Trang chủ Lớp 7 Văn Giải SBT Văn 7 Bài 9. Hòa điệu với tự nhiên (Phần 3: Nói và nghe) có đáp án

Giải SBT Văn 7 Bài 9. Hòa điệu với tự nhiên (Phần 3: Nói và nghe) có đáp án

Giải SBT Văn 7 Bài 9. Hòa điệu với tự nhiên (Phần 3: Nói và nghe) có đáp án

  • 36 lượt thi

  • 2 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

17/07/2024

Trong vai người dẫn chương trình một cuộc thi được tổ chức tại trường em nhân ngày phát động Lối sống xanh, em hãy thuyết minh về thể lệ cuộc thi đó.

Xem đáp án

- Đọc lại phần hướng dẫn nói và nghe trong SGK (tr. 95 - 97), nhớ lại những cách giới thiệu các cuộc thi mà em đã từng chứng kiến hoặc được xem qua một số kênh truyền hình.

- Cần chuẩn bị dàn ý bài nói với các thông tin: tên cuộc thi, ý nghĩa của cuộc thi, quy trình thi, cách tham gia cuộc thi, những điều bắt buộc phải tuân thủ, tiêu chí đánh giá, phần thưởng,...

- Cần tập nói (một mình hoặc theo nhóm) những nội dung đã chuẩn bị trong dàn ý. Chú ý cách xưng hô, ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể, các phương tiện hỗ trợ,...

* Bài nói mẫu tham khảo:

Thể lệ cuộc thi “Lối sống xanh”

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

- Tăng cường tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo của cộng đồng xã hội trong việc góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Ghi nhận, khen thưởng, phổ biến, nhân rộng và tiến tới áp dụng các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến độc đáo, mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Thu hút các tác phẩm sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình ảnh, truyền hình, ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin; đồng thời lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, mô hình, các phong trào, hoạt động cộng đồng vì môi trường.

- Thu hút sự quan tâm của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường thông qua các sáng kiến được ứng dụng hiệu quả, từ đó phổ biến qua kênh video của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường điện tử tương tác với mạng xã hội

 - Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và gắn kết với các hoạt động cộng đồng xã hội thông qua tuyên truyền, truyền thông.

Điều 2. Đối tượng tham gia

Tác giả, nhóm tác giả (cá nhân từ 11 tuổi trở lên) đang sinh sống, làm việc việc tại Việt Nam. Công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, hoặc cá nhân là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Điều 3. Nội dung, chủ đề

Tập trung phản ánh những nội dung, thông điệp, sáng kiến, giải pháp, mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ngôn ngữ truyền hình.

Điều 4. Quy định định chung đối với tác phẩm, tác giả dự thi        

- Quay phim, sản xuất video clip bằng máy quay phim, điện thoại di động có chức năng quay video, máy ảnh, máy tính bảng có chức năng quay video, ...). Tác phẩm được định dạng: .avi, .mpeg, .mpg, .mkv, .wmv, .asf, .f1v, .3gp, .mp4.

- Thời lượng tác phẩm đảm bảo tối thiểu 02 phút và tối đa 07 phút.

Tác giả, nhóm tác giải gửi tác phẩm tham dự Cuộc thi gồm (01) một tác phẩm, nhưng tối đa không quá (03) ba tác phẩm.

 - Tác phẩm dự thi phải do tác giả, nhóm tác giả tạo ra hoặc giữ bản quyền hợp pháp, đúng nội dung, chủ đề Ban Tổ chức đề ra. Tác giả, đại diện nhóm tác giả đăng ký dự thi; hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền và nội dung tác phẩm tham gia Cuộc thi.

 - Nội dung, hình ảnh tác phẩm trong sáng, lành mạnh, phù hợp với văn hóa; tuân thủ quy định của pháp luật; không đưa các hình ảnh, nội dung thông tin ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức; không vì mục đích kinh doanh; không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Tác phẩm tham gia dự thi chưa được tham gia bất cứ Cuộc thi khác.

