Chương 3 Nghị định 100-CP: Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Số hiệu: | 100-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 18/12/1993 | Ngày hiệu lực: | 01/01/1994 |
Ngày công báo: | 28/02/1994 | Số công báo: | Số 4 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
16/08/2001 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
- Nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm:
1. Xây dựng và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Xây dựng và ban hành quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thể lệ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
3. Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
4. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
5. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại của tổ chức, cá nhân về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
6. Xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
- Điều kiện để được Bộ tài chính xét cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận):
1. Đối với các tổ chức kinh tế Việt Nam:
1.1 Có mục tiêu và lĩnh vực hoạt động kinh doanh rõ ràng;
1.2 Có số vốn điều lệ ít nhất bằng mức vốn pháp định quy định tại Điều 22 Nghị định này;
1.3 Có hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với qui định tại Điều 2 của Nghị định này;
1.4 Có trụ sở phù hợp với hoạt động kinh doanh;
1.5 Người điều hành có năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn về bảo hiểm;
1.6 Nền kinh tế quốc dân thực sự có nhu cầu về loại nghiệp vụ bảo hiểm mà tổ chức kinh tế xin phép kinh doanh.
2. Đối với công ty liên doanh bảo hiểm và công ty liên doanh môi giới bảo hiểm, ngoài các điều kiện như đã qui định tại khoản 1 Điều này, các Bên tham gia liên doanh phải là các tổ chức kinh tế đang hoạt động hợp pháp và đang ở trong tình trạng tài chính bình thường.
3. Đối với chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài, chi nhánh của tổ chức môi giới bảo hiểm nước ngoài, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài và công ty môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức bảo hiểm và môi giới bảo hiểm nước ngoài phải là tổ chức đang hoạt động hợp pháp ở nguyên xứ và đang ở trong tình trạng tài chính bình thường.
- Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
1. Đối với các tổ chức kinh tế Việt Nam:
1.1. Đơn xin cấp Giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ tên giao dịch thương mại, địa chỉ trụ sở chính và chi nhánh, số vốn điều lệ, cách thức góp vốn, phạm vi và thời gian dự kiến hoạt động, mục đích hoạt động và loại nghiệp vụ dự kiến tiến hành;
1.2. Quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, biểu phí và hoa hồng bảo hiểm đối với loại nghiệp vụ dự kiến tiến hành;
1.3. Phương án kinh doanh trong thời gian ít nhất 5 năm hoạt động ban đầu, có nêu rõ tỷ lệ phí, tỷ lệ hoa hồng cho mỗi loại nghiệp vụ, ước tính bồi thường, dự kiến phát triển quy mô hoạt động, cách thức tính phí bảo hiểm và lập khoản dự phòng nghiệp vụ;
1.4. Điều lệ tổ chức và hoạt động;
1.5. Hồ sơ và các văn bằng chứng minh năng lực của các thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành;
1.6. Những tài liệu khác mà Bộ Tài chính yêu cầu nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan đến các văn bản nói trên.
2. Đối với công ty liên doanh bảo hiểm và công ty liên doanh môi giới bảo hiểm, ngoài các quy định tại Khoản 1 Điều này, còn phải có các văn bản được xác nhận hợp pháp sau đây:
2.1 Điều lệ của bên nước ngoài tham gia liên doanh;
2.2 Giấy phép hoạt động tại nguyên xứ của Bên nước ngoài tham gia liên doanh;
2.3 Hợp đồng liên doanh;
2.4 Bảng tổng kết tài sản, bảng tính lỗ lãi và báo cáo hàng năm tình hình hoạt động của các Bên liên doanh trong 3 năm gần nhất.
3. Đối với chi nhánh của tổ chức bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài, công ty bảo hiểm và công ty môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, ngoài các quy định tại Khoản 1 Điều này, còn phải có thêm các văn bản được xác nhận hợp pháp sau đây:
3.1 Giấy phép hoạt động tại nguyên xứ của tổ chức bảo hiểm và môi giới bảo hiểm nước ngoài;
3.2 Giấy uỷ quyền cho người điều hành tại Việt Nam;
3.3 Bảng tổng kết tài sản, bảng tính lỗ lãi và báo cáo hàng năm của tổ chức bảo hiểm nước ngoài, tổ chức môi giới bảo hiểm nước ngoài trong 3 năm gần nhất tại nguyên xứ.
- Hoạt động đại lý bảo hiểm phải trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm. Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện sau:
1. Là công dân Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam;
2. Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;
3. Không ở trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang thi hành án hình sự hay bị mất trí.
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm gồm những nội dung chính sau đây:
1. Tên gọi, địa chỉ trụ sở chính và chi nhánh;
2. Nội dung và phạm vi hoạt động
3. Thời hạn hoạt động
4. Vốn điều lệ và phương thức góp vốn;
5. Cơ cấu tổ chức và quản lý;
6. Người đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm.
7. Các nguyên tắc về tài chính, phương pháp kế toán;
8. Điều kiện giải thể và thủ tục giải thể;
9. Thủ tục sửa đổi Điều lệ;
1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, Bộ Tài chính quyết định cấp hoặc từ chối cấp. Trường hợp từ chối, phải thông báo rõ lý do cho đương sự và cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm, cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư (đối với các doanh nghiệp nước ngoài) biết.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm phải nộp khoản lệ phí cấp Giấy chứng nhận bằng 0,2% mức vốn pháp định quy định tại Điều 22 của Nghị định này, nhưng không thấp hơn 10 triệu đồng Việt Nam.
Số tiền trên được nộp làm hai lần: 50% khi nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận và 50% khi nhận được Giấy chứng nhận. Nếu không được cấp Giấy chứng nhận hoặc tổ chức bảo hiểm, môi giới bảo hiểm xin rút lại đơn thì số tiền đã nộp lần đầu không được hoàn lại.
3. Sau khi được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận, doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm phải làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy phép đầu tư (nếu là doanh nghiệp nước ngoài) theo quy định của pháp luật.
- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm được quy định như sau:
1. Doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, công ty liên doanh bảo hiểm: 20 tỷ đồng Việt Nam hoặc 2 triệu đô la Mỹ.
2. Chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài: 5 triệu đô la Mỹ.
3. Tổ chức môi giới bảo hiểm Việt Nam, công ty liên doanh môi giới bảo hiểm: 1 tỷ đồng Việt Nam hoặc 100 ngàn đô la Mỹ.
4. Chi nhánh của tổ chức môi giới bảo hiểm nước ngoài, công ty môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài: 300 ngàn đô la Mỹ.
- Doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm có thể bị Bộ Tài chính thu hồi Giấy chứng nhận trong những trường hợp sau:
1. Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận mà không thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định trong Giấy chứng nhận hoặc không hoạt động.
2. Không còn đáp ứng được các điều kiện hoạt động.
3. Không đủ khả năng tài chính để thực hiện các cam kết đối với người được bảo hiểm.
4. Ngoài các trường hợp trên, Giấy chứng nhận đã cấp cho chi nhánh của tổ chức bảo hiểm và môi giới bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam bị thu hồi khi tổ chức bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm nước ngoài bị rút giấy phép hoạt động tại nguyên xứ.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực