Trang chủ Lớp 11 Văn Soạn Văn 11 CTST Viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

Soạn Văn 11 CTST Viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

Soạn Văn 11 CTST Viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

  • 44 lượt thi

  • 5 câu hỏi

  • 0 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

19/07/2024
Nhận xét của bạn về cách mở đầu và kết thúc của văn bản.
Xem đáp án

Trả lời:

- Mở đầu và kết thúc đúng với yêu cầu của kiểu bài văn thuyết minh.

+ Mở đầu bằng cách giới thiệu tác phẩm, đối tượng thuyết minh và các thông tin liên quan.

+ Kết bài: khẳng định được giá trị của tác phẩm và đối tượng thuyết minh.


Câu 2:

30/06/2024
Bài thuyết minh đã giải thích, trình bày những nội dung cụ thể nào? Các nội dung ấy đã làm rõ được đặc điểm nào của đối tượng?
Xem đáp án

Trả lời:

- Bài thuyết minh đã giải thích, trình bày những nội dung cụ thể về nội dung câu chuyện được đề cập trong tác phẩm, những vẻ đẹp/ thành công của tác phẩm và những tín hiệu từ công chúng và dư luận.

- Các nội dung ấy đã làm rõ được giá trị mà bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mang lại, đó là những thước phim đánh thức ký ức tuổi thơ và tình quê hương.


Câu 3:

13/07/2024
Văn bản đã lồng ghép yếu tố nào trong số các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận? Cách người viết lồng ghép các yếu tố trên trong văn bản có gì đáng lưu ý?
Xem đáp án

Trả lời:

- Tác giả lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận trong văn bản thuyết minh:

+ Khi nói về nội dung câu chuyện được đề cập trong tác phẩm, tác giả sử dụng yếu tố tự sự.

+  Miêu tả khi nói về những vẻ đẹp của tác phẩm, khi nói về sự đón nhận của công chúng với tác phẩm.

+ Nói về những vẻ đẹp/ thành công của tác phẩm, tác giả sử dụng yếu tố biểu cảm.

+ Nghị luận khi bày tỏ quan điểm của mình về những khía cạnh, những vấn đề trong tác phẩm.

+ …

- Cách người viết lồng ghép các yếu tố trên trong văn bản được kết hợp một cách hài hòa và sắp xếp theo trình tự hợp lí. Từ đó, làm cho những thông tin của văn bản hiện lên rõ ràng, cụ thể; giúp văn bản trở nên hấp dẫn, thuyết phục hơn.  


Câu 4:

12/07/2024
Tác giả đã sắp xếp các nội dung cụ thể trong bài viết theo trật tự nào?
Xem đáp án

Trả lời:

- Tác giả đã sắp xếp các nội dung cụ thể trong bài viết theo trật tự: nội dung - hình thức nghệ thuật - giá trị của tác phẩm.


Câu 5:

17/07/2024
Viết bài thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ... hoặc một nhân vật/ sự kiện văn hoá... Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Xem đáp án

Trả lời:

Bài văn tham khảo

“Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra” (Andersen). Bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng bạn đọc. Trong đó, Chí Phèo là một hình tượng trung tâm giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, khái quát số phận của một lớp người, bản chất của cả một xã hội, trở thành hình ảnh ấm nồng về sự khát khao cho cuộc đời lương thiện.

Nam Cao là một cây bút hiện thực xuất sắc. Ngòi bút của ông thường hướng về hai đối tượng là người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm “Chí Phèo” được nhà văn chắp bút năm 1941. Truyện kể lại cuộc đời của một người dân cùng khổ tên là Chí Phèo. Cuộc đời Chí Phèo có thể chia thành hai chặng lớn: trước và sau khi gặp Thị Nở. Trước khi gặp Thị Nở cũng có hai chặng nhỏ mà mốc phân định là nhà tù. Nhà tù thực dân đã biến một người lương thiện thành một tên lưu manh.

Hình tượng nhân vật là nơi quy tụ mọi vẻ đẹp về phẩm chất cũng như những vấn đề nhân sinh phức tạp mà nhà văn muốn phản ánh trong cuộc sống, con người. Ở đó kết tinh những suy ngẫm, tư tưởng và tình cảm, thái độ của nhà văn. Chí Phèo, sinh ra là một đứa con hoang, bị bỏ rơi nơi lò gạch cũ khi vừa mới lọt lòng, Chí được một bác phó cối không con đem về nuôi. Bác phó cối chết, Chí tứ cố vô thân, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà khác. Không cha không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, Chí lớn lên như cây cỏ, chẳng được ai ban cho chút tình thương. Thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí được cho là hiền như đất. Dù nghèo khổ, không được giáo dục nhưng Chí vẫn biết đâu là phải trái, đúng sai, đâu là tình yêu và đâu là sự dâm dục đáng khinh bỉ, nhục nhã. Mỗi lần bị mụ vợ ba lí Kiến bắt bóp chân, Chí “chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì”. Cũng như bao nông dân nghèo khác, Chí có mơ ước một cuộc sống gia đình đơn giản mà đầm ấm: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Thế nhưng cái mầm thiện trong con người Chí sớm bị quật ngã và không sao gượng dậy được. Đó là lúc Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù chỉ vì một cơn ghen bạo chúa và vô lý, bi kịch lưu manh hóa cũng bắt đầu từ đó.

