Giải SGK KTPL 11 Cánh Diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường
Giải SGK KTPL 11 Cánh Diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường
-
89 lượt thi
-
17 câu hỏi
-
0 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
23/07/2024Em hãy nêu ví dụ về một hàng hóa được cung cấp bởi nhiều chủ thể sản xuất và cho biết sự khác biệt giữa các sản phẩm đó. Theo em, vì sao các chủ thể sản xuất luôn tạo ra sự khác biệt như vậy?
♦ Hãng Coca-cola và Pepsi cùng cung cấp một loại sản phẩm là nước ngọt có ga.
♦ Sự khác biệt giữa nước ngọt của Coca-cola và Pepsi:
- Khác biệt về hương vị:
+ Nước ngọt của hãng Pepsi có hương vị cam quýt. Khi uống ngụm đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận thấy vị ngọt hơn so với Coca-cola, nhưng vị ngọt của Pepsi có xu hướng tan nhanh hơn.
+ Nước ngọt của hãng Coca-cola có hương vị nho khô và vani. Khi uống ngụm đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận thấy vị ngọt thanh, dịu nhẹ hơn so với Pepsi, nhưng vị ngọt này có xu hướng lưu lại lâu hơn.
- Khác biệt về giá trị dinh dưỡng:
+ Nước ngọt của hãng Pepsi có lượng đường, ca-lo và cafein cao hơn và có axit cân bằng độ chua.
+ Nước ngọt của hãng Coca-Cola có lượng muối natri cao hơn Pepsi và không có axit cân bằng độ chua.
- Khác biệt về chiến lược kinh doanh:
+ Hãng Coca-Cola phát triển theo hướng ưu tiên những yếu tố thuộc về cảm xúc, quá khứ của con người.
+ Hãng Pepsi lại hướng thương hiệu của mình phát triển theo hướng hiện đại, trẻ trung và năng động hơn.
♦ Các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm, nhằm tạo ưu thế cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng chú ý đến sản phẩm của mình.
Câu 2:
18/07/2024Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam đã thực hiện những hoạt động gì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình?
Để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam đã:
- Lựa chọn chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, tìm cách giảm chi phí sản xuất và tạo ra sự khác biệt về sản phẩm…
- Tạo ra các loại sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc từ thiên nhiên như nước cam, chanh, nho, nha đam,...Câu 3:
18/07/2024Theo em, những hoạt động đó có phải là cạnh tranh không? Vì sao?
Những hoạt động trên của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam chính là biểu hiện của cạnh tranh. Vì: những hoạt động này hướng tới các mục tiêu là:
- Giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
- Tạo ra sự khác biệt về sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, từ đó có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
Câu 4:
18/07/2024Em hãy cho biết những chủ thể sản xuất kinh doanh nào được nhắc đến trong các trường hợp trên. Các chủ thể đó có sự khác biệt gì với nhau?
* Phân tích trường hợp 1:
- Những chủ thể được nhắc đến là: hộ gia đình; chủ trang trại; hợp tác xã; doanh nghiệp…
- Giữa các chủ thể có sự khác biệt về công nghệ sản xuất sản phẩm. Ví dụ:
+ Hộ gia đình chế biến nông sản theo phương pháp thủ công truyền thống.
+ Các chủ trang trại; hợp tác xã; doanh nghiệp… tạo ra sản phẩm thông qua công nghệ sản xuất hiện đại hơn.
=> Sự khác biệt về công nghệ sản xuất này đã góp phần tạo nên sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, chất lượng, mẫu mã và giá cả sản phẩm.
* Phân tích trường hợp 2:
- Những chủ thể được nhắc đến là: doanh nghiệp thời trang Việt Nam và doanh nghiệp thời trang nước ngoài.
- Giữa các chủ thể có sự khác biệt về nguồn lực sản xuất, bao gồm: vốn, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp…
Câu 5:
23/07/2024Vì sao các chủ thể đó luôn phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng? Những yếu tố nào giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng?
- Mục đích cuối cùng của các chủ thể sản xuất kinh doanh là: bán được nhiều sản phẩm, qua đó để tăng doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng.
- Một số yếu tố giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng là: giá cả, mẫu mã, chất lượng, tính năng, công dụng… của sản phẩm
Câu 6:
19/07/2024Doanh nghiệp H đã làm gì để giành thắng lợi trong cạnh tranh? Điều này có tác dụng gì đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?
