc vi phạm tại khoản 1 Điều này trong thời hạn sau đây:
a) Nếu trước khi chuyển vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt đã xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm;
b) Nếu trước khi chuyển vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt chưa xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này, thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ sơ vụ việc vi phạm. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm có thể xin gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này.
Việc chuyển hồ sơ của người thuộc vụ án hình sự không bị khởi tố bị can để xử lý vi phạm hành chính theo Điều 63 của Pháp lệnh được quy định như sau:
Trong trường hợp người có hành vi vi phạm thuộc vụ án hình sự đã bị khởi tố nhưng không bị khởi tố bị can mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đang thụ lý vụ án đó phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Hồ sơ vụ vi phạm bao gồm: bản sao biên bản về vụ vi phạm, quyết định đình chỉ điều tra đối với đối tượng, tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm (nếu có) và bản sao các tài liệu khác liên quan trực tiếp đến người vi phạm đó.
1. Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành định giá làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về việc định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;
b) Giá thị trường đối với tang vật, phương tiện tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo thông báo giá của cơ quan Tài chính địa phương;
c) Giá thành của tang vật, phương tiện nếu là hàng hóa chưa xuất bán;
d) Đối với tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.
đ) Giá trị thực tế còn lại của tang vật, phương tiện.
3. Trường hợp không áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để định giá tang vật, phương tiện thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá phải có sự tham gia của đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan tài chính cấp huyện. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, người ra quyết định thành lập Hội đồng quyết định các thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan tham gia Hội đồng.
Nếu trị giá tang vật, phương tiện vi phạm thuộc thẩm quyền tịch thu của người đã ra quyết định tạm giữ thì người đó quyết định tịch thu; trong trường hợp trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vượt quá thẩm quyền tịch thu của người đã quyết định tạm giữ tang vật thì phải chuyển vụ việc vi phạm đến người có thẩm quyền.
4. Căn cứ định giá và các tài liệu liên quan đến việc định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
1. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định tịch thu và thông báo đến cơ quan tài chính cùng cấp. Riêng đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh và theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và các ngành liên quan tổ chức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đó như sau:
a) Đối với tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài sản thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Đối với các tang vật, phương tiện khác như: vũ khí; công cụ hỗ trợ; vật có giá trị lịch sử, văn hóa; bảo vật quốc gia; cổ vật; hàng lâm sản quý hiếm và các tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Đối với các tang vật, phương tiện đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng.
Việc bàn giao và tiếp nhận các tang vật, phương tiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về bàn giao và tiếp nhận tài sản nhà nước;
d) Đối với các tang vật, phương tiện là hàng hóa, vật phẩm không được bán đấu giá thì xử lý theo đúng quy định về loại hàng hóa, vật phẩm đó;
đ) Đối với các tang vật, phương tiện bị tịch thu, bán sung quỹ nhà nước, thì phải chuyển giao để bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Việc chuyển giao tang vật, phương tiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản bàn giao tang vật, phương tiện phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận, chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng (chất lượng) tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu.
Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan tiếp nhận, xử lý tài sản và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện gồm: quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan;
e) Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu mà không bán được thì thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu quyết định thành lập Hội đồng để thanh lý tài sản trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá cấp huyện về việc tang vật, phương tiện bị tịch thu không bán được.
Thành phần của Hội đồng thanh lý tài sản bao gồm: lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài chính cùng cấp làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Tùy theo tính chất, đặc điểm của tang vật, phương tiện thanh lý và tình hình thực tế tại địa phương, người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định các thành viên là đại diện cơ quan Tư pháp, Quản lý thị trường, các cơ quan chuyên môn có liên quan tham gia Hội đồng.
1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh thì người đã ra quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Căn cứ vào giá trị tang vật, phương tiện được xác định theo quy định tại Điều 34 Nghị định này, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định tịch thu, người đã quyết định tịch thu phải chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm để bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận; chữ ký của người giao, người nhận, số lượng, tình trạng tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu để bán đấu giá. Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: quyết định tịch thu tang vật, phương tiện; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tang vật, phương tiện và biên bản bàn giao tang vật, phương tiện đó.
3. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện không có nơi cất giữ thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tang vật, phương tiện đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tang vật, phương tiện thu được sau khi bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này.
4. Khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
1. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước phải được nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp sau khi trừ các khoản chi phí cho vận chuyển, giao nhận, bảo quản và phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến công tác xác minh, điều tra, mua tin, bắt giữ, cung cấp tin phát hiện, xử lý vi phạm, xử lý tài sản (phân loại, định giá) và các chi phí khác có liên quan đến quản lý xử lý tài sản. Số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kèm theo các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước căn cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 54, 55, 55a, 56, 61, 71, 78, 87, 96 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.