Chương I Nghị định 07/2018/NĐ-CP: Những quy định chung
Số hiệu: | 07/2018/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 10/01/2018 | Ngày hiệu lực: | 10/01/2018 |
Ngày công báo: | 30/01/2018 | Số công báo: | Từ số 229 đến số 230 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Trong Điều lệ này, các từ ngữ, thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) “Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Tập đoàn) là nhóm công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, không có tư cách pháp nhân, được gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác, bao gồm:
- Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (gọi tắt là PVN) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thành lập theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (doanh nghiệp cấp I);
- Các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn;
- Các doanh nghiệp liên kết của Tập đoàn.
PVN và các doanh nghiệp trong Tập đoàn có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn.
b) "Đơn vị trực thuộc PVN" là các đơn vị hạch toán phụ thuộc, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo và các đơn vị sự nghiệp nằm trong cơ cấu của PVN. Danh sách các đơn vị trực thuộc PVN được ghi tại Phụ lục ban hành kèm theo Điều lệ này và được thay đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động;
c) "Công ty con của PVN" (doanh nghiệp cấp II) là các công ty có vốn góp của PVN và do PVN nắm giữ quyền chi phối. Công ty con được tổ chức dưới các hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, tổng công ty theo hình thức công ty mẹ - công ty con, công ty ở nước ngoài và các loại hình công ty khác theo quy định của pháp luật;
d) "Công ty liên kết của PVN" là công ty mà PVN sở hữu cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối và không do PVN giữ quyền chi phối, chịu sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ với PVN theo tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận và hợp đồng liên kết đã ký giữa công ty với PVN. Công ty liên kết của PVN được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hoạt động ở nước ngoài;
đ) "Doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn" là các doanh nghiệp do PVN hoặc công ty con của PVN sở hữu 100% vốn điều lệ, có cổ phần, vốn góp chi phối, hoặc giữ quyền chi phối;
e) “Doanh nghiệp liên kết của Tập đoàn” (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp liên kết) gồm công ty có vốn góp dưới mức chi phối của PVN, công ty con của PVN và không do các doanh nghiệp này nắm quyền chi phối; doanh nghiệp không có vốn góp của PVN và của công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết và có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác với PVN hoặc doanh nghiệp thành viên Tập đoàn;
g) Công ty con của doanh nghiệp cấp II (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp II và do doanh nghiệp cấp II nắm giữ quyền chi phối. Doanh nghiệp cấp III được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần;
h) “Doanh nghiệp bị chi phối của PVN” (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bị chi phối) là doanh nghiệp do PVN giữ quyền chi phối;
i) “Quyền chi phối” là quyền của PVN đối với một doanh nghiệp khác, bao gồm ít nhất một trong các quyền sau đây:
- Quyền sở hữu duy nhất của doanh nghiệp;
- Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn chi phối của doanh nghiệp (sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông) của doanh nghiệp đó;
- Quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp;
- Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định việc phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của doanh nghiệp;
- Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp;
- Các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp chi phối và doanh nghiệp bị chi phối và được ghi vào Điều lệ của doanh nghiệp bị chi phối.
k) “Vốn điều lệ của PVN” là số vốn do Nhà nước đầu tư hoặc cam kết đầu tư trong một thời hạn nhất định;
l) “Ngành, nghề kinh doanh chính của PVN” là ngành, nghề được xác lập từ mục đích đầu tư thành lập và chiến lược phát triển của PVN, do chủ sở hữu nhà nước quy định và giao cho PVN thực hiện khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của PVN;
m) “Ngành, nghề kinh doanh, có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của PVN” (gọi tắt là ngành, nghề có liên quan) là ngành, nghề phụ trợ hoặc phát sinh từ ngành, nghề kinh doanh chính, trên cơ sở điều kiện và lợi thế của ngành, nghề kinh doanh chính hoặc sử dụng lợi thế, ưu thế của ngành, nghề kinh doanh chính và phục vụ trực tiếp cho ngành, nghề kinh doanh chính;
n) “Công trình dầu khí” bao gồm: Công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ; nhà máy chế biến và lọc hóa dầu; công trình xử lý, chế biến, vận chuyển, tiếp nhận, tồn chứa và phân phối khí và khí hóa lỏng; công trình tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí và các công trình khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí trên đất liền;
o) “Hợp đồng liên kết” là hợp đồng thể hiện các nội dung liên kết giữa các bên về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ khác;
p) “Người có liên quan” là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với PVN theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp;
q) “Người đại diện phần vốn của PVN tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn” (sau đây gọi là người đại diện phần vốn/Người đại diện theo ủy quyền của PVN) là cá nhân được PVN ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm của PVN đối với phần vốn của PVN đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn;
r) “Người quản lý PVN” là người giữ chức danh, chức vụ tại công ty mẹ gồm: Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, Thành viên Hội đồng Thành viên PVN, Kiểm soát viên PVN, Tổng Giám đốc PVN, Phó Tổng Giám đốc PVN, Kế toán trưởng PVN;
s) “Người quản lý” bao gồm: Chủ tịch, Thành viên Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và Kiểm soát viên của doanh nghiệp;
t) Các nội dung quản lý cán bộ bao gồm quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp.
2. “Pháp luật” là các quy định pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm các luật/bộ luật và các văn bản dưới luật do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Các thuật ngữ không được định nghĩa trong Điều lệ này được giải thích theo quy định pháp luật.