- Để giành thắng lợi trong cạnh tranh, doanh nghiệp H đã: đầu tư máy móc hiện đại hơn, sử dụng dây chuyền công nghệ mới, tự động hoá một số công đoạn sản xuất.
- Tác dụng: nhờ việc hoàn thiện quy trình sản xuất, doanh nghiệp H đã rút ngắn được 1/3 thời gian sản xuất, giảm 50% nhân công vận hành, giảm chi phí nhân công 5 lần đối với mỗi sản phẩm và năng suất lao động tăng gần 5 lần so với công nghệ cũ.
Câu 7:
20/07/2024Cạnh tranh giữa những người cung cấp dịch vụ taxi đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng?
Cạnh tranh giữa những người cung cấp dịch vụ Taxi đã giúp cho khách hàng được hưởng nhiều lợi ích hơn, ví dụ như: được tiếp cận với các dịch vụ taxi có chất lượng tốt, giá cả hợp lí hơn; nhận được thái độ phục vụ, hướng dẫn tận tình hơn.
Câu 8:
19/07/2024Theo em, hành vi của doanh nghiệp B là thể hiện cạnh tranh như thế nào? Hành vi đó vi phạm điều gì trong nguyên tắc kinh doanh? Việc cạnh tranh như vậy dẫn đến hậu quả gì?
- Hành vi của doanh nghiệp B đã thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp A, vì đã: thiết kế bao bì với tên sản phẩm, màu sắc và hoạ tiết gây nhầm lẫn với sản phẩm của doanh nghiệp A.
- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp B đã vi phạm nguyên tắc thiện chí, trung thực và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh.
- Hành vi của doanh nghiệp B đã gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A.
Câu 9:
23/07/2024Từ các trường hợp trên, em hiểu thế nào là cạnh tranh không lành mạnh?
Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
Câu 10:
18/07/2024Theo em, các chủ thể sản xuất kinh doanh cần phải làm gì để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh?
Để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp cần:
+ Tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và các chính sách về cạnh tranh.
+ Đẩy mạnh quan tâm, xúc tiến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
+ Tự xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như: xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng những kênh phân phối mới, các sản phẩm mới; khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình.
Câu 11:
18/07/2024Em hãy cho biết các nhận định sau đây về cạnh tranh trong nền kinh tế là đúng hay sai. Vì sao?
A. Cạnh tranh là sự chia sẻ các nguồn lực giữa những người sản xuất kinh doanh.
B. Cạnh tranh luôn diễn ra giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường.
C. Cạnh tranh là sự phối hợp giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
D. Cạnh tranh là sự ganh đua tìm kiếm cơ hội thuận lợi của các chủ thể trong hoạt động kinh tế để thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
E. Mục đích cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là nhằm phát huy năng lực sáng tạo của con người.
- Nhận định A. Không đồng tình, vì: cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, nhằm giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
- Nhận định B. Đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường, giữa các chủ thể có sự khác biệt về: nguồn lực; điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng, do đó, các chủ thể kinh tế luôn phải cạnh tranh với nhau để giành được lợi ích cao nhất cho mình.
- Nhận định C. Không đồng tình, vì: cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất. Ví dụ:
+ Giữa các chủ thể sản xuất có sự cạnh tranh với nhau, giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
+ Người tiêu dùng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
+ Người sản xuất và người tiêu dùng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
- Nhận định D. Đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể luôn có sự ganh đua, giành giật những cơ hội thuận lợi để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
- Nhận định E. Không đồng tình, vì: mục đích cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là nhằm thu về lợi ích kinh tế cho bản thân.
Câu 12:
20/07/2024Em hãy chỉ ra những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh trong các câu sau và giải thích vì sao.
A. Cạnh tranh nảy sinh do sự tồn tại các chủ thể kinh tế với các hình thức sở hữu nguồn lực khác nhau, độc lập với nhau, tự do sản xuất, kinh doanh.
B. Cạnh tranh xuất hiện là do sự giành giật các điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của các chủ thể kinh tế để thu được lợi ích cao nhất cho mình.
C. Cạnh tranh xuất hiện là do sự phối hợp giữa các chủ thể kinh tế nhằm cùng thu được lợi ích trong hoạt động kinh tế.
D. Cạnh tranh diễn ra do điều kiện sản xuất và lợi ích của mỗi chủ thể kinh tế khác nhau.
- Những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh là: A, B, D.
=> Giải thích:
- Cạnh tranh trên thị trường diễn ra là do: các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực; các chủ thể này lại tồn tại độc lập với nhau; chủ thể nào cũng hành động trước hết vì lợi ích của mình.