- Được sử dụng tiếng động gốc; hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, lời bình hoặc phụ đề cho ra tác phẩm. Hình ảnh phản ánh chân thực, khách quan; nội dung tường minh, chính xác. Thuyết minh và tài liệu tham khảo, minh dẫn không được làm sai lệch, biến dạng nội dung và ý nghĩa vốn có của hình ảnh gốc.

- Bản quyền sử dụng và quảng bá hình ảnh các tác phẩm tham gia Cuộc thi do Ban Tổ chức cuộc thi nắm giữ; không trả lại kể cả trường hợp không đoạt giải.

- Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm khiếu nại, tranh chấp về bản quyền hoặc quyền tác giả, tác phẩm và được quyền sử dụng tác phẩm video clip và ảnh phù hợp để phục vụ các hoạt động truyền thông phù hợp.

 - Tác giả hoặc nhóm tác giả lưu giữ file hình ảnh gốc để đối chiếu trong trường họp video clip được lọt vòng tiếp theo hoặc

- Ban Tổ chức cuộc thi sẽ không xem xét, chấm và công nhận giải các trường hợp tác phẩm dự thi bị phát tán trước khi chuyển đến Ban Tổ chức.

- Trường hợp nhiều thành viên cùng thực hiện một tác phẩm, nếu đoạt giải thưởng Cuộc thi, thì trao cho đại diện của tập thể đó.

- Cuộc thi được phép huy động, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa đảm bảo theo quy định pháp luật.

Trong mọi trường hợp, quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng.

Điều 5. Hình thức gửi tác phẩm tham dự

Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm tham dự Cuộc thi theo hình thức đĩa CD hoặc DVD tác phẩm và file mềm qua địa chỉ email của trường.

Tác phẩm dự thi phải ghi đầy đủ thông tin: Tên tác phẩm, tên tác giả, nhóm tác giả, thông tin để liên hệ tác giả, điện thoại, email).

 Tác phẩm dự thi được xây dựng do nhiều cá nhân tham gia phải ghi rõ số lượng, tên, địa chỉ các cá nhân tham gia. Tác phẩm được trao cho đại diện cho nhóm tác giả.

Điều 6. Thời gian

- Hình ảnh, nội dung thông tin để thiết kế, dàn dựng, biên tập trong tác phẩm dự thi được sử dụng tính từ thời điểm ngày 01 tháng 1 năm 2022 đến kết thúc 30 tháng 6 năm 2022.

 - Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Đến hết ngày 15 tháng 7 năm 2022 (tính theo dấu bưu điện hoặc xác nhận thông tin trên hồ sơ điện tử).

 - Không xét tác phẩm không phù hợp quy định và gửi sau thời hạn nêu trên.

- Dự kiến tổng kết trao giải: Nhân dịp hưởng ứng Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 – 2022) hoặc sự kiện tài nguyên và môi trường phù hợp.

Điều 7. Cơ cấu giải thưởng

1. Số lượng:

Tổng số: 20 Giải thưởng

 2. Cơ cấu Giải thưởng

 - 01 Giải đặc biệt: 15.000.000 đồng

 - 01 giải Nhất: 10.000.000 đồng

- 03 giải Nhì: 5.000.000 đồng

- 05 giải Ba: 3.000.000 đồng

- 10 giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng

Ngoài tiền thưởng quy định tại Thể lệ này, tác giả, nhóm tác giả đoạt giải được trao Biểu trưng, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức hoặc hiện vật khác phù hợp.

Căn cứ số lượng, chất lượng và chất lượng chuyên môn đối với tác phẩm tham dự, Ban Tổ chức xem xét thống nhất tăng hoặc giảm cơ cấu giải thưởng; hoăc phần thưởng phù hợp khác.

 Điều 9. Hội đồng sơ khảo, Hội đồng Giám khảo, Thường trực tổ chức Cuộc thi

1. Hội đồng sơ khảo:

Hội đồng sơ khảo do Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội đồng, gồm không quá (05) thành viên, gồm đại diện Lãnh đạo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, các thành viên khác gồm đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

2. Hội đồng chung khảo:

Hội đồng chung khảo do Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập, gồm không quá (05) thành viên; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện cơ quan chuyên môn Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam.

 Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng chung khảo.

3. Thường trực Cuộc thi

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi.

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường ban hành tổ chức Cuộc thi kèm theo Thể lệ; Quy chế làm việc của Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo và tiêu chí đánh giá tác phẩm dự thi; phương thức xét tác phẩm dự thi; cử bộ phận chuyên môn giúp Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo; tổng hợp kết quả và thực hiện các nhiệm vụ liên quan tổ chức Cuộc thi.


Câu 2:

17/07/2024

Giả định em là người đăng kí phát biểu ý kiến trong một cuộc hội thảo về Lối sống xanh. Hãy chuẩn bị nội dung bài nói và tập thể hiện bài nói đó.

Xem đáp án

- Xem lại văn bản “Thân thiện với môi trường” trong SGK (tr. 98 - 100), hai đoạn trích ở các bài tập 7, 8 để lựa chọn những ý có thể sử dụng, tham khảo. Ngoài ra, có thể tìm đọc một số tài liệu khác có nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo.

- Nội dung bài nói có thể đề cập những vấn đề chung trên cơ sở trả lời một số câu hỏi như: Thế nào là lối sống xanh? Nguyên nhân nảy sinh trào lưu sống xanh là gì? Lối sống xanh có những biểu hiện cụ thể nào? Mỗi người có thể làm gì để thực hiện lối sống xanh?...

- Hoàn toàn có thể phát biểu về một khía cạnh cụ thể của việc thực hiện lối sống xanh như: tiêu dùng thông minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm bớt rác thải nhựa,...

* Bài nói mẫu tham khảo:

Lối sống “xanh” đã có từ lâu trong ý thức và thói quen của người dân các nước phát triển trên thế giới. Họ coi việc xây dựng, phát triển nếp sống này là một phần tất yếu của cuộc sống. Nhiều nước đã đưa ra những điều khoản cụ thể trong bảo vệ, cải tạo môi trường, quy định về lối sống, hành vi của người dân trong luật để quản lý, điều hành và xử lý các vi phạm. Họ còn xây dựng các chương trình giáo dục trong hệ thống trường học để tuyên truyền, giáo dục công dân trẻ có ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống “xanh”.

Ở nước ta, lối sống “xanh” đang dần trở thành xu hướng sống hiện đại, văn minh lịch sự. Tại các địa phương, nhất là ở đô thị, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và trường học đã tích cực tuyên truyền, vận động tới người dân lối sống lành mạnh, có ý thức bảo vệ và cải tạo môi trường sống. Có thể kể đến các hoạt động rất phổ biến như: Không xả rác bừa bãi; tiết kiệm điện nước; chăm sóc và bảo vệ cây xanh; buôn bán và sử dụng thực phẩm an toàn; có ý thức vệ sinh nơi ở, làm việc và nơi công cộng; ngăn chặn những hành vi làm ô nhiễm môi trường; tích cực vận động, rèn luyện thể chất và tinh thần, tạo không gian xanh tươi nơi mình sinh sống... Những việc làm đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường xung quanh.

Song, hiện nay, môi trường sống của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi quá nhiều hoạt động gây ô nhiễm như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước hay vấn đề thực phẩm không an toàn... đang tác động không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của mỗi người. Ngoài những lý do khách quan đem lại thì ý thức kém của không ít người dân đã làm cho môi trường sống của chúng ta bị ảnh hưởng đáng kể.

Trên thực tế, không gian học tập, công tác và làm việc tác động rất lớn đến tâm trạng và sức khỏe của mỗi người. Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, sự tiện nghi và