Khi Chí ra tù, chàng trai hiền lành, lương thiện mang theo sự biến đổi nhân hình và nhân tính đến tha hóa dị dạng. Từ một anh canh điền khỏe mạnh, Chí trở nên là một đứa “đặc như thằng săng đá”, với “cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng, cái mặt câng câng, con mắt gườm gườm”. Người ta tưởng như một con quỷ dữ về làng. Chuỗi ngày sau khi ra tù, hắn ngụp lặn trong trạng thái tinh thần say miên man. Từ đó, Nam Cao mô tả đời hắn như một cơn say dài, mênh mông bất tận, “và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở trên đời”. Lúc này, Bá Kiến cùng với xã hội đương thời như đang hoàn thành nốt các bước “nhào nặn” Chí Phèo trở thành một tay đi đòi nợ thuê, chém giết thuê. “Hắn đâu biết hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao người dân lương thiện”. Tính Người trong Chí dường như đã cạn kiệt, linh hồn ác quỷ xâm chiếm và tàn phá anh nông dân hiền lành năm nào.

Đầu tiên hình ảnh Chí Phèo hiện lên với những bước chân loạng choạng trong tình trạng say khướt và “ hắn vừa đi vừa chửi”, “cứ rượu xong là hắn chửi”. Chí chửi trời, trời cao quá không sao nghe được, Chí chửi đời, đời rộng quá bao la quá và cũng “chẳng là ai” và rồi Chí chửi ngay cả làng Vũ Đại nhưng chẳng ai trả lời vì họ nghĩ “chắc nó trừ mình ra”. Có lẽ với Chí Phèo, điều duy nhất mà Chí có thể đối thoại với cuộc đời là tiếng chửi. Và rồi, Chí lại cất tiếng chửi, “chửi đứa chết mẹ nào không chửi nhau với hắn”. Nhưng một lần nữa, thứ Chí nhận lại được chỉ là sự im lặng, sự thờ ơ đến rợn người. Chí chửi người có lẽ chỉ là cách để hắn thu hút sự chú ý, để được “làm hòa”, được giao tiếp, trò chuyện cùng mọi người. Đau đớn tột cùng là khi hắn cứ chửi “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn”.Chí bấy giờ chỉ là một cái bóng, một kẻ tha hóa trong lòng người dân Vũ Đại, là một con quỷ dữ bên lề xã hội. Người dân trong làng không công nhận Chí là một con người, dù chỉ là người dưới đáy xã hội. Cuộc đời yên lặng, lòng người lạnh lùng để lại một Chí Phèo với một khoảng không gian cô độc và sự cô đơn tuyệt đối, một con quỷ dữ “mồ côi” thiếu tình thương từ nhỏ và lớn lên không được làm người.

Tưởng như Chí đã trượt dài và lún sâu trong tấn bi kịch đời mình, nhưng Nam Cao vẫn đủ tin tưởng và trái tim nhà văn vẫn rất nhân đạo khi “cố tìm mà hiểu” chất “Người” trong tâm hồn của một kẻ mà phần “Con” đã chiếm thế. Đó là lúc Chí gặp Thị Nở – một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn của làng Vũ Đại. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã mở ra một bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời Chí Phèo.

Đêm hôm ấy, Chí Phèo uống rượu với Tự Lãng trong trạng thái cô đơn, điên khùng, đau đớn đến cùng cực của một kẻ bị xã hội cự tuyệt quyền làm người. Chí phanh ngực, vừa đi vừa gãi, lần đường tìm về mảnh vườn và cái lều của hắn. Chính trong đêm trăng ấy, Chí đang “bứt rứt quá, ngứa ngáy quá” thì hắn bắt gặp thị Nở đang nằm ngủ, “cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ”. Chí Phèo đã xông tới người đàn bà “xấu ma chê quỷ hờn” mà không chút đắn đo. Đêm hôm ấy, hành động của Chí chỉ mang tính bản năng sinh vật ở một gã đàn ông say rượu. Nhưng thật kì lạ, sau đó, sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và sự yêu thương mộc mạc, chân thành của thị Nở trở thành nguồn sáng ấm áp chiếu rọi vào trái tim của Chí Phèo, thắp lên ngọn lửa, khao khát được hoàn lương, được trở về với thế giới loài người của Chí.

Sáng hôm ấy, Chí Phèo tỉnh dậy “lòng bâng khuâng mơ hồ buồn”. Tiếng chim hót vui vẻ, tiếng người đi chợ cười nói, tiếng anh thuyền chèo gõ mái chèo đuổi cá... Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có, nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Lòng hắn buồn “chao ôi là buồn!. Lương tâm hắn bị lay động. Tiếng vọng của đời thường đã đánh thức linh hồn Chí. Hắn nhớ lại những ngày xưa, một thời từng mơ ước, cái ước mơ bình dị của những người dân cày nghèo khổ “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nuôi lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng. Càng hồi tưởng càng buồn càng lo âu. Ngoài bốn mươi tuổi đầu, Chí cảm thấy “đã tới cái dốc bên kia cuộc đời”, và hắn lo, hắn sợ “đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Chí Phèo bị cảm. Bát cháo hành của thị Nở làm cho Chí Phèo gần như thay đổi hẳn. Lần đầu tiên hắn được nếm mùi cháo: “trời ơi cháo mới thơm làm sao!”. Mấy chục năm qua, hắn muốn ăn thì phải dọa, phải cướp, thế mà “lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”. Bát cháo hành Thị Nở đem đến làm Chí cảm động “Mắt ươn ướt nước” và “hắn cười thật hiền”. Nước mắt, lại là nước mắt đàn ông, Nam Cao từng gọi đó là “lăng kính biến hình của vũ trụ”. Ta có cảm giác giọt nước mắt kia, nụ cười thật hiền trên môi Chí kia đã cuốn đi, đã xua tan quá khứ tối tăm, u ám của hắn. Có lẽ chính giọt nước mắt và nụ cười ấy của Chí Phèo Thị Nở đã có khi thầm nghĩ: “Có lúc hắn hiền như đất”. Rồi hắn nói với Thị Nở: “Cứ thế này mãi thì thích nhỉ… hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”. Chí Phèo vừa húp cháo hành vừa trìu mến nhìn thị Nở, rồi hắn vẩn vơ nghĩ gần nghĩ xa. Thằng lưu manh “chỉ mạnh về liều”. Sẽ có một lúc nào đó “không thể nào liều được nữa” thì bấy giờ mới nguy! Việc Thị Nở chăm sóc cho Chí khi bị cảm gió ngoài vườn, thực ra, chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí nhận được kể từ ngày về làng. Vì thế nó quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Quả thật, cái mà nhân loại thiếu không phải một lòng tốt xa vời và hư ảo của một ông thánh, cũng không phải lòng tốt suông của những nhà lập thuyết viển vông: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”, lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong tác phẩm của Rơ Mác. Đó là một cái nhìn sâu sắc với tấm lòng xót thương đầy tình người của Nam Cao đối với con người nghèo khổ, lương thiện bị xã hội xô đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi.

Linh hồn thức tỉnh, bản tính bị lấp đi dần dần lộ ra. Chí Phèo bỗng thấy “thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Hắn khao khát được mọi người “sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Người phụ nữ ấy xấu ma chê quỷ hờn đấy nhưng Chí “say thị lắm!”. “Với một vẻ mặt rất phong tình”, hắn bảo thị Nở: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Câu nói ấy đã biểu lộ chân tình cái khao khát muốn được làm người, “thèm lương thiện” và “muốn làm hòa với mọi người” của Chí Phèo. Có nghe hắn chửi, có nhìn thấy hắn rạch mặt, ăn vạ, có mục kích hắn say rượu vác dao đi đâm người… thì ta mới thấy xúc động vô cùng trước những khao khát bình dị ấy của Chí Phèo, của con người đau khổ bất hạnh! Câu trả lời của thị Nở sẽ quyết định số phận của hắn.

Bà cô đã đay nghiến thị Nở, quyết không cho phép cháu bà “đi lấy một thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Nhưng làm sao trách được khi mọi người làng Vũ Đại lâu nay nhìn Chí chẳng khác nào con quỷ mang hình người. Chí Phèo thực sự rơi vào một bi kịch tinh thần, đau đớn, quằn quại. Hắn “ngẩn người” khi nhìn và nghe Thị nói. Hắn “sửng sốt” đứng lên gọi Thị. Hắn đuổi theo “nắm lấy tay” Thị nhưng bị thị gạt ra, dúi thêm cho một cái ngã “lăn khoèo xuống sân”. Ấy là lần duy nhất hắn níu kéo một mối quan hệ người cũng là giây phút thảng thốt, chới với của một sinh linh đáng thương biết mình đã bị ruồng bỏ. Kẻ không nhận ra nỗi đau của mình sẽ không thể cảm thấy đau được, nhưng Chí Phèo đã không còn say nữa, cho dù uống rượu thì hắn “càng uống càng tỉnh”, lương tri đã tìm về và hắn đủ tỉnh táo để nhận ra bi kịch của mình. Ấy là lần duy nhất hắn níu kéo một mối quan hệ người cũng là giây phút thảng thốt, chới với của một sinh linh đáng thương biết mình đã bị ruồng bỏ. Nỗi đau tột cùng của Chí như vang vọng khắp câu chữ. Nó đã chuyển hóa thành sự căm phẫn tột độ. Hắn phải “đâm chết con đĩ Nở kia”, “đâm chết cái con khọm già nhà nó”. Hắn lại uống, lại uống… nhưng “càng uống càng tỉnh ra”, tỉnh ra để thấm thía nỗi đau vô hạn của thân phận mình: quyền làm người được sống lương thiện đã bị xã hội và đồng loại dứt khoát cự tuyệt. Rồi “hắn ôm mặt rưng rức” cho đến khi đã say mềm người rồi hắn đi. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng với câu nói lảm nhảm: “Tao phải đâm chết nó”. Có lẽ, hắn đã biết kẻ thù của hắn đang ở đâu, kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời hắn, khiến hắn phải bán đi linh hồn của mình để rồi suốt đời quẩn quanh, bế tắc trong vòng tội lỗi. Đó chính là Bá Kiến - ngọn nguồn của mọi tội lỗi trong cuộc đời Chí.

Chính vào buổi trưa “trời nắng, đường vắng” ấy, Chí Phèo lần thứ ba đến gặp Bá Kiến “không đòi tiền” như mọi khi mà đòi lương thiện, đòi quyền “làm người lương thiện!”. Câu nói của Chí Phèo: “… Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được hết những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!…” đó là những lời đanh thép vạch mặt, kết án tên cường hào xảo quyệt Bá Kiến, đồng thời là tiếng kêu thương tuyệt vọng của một kiếp người đau khổ! Chí Phèo “văng dao tới” giết Bá Kiến rồi tự sát. Chí đã giết chết con quỷ dữ làng Vũ Đại đã làm hại đời anh. Chí không thể sống kiểu lưu manh, không thì làm quỷ dữ, sống như thú vật được nữa. Chí Phèo đã chết bi thảm, quằn quại trên vũng máu của mình, chết trong tiếng kêu uất hận đau thương, đầy xót xa ám ảnh. Anh ta đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời, khi cánh cửa cuộc đời đóng chặt trước mặt anh. Cái chết của Chí là lời tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội vô nhân, là lời kêu cứu khẩn thiết về quyền con người.

Tác phẩm “Chí Phèo” mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ. “Chí Phèo” còn là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh. Hãy bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện. Họ phải được sống và sống hạnh phúc, không còn những thế lực đen tối của xã hội đẩy họ vào chỗ cùng khốn, bế tắc, đầy bi kịch xót xa. “Chí Phèo” là một tác phẩm văn học chân chính như trong quan niệm của Nam Cao: “Tác phẩm văn học có giá trị là tác phẩm phải thể hiện nỗi đau của con người, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”.

Nam Cao đã thể hiện ngòi bút tài tình của mình qua nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình như Bá Kiến, Chí Phèo, vừa tiêu biểu cho những loại người có bề dày trong xã hội, vừa là những cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ. Tâm lí nhân vật được miêu tả thật tinh tế sắc sảo, tác giả có khả năng đi sâu vào nội tâm để diễn tả những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Bên cạnh đó, ngôn ngữ kể chuyện vừa là ngôn ngữ tác giả, có khi vừa là ngôn ngữ nhân vật. Tác giả như nhập vai vào từng nhân vật, chuyển từ vai này sang vai khác một cách linh hoạt, tự nhiên.

Hằn in dáng dấp của thời đại, hoài thương miền viễn ức xa xăm, đó là cách thức, cũng là lý do nghệ thuật ra đời. Mỗi con người trở thành tác giả đều mang trong mình sứ mệnh tái hiện, lưu giữ hiện thực xã hội và ánh hào quang của lịch sử. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao đã thực hiện sứ mệnh ấy trọn vẹn đến mức dường như bớt một từ sẽ mất đi ý nghĩa, thêm một chữ sẽ trở nên dư thừa:

“Dẫu rằng phải kiếp lưu manh

Nhưng anh vẫn đẹp nhân tình Chí ơi!

Chết anh - một kiếp con người

Hóa thành bất tử giữa đời văn chương!”


Bắt đầu thi ngay