- Vì các nguồn lực có hạn, các điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng khác nhau nên để thực hiện được lợi ích của mình, các chủ thể kinh tế phải cạnh tranh với nhau.
+ Các chủ thể sản xuất luôn phải giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.
+ Người tiêu dùng cũng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
+ Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất cho mình từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
Câu 13:
22/07/2024Em hãy phân tích vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế qua những trường hợp dưới đây:
A. Các công ty sản xuất bánh mứt kẹo trong nước bán ra thị trường nhiều sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của các gia đình dịp Tết.
B. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử gia dụng nội địa tập trung đầu tư vào cải tiến kĩ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
C. Những năm gần đây, nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch và tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các loại trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã chinh phục được thị trường ở nhiều nước phát triển.
D. Nhờ khai thác tốt lực lượng lao động thủ công có tay nghề giỏi, làng dệt lụa truyền thống tỉnh H vẫn duy trì được thị trường phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
- Trường hợp A. Vai trò của cạnh tranh là: tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lí. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng tốt hơn.
- Trường hợp B. Vai trò của cạnh tranh là: tạo động lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
- Trường hợp C. Vai trò của cạnh tranh là: giúp quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó chinh phục được thị trường trong và ngoài nước.
- Trường hợp D. Vai trò của cạnh tranh là: các nguồn lực kinh tế được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, giúp tỉnh H duy trì được làng dệt lụa truyền thống, duy trì thị trường phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Câu 14:
18/07/2024Trong thời gian qua, việc kinh doanh của công ty H có dấu hiệu thua kém công ty K về doanh thu và lợi nhuận. Giám đốc công ty H đã tìm nhiều cách khắc phục. Ông đã cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách tìm mua nguyên vật liệu có chất lượng kém hơn, nguồn gốc không rõ ràng.
Em đồng tình hay không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H trong tình huống này? Vì sao?
- Không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H, vì: việc sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tuy đem lại lợi ích trước mắt là giảm chi phí sản xuất, nhưng để lại những hậu quả lâu dài, nghiệm trọng, như:
+ Hạ chất lượng sản phẩm;
+ Làm mất uy tín của doanh nghiệp;
+ Gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng; đồng thời cũng gây mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của doanh nghiệp…
Câu 15:
18/07/2024Em và các bạn đóng vai người bán cùng một mặt hàng. Hãy thuyết phục để người mua lựa chọn sản phẩm của em. (Gợi ý: cân nhắc về mức giá, chất lượng sản phẩm, cách thức thanh toán, điều kiện giao hàng,...).
(*) Học sinh lựa chọn sản phẩm và tự thực hiện đóng vai để thuyết phục khách hàng.
Câu 16:
20/07/2024Em hãy thiết kế sản phẩm để phê phán các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh và chia sẻ thông điệp với các bạn trong lớp.
(*) Tham khảo tiểu phẩm: CHỮ “TÂM” TRONG KINH DOANH
I. Nhân vật
- Chị Bình: mẹ của Nga
- Bạn Nga (16 tuổi).
- Bà Thanh (chủ cửa hàng tạp hóa).
- Anh Hưng: đội trưởng Đội quản lí thị trường.
- Anh Dũng: nhân viên đội quản lý thị trường.
II. Nội dung tiểu phẩm
Cảnh 1. Tại nhà của Nga
- Người dẫn truyện (đọc): do có việc đột xuất cần giải quyết, nên chị Bình không thể chuẩn bị cơm tối cho gia đình, đang băn khoăn, định sẽ viết lời nhắn lại cho con gái, thì thấy Nga đã đi học về
- Chị Bình (giọng vui vẻ): Ôi may quá, Nga đi học về rồi! Mẹ có việc phải ra ngoài, không nấu cơm được. Con giúp mẹ chuẩn bị bữa tối nhé!
- Nga (nhanh nhẹn đáp): Vâng ạ! Mẹ định làm món gì thế ạ? Mà mẹ đã mua đủ nguyên liệu chưa ạ?
- Chị Bình (bối rối): Mẹ vừa đi làm về, còn chưa kịp mua gì nữa, giờ con cầm tiền đi mua đồ nhé. Con thích ăn món gì thì mua đủ nguyên liệu về rồi chế biến nha! Mà mẹ bảo, giờ thực phẩm “bẩn” nhiều lắm, con vào siêu thị mua đồ cho đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây (chị Bình mở ví, lấy tiền đưa cho Nga), con đi mua đồ đi rồi về nấu giúp mẹ. Mẹ ra ngoài, độ hơn 1 tiếng nữa thì về.