1. Tên gọi đầy đủ: TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM.
Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
2. Tên giao dịch: TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM.
3. Tên giao dịch quốc tế: VIETNAM OIL AND GAS GROUP.
4. Tên gọi tắt: PETROVIETNAM, viết tắt là PVN.
5. Địa chỉ trụ sở chính: Số 18 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: +84-4-38252526, Fax: +84-4-38265942.
Website: http://www.pvn.vn.
6. Biểu tượng (logo): Màu xanh da trời, ngọn lửa màu đỏ, được đăng ký theo:
- Giấy chứng nhận đăng ký số 43290 do Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp theo Quyết định số 3780/QĐ-ĐK ngày 19 tháng 9 năm 2002, Quyết định sửa đổi số 15643/QĐ-SHTT ngày 07 tháng 8 năm 2008 và Quyết định cấp lại và gia hạn số 1554/QĐ-SHTT ngày 05 tháng 7 năm 2012;
- Giấy chứng nhận đăng ký số 798033 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cấp ngày 29 tháng 3 năm 2003;
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 002917516 do Văn phòng Điều phối Thị trường chung về Nhãn hiệu và Kiểu dáng (OHIM) cấp ngày 30 tháng 6 năm 2004;
- Giấy chứng nhận số 2980715 do Cơ quan Quản lý nhãn hiệu hàng hóa và sáng chế Hoa Kỳ cấp ngày 02 tháng 8 năm 2005;
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 155559, 155560 và 155561 do Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp ngày 08 tháng 12 năm 2010.
7. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thay đổi tên, trụ sở của PVN theo quy định của pháp luật.
1. PVN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, các quy định của pháp luật có liên quan và theo Điều lệ này.
2. PVN có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. PVN có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau:
a) Tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết các hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định của Luật dầu khí; tổ chức công tác điều tra cơ bản và tổ chức quản lý, giám sát công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, dịch vụ dầu khí trên cơ sở hợp đồng với các nhà thầu dầu khí, với công ty con và với các tổ chức, cá nhân khác;
b) Trực tiếp sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật. Các quan hệ kinh tế phát sinh giữa PVN và các doanh nghiệp khác trong Tập đoàn được thể hiện bằng hợp đồng kinh tế;
c) Đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; chi phối công ty con theo quy định của pháp luật và Điều lệ này;
d) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn của PVN tại công ty con, công ty liên kết và thực hiện quyền và nghĩa vụ của PVN theo hợp đồng liên kết đối với công ty liên kết mà PVN không góp vốn;
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh trong Tập đoàn;
e) Thực hiện những công việc khác mà Nhà nước giao cho PVN và theo các quy định tại Điều lệ này.
1. Mục tiêu hoạt động:
a) Xác định và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên dầu khí của đất nước; kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại PVN và vốn của PVN đầu tư tại doanh nghiệp khác;
b) Tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn;
c) Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí, tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính là: (1) tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; (2) công nghiệp khí; (3) công nghiệp điện; (4) chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; (5) dịch vụ dầu khí, trong đó lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là cốt lõi; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; năng động, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.
2. Ngành, nghề kinh doanh:
a) Ngành, nghề kinh doanh chính:
- Nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí, khí hóa than, các dạng hydrocarbon phi truyền thống, làm dịch vụ về dầu khí ở trong và ngoài nước;
- Đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm khí, các nguyên liệu hóa phẩm dầu khí, phân bón và các sản phẩm từ chế biến dầu khí;
- Đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu, tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm lọc hóa dầu;
- Đầu tư, sản xuất, kinh doanh điện, cung ứng nhiên, nguyên liệu cho Nhà máy điện;
- Kinh doanh, cung ứng dịch vụ khai thác dầu thô, khí, các sản phẩm dầu, khí và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu khí ở trong và ngoài nước;
- Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình dầu khí;
- Thực hiện các dịch vụ dầu khí khác trong và ngoài nước.
b) Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính:
- Đầu tư, sản xuất, chế biến, kinh doanh nhiên liệu sinh học;
- Xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị dầu khí, sản phẩm dầu khí, hóa dầu;
- Tư vấn đầu tư xây dựng, thiết kế, giải pháp đảm bảo an toàn các công trình, phương tiện phục vụ dầu khí;
- Đầu tư sản xuất và kinh doanh năng lượng tái tạo;
- Đào tạo, cung ứng nhân lực dầu khí, xuất khẩu lao động;
- Triển khai, phát triển các dự án năng lượng sạch, “cơ chế phát triển sạch”;
- Cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu.
c) Đối với các ngành, nghề kinh doanh do PVN đang đầu tư vốn kinh doanh không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này, PVN thực hiện thoái vốn đã đầu tư theo nội dung và lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
d) Tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, PVN có thể điều chỉnh các ngành, nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
1. Vốn điều lệ của PVN tại thời điểm phê duyệt Điều lệ này là 281.500.000.000.000 đồng.
2. Việc điều chỉnh vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định của pháp luật.
Nhà nước là chủ sở hữu của PVN. Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với PVN.
Người đại diện theo pháp luật của PVN là Tổng Giám đốc PVN.
1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong PVN hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Các tổ chức chính trị - xã hội trong PVN được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội đó phù hợp với quy định của pháp luật.
3. PVN tạo điều kiện và có trách nhiệm hỗ trợ để tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong PVN hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ của các tổ chức đó.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực