Chương 2 Nghị định 128/2008/NĐ-CP: Hình thức, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
Số hiệu: | 128/2008/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 16/12/2008 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2009 |
Ngày công báo: | 29/12/2008 | Số công báo: | Từ số 701 đến số 702 |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
19/07/2013 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo Điều 16 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là các loại giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để cho phép tổ chức, cá nhân đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề trong một lĩnh vực nhất định hoặc sử dụng một loại công cụ, phương tiện nhất định. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều này không bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, các loại chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.
2. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được áp dụng có thời hạn hoặc không thời hạn và được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó.
Thời hạn áp dụng đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tối đa không quá 12 tháng; đối với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không thời hạn thì thời hạn áp dụng từ 12 tháng trở lên.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà các hành vi này bị tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn dài nhất quy định đối với các hành vi vi phạm; nếu không cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng riêng đối với từng hành vi.
Thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính theo Điều 17 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Thủ tục và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện được quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
2. Không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật phương tiện trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tổ chức, cá nhân vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp tang vật là văn hóa phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng thì bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Pháp lệnh.
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh, Chính phủ có thể quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả khác và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đó tại các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
1. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại Điều 21a của Pháp lệnh thì cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi có đủ các điều kiện sau:
a) Cần phải có nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không có khả năng chi trả ngay hoặc quy trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, lực lượng tham gia khắc phục hậu quả phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để có thể khắc phục được hậu quả do vi phạm hành chính gây ra;
b) Cần phải tiến hành ngay biện pháp khắc phục hậu quả để kịp thời ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm giao thông, bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho cơ quan quản lý có thẩm quyền đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp cá nhân, tổ chức không tự hoàn trả thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 42 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.
2. Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
3. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh theo quy định của Pháp lệnh trong từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:
a) Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định cho mỗi hành vi vi phạm hành chính;
b) Thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cho chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với một hành vi vi phạm cụ thể. Trường hợp Pháp lệnh quy định thẩm quyền tịch thu theo trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm thì phải căn cứ vào giá trị thực tế của tang vật, phương tiện vi phạm để xác định thẩm quyền;
c) Thẩm quyền áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được xác định căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Đối với hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chức danh nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm; trường hợp luật có quy định khác thì theo quy định của luật. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người đã ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về việc đã áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
d) Thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được xác định căn cứ vào Pháp lệnh quy định chức danh có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; đồng thời căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể có quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;
đ) Trong trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt.
Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 41 và khoản 2 Điều 45 của Pháp lệnh được quy định như sau:
1. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính do các chức danh quy định tại Điều 41 và Điều 45 của Pháp lệnh chỉ được thực hiện đối với cấp phó. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải được xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.
Trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.
2. Cấp phó được ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.