- Nga: Vâng, đợi con thay đồ xong rồi ra siêu thị ngay! Mẹ cứ yên tâm ạ!
Cảnh 2: Tại cửa hàng tạp hóa nhà bà Thanh
- Người dẫn truyện (đọc): Bà Thanh đang ngồi nhặt rau trước cửa, thấy Nga đi bộ qua, vừa đi vừa hát
- Bà Thanh (ngừng tay, ngẩng đầu lên hỏi): Gớm, con gái nhà Bình lớn quá, sắp lấy chồng đến nơi rồi! Đi đâu mà vui vẻ thế cháu, xem có mua gì cho bác để nhà bác đắt hàng không?
- Nga (vui vẻ đáp lại): cháu ra siêu thị mua ít đồ về nấu cơm bác ạ!
- Bà Thanh (vội vàng đứng dậy, kéo tay Nga, chỉ vào trong cửa hàng): Ôi dào, siêu với chả thị, mày vào đấy mua làm gì cho đắt đỏ ra, vào đây, vào nhà bác mà mua đồ, gi gỉ gì gi cái gì cũng có, giá cả lại phải chăng nữa!
- Nga (tỏ vẻ phân vân): cháu mua thực phẩm tươi về nấu ăn, mà nhà bác bán đồ tạp hóa, chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt…
- Bà Thanh (vội vàng ngắn lời): Ấy, cái con bé này, suốt ngày chỉ biết học thôi! Trước nhà bác chỉ bán đồ dùng sinh hoạt, giờ nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, nên bác cũng phải đa dạng hóa các mặt hàng chứ. Giờ bác bán cả thực phẩm đông lạnh, đồ ăn chế biến sẵn nữa! Đây, mày vào đây mà xem, cái gì cũng có nhé (kéo Nga đi vào tham quan cửa hàng). Mà cháu định nấu món gì? Cần nguyên liệu gì để bác chỉ cho?
- Nga (cười, tỏ vẻ bối rối): Cháu còn chưa nghĩ ra nấu món gì nữa cơ ấy!
- Bà Thanh (cười lớn): Ôi dào ơi, giờ lớp trẻ tụi bây ít đứa đam mê nấu nướng, mà nấu có khi cũng không ra được hương vị truyền thống đâu. Nhà bác đang có mấy món chế biến sẵn rồi, về chỉ việc cho vào lò vi sóng hâm lại là ăn được luôn. Hay mày mua về mà ăn, tội gì phải nấu, vừa mất thời gian lại vừa tốn công, để cái thời gian ấy mà lướt “tóp tóp” có phải sướng hơn không?
- Nga (phân vân): thế bác có những món gì chế biến sẵn rồi ạ?
- Bà Nga (giọng phấn khởi, kéo Nga sang một quầy hàng khác, lấy ra mấy hộp thức ăn không có nhãn mác gì, chỉ tay vào từng hộp để giới thiệu cho Nga): Đây, hộp này là bò sốt vang; hộp này là thịt chưng mắm tép, gớm, hôm nay mát giời, ăn món này là nhất đấy. Còn cái này là giò chả truyền thống của làng Ước Lễ; cái này là món gà sang muối; món này là cá trắm kho,…
- Nga (cầm từng hộp lên ngắm nghía, hỏi lại bà Nga): Ôi, sao các hộp này chẳng có nhãn mác gì thế bác? Mẹ cháu dặn phải mua hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thôi, chắc cháu vào siêu thị mua đồ thôi bác ạ (Nga định quay đi).
- Bà Thanh (vội vàng ngăn lại): Ấy, cái con này, đã nghe bác nói hết chưa mà vội vàng thế. Những cái này đều là đồ Handmade, nhà tự làm thì cần gì phải nhãn mác, những đồ này là cái Tuyết, con dâu bác nấu đó. Con dâu bác là đầu bếp cho nhà hàng ở trên tỉnh, nấu ăn ngon có tiếng rồi, nên tiện thì nó cũng kinh doanh đồ ăn tại nhà luôn. Đồ ăn nhà bác bán cho cả thôn này, người nơi khác cũng đặt hàng đầy ra, mày cứ lên facebook, tìm Fanpage “Bếp nhà Tuyết” là thấy, số lượng người theo dõi đông lắm!
- Nga (bối rối): Thật à bác, nhưng cháu….
- Bà Thanh (Thấy Nga có vẻ băn khoăn, bà nói tiếp): Bác bảo thế, mày không tin thì thôi, chứ hàng xóm láng giềng, người làng người nước với nhau, bác lừa mày làm cái gì, lời lãi có được là bao mà mang tiếng thì chả bõ. Còn mày thích ra siêu thị thì tùy mày. Nhưng bác nói thật nhé, siêu thị nó chỉ có cái mác cho oai thôi, vừa rồi, trên tivi chả có doanh nghiệp nào đấy nhập rau từ chợ dân sinh, về gắn mác Vietgap xong tuồn vào siêu thị để bán với giá cao đấy còn gì. Cháu ạ, thời buổi bây giờ “khuất mắt trông coi”, chả biết thế nào được đâu. Giá trong siêu thị thì bán đắt, mà chất lượng có khi còn thua hàng chợ, vì họ phải gánh chi phí mặt bằng cao, chi phí vận hành hệ thống, nhân viên nọ kia…
- Nga (gật đầu): Bác nói cũng hợp lí, cháu thấy giá hàng hóa trong siêu thị cũng cao hơn ở ngoài một chút…
- Bà Thanh (vẻ mặt quả quyết): chứ còn gì nữa, bác bán hàng tạp hóa ở cái thôn này bao nhiêu năm nay rồi, hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng, uy tín bao nhiêu năm nay rồi. Còn cái siêu thị kia mới mở ở thôn mình được có nửa năm, khách hàng vào thì cũng lèo tèo lắm, giá thì cao; hàng của họ tuy mẫu mã đẹp, nhãn hiệu nọ kia quảng cáo trên tivi đấy, nhưng mà biết thế nào được. Biết đâu cũng kiểu nhập nhèm, mua hàng trôi nổi về rồi gắn mác xịn vào rồi bán để lừa người dân. (Bà Thanh kéo Nga lại gần, nói nhỏ): Gặp mày đây, chỗ tin tưởng bác mới nói chứ không có nói ở đâu mà mang tiếng: hôm vừa rồi, bác đi tập thể dục lúc sáng sớm, ngang qua chỗ siêu thị, thấy mấy cái xe tải nó chở hàng đến, eo ơi, hàng hóa thì quăng quật xuống đất, để trong những cái bọc ni-lông đen mà thái độ nhân viên kiểu lén lút, khả nghi lắm,… Gớm nữa, bán hàng chất lượng tốt thì cứ ban ngày ban mặt mà chở hàng đến, cần gì phải lén lút sớm hôm thế, chắc là nó bán hàng giả nên sợ bị phát hiện đấy cháu ạ…
- Người dẫn truyện (đọc): Nga đang tần ngần, trên tay cầm hộp thức ăn thì thấy có 3 - 4 người cùng bước vào cửa hàng. Bà Thanh vội vàng chạy ra, nhóm người đó mặc đồng phục, một người trong số họ đưa thẻ ra và giới thiệu:
- Anh Hưng: Chào bác Thanh! Xin giới thiệu với bác, tôi là Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Đoàn công tác thuộc Đội Quản lý thị trường số 3. Hôm nay, Đoàn công tác chúng tôi tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tạp hóa của bác. Rất mong được bác hợp tác.
- Bà Thanh: Vâng, chào các cán bộ. Mời các anh vào nhà xơi nước đã.
- Anh Hưng: Cảm ơn bác! Chúng tôi sẽ kiểm tra luôn nên đề nghị bác chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến việc nhập hàng hóa.
- Người dẫn truyện (đọc): Anh Hưng và các đồng nghiệp kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa trong cửa hàng, phát hiện nhiều bánh kẹo đã quá hạn sử dụng ghi trên bao bì, nhiều bánh kẹo, mỹ phẩm, sữa bột trẻ em sản xuất ở nước ngoài không dán tem phụ.
- Anh Hưng: Đề nghị bác xuất trình hóa đơn, chứng từ cho những lô hàng sản xuất ở nước ngoài mà không có tem phụ.
- Bà Thanh (ấp úng): Dạ…thì… cái này anh chờ tôi tìm lại.
- Người dẫn truyện (đọc): Bà Thanh quay vào trong tìm hóa đơn, chứng từ, nhưng thực ra là chuẩn bị mấy chiếc phong bì định “bồi dưỡng” đoàn kiểm tra. Một lát sau:
- Bà Thanh: Báo cáo cán bộ, hóa đơn, chứng từ tôi để lẫn ở đâu đấy, già cả rồi, đầu óc không được nhanh nhạy như trước, cán bộ thông cảm! Thôi thì các anh bỏ quá cho, gửi các anh chút quà….gọi là uống nước thôi…. Công việc của các anh vất vả quá…!
- Anh Hưng: Bác Thanh, bác cất ngay phong bì đi. Bác đừng làm thế. Chúng tôi sẽ lập biên bản về hành vi đưa hối lộ đấy. Bác cứ tìm kỹ không thì hỏi người nhà xem có để lẫn hóa đơn, chứng từ ở đâu. Nếu bác không xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ thì dù không muốn, chúng tôi vẫn phải tiến hành lập biên bản của buổi kiểm tra hôm nay đấy. Đồng chí Dũng chuẩn bị biên bản đi.
- Bà Thanh: Ôi cán bộ ơi, cửa hàng tạp hóa nhà tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ, phục vụ bà con trong thôn này thôi. Anh xem, hàng hóa cũng có đáng giá bao nhiêu đâu. Tôi nghĩ các anh chỉ nên xử phạt những cơ sở sản xuất lớn thôi chứ.
- Anh Hưng: Bác hiểu như vậy là chưa đúng rồi. Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người thì không kể là cơ sở lớn hay nhỏ, nếu vi phạm thì đều bị xử phạt.
- Anh Dũng (nói với anh Hưng): Báo cáo anh, theo thống kê thì số lượng hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cộng với hàng hết hạn sử dụng ước tính giá trị khoảng 25 triệu đồng. Ngoài lô hàng này, chúng em còn phát hiện một tủ cấp đông chứa nhiều hộp thức ăn chế biến sẵn, cũng không có nhãn mác, với số thức ăn này, hiện chưa biết đó là loại thức ăn gì, chế biến như thế nào, giá trị là bao nhiêu và cũng không có ghi hạn sử dụng ạ!
- Anh Hưng (quay sang nói với bà Thanh): Bác Thanh ạ, theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có số lượng hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Căn cứ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tôi là Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3 quyết định xử phạt hành vi này của anh 8 triệu đồng. Bây giờ chúng tôi sẽ lập biên bản, mời anh ký và ra Kho bạc Nhà nước nộp tiền phạt. Đồng thời, số lượng hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ này, chúng tôi sẽ bị tịch thu để tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 14 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
- Bà Thanh (khẩn khoản, nài nỉ): Xin các anh bỏ qua cho tôi lần này, tôi hứa sẽ không vi phạm nữa.
- Anh Hưng (Giọng quả quyết): Chúng tôi cũng mong bác không vi phạm thêm lần nào nữa. Qua đây là bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng bác mà còn đối với nhiều người kinh doanh khác. Trong kinh doanh cũng cần có chữ “tâm” bác ạ. Còn lần vi phạm này chúng tôi vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật vì hành vi này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.
- Người dẫn truyện (đọc): Nga chứng kiến toàn bộ sự việc, vội bỏ hộp thức ăn xuống và rảo bước ra ngoài, hướng về phía siêu thị để mua đồ, lòng Nga thầm nghĩ: bà Thanh buôn bán hàng không đảm bảo chất lượng là một hành vi gian dối trong kinh doanh, mặt khác, những thông tin bà nói về siêu thị cũng chưa được kiểm chứng. Nga chợt thấy mình may mắn khi phát hiện hàng hóa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã kịp thời dừng lại, tránh cho người thân phải dùng thực phẩm “bẩn”.
Câu 17:
18/07/2024Em hãy nêu ví dụ về sự thay đổi của nhu cầu tiêu dùng một số loại hàng hóa, dịch vụ vào những dịp lễ, Tết ở Việt Nam. Theo em, các chủ thể sản xuất kinh doanh sẽ làm gì để đáp ứng sự thay đổi đó?
- Vào các dịp lễ, tết ở Việt Nam, người tiêu dùng có xu hướng, tăng nhu cầu sử dụng đối với các mặt hàng, như: thực phẩm (ví dụ: thịt lợn, thịt gà, thịt bò,…); các loại bánh kẹo, mứt truyền thống; các mặt hàng thời trang,…
- Để đáp ứng sự thay đổi đó, các chủ thể sản xuất, kinh doanh sẽ:
+ Mở rộng quy mô sản xuất để cung ứng tới thị trường số lượng hàng hóa nhiều hơn.
+ Đa dạng hóa các sản phẩm với: mẫu mã, chủng loại, giá cả khác nhau,…
Có thể bạn quan tâm
- Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 11 Cánh diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường (215 lượt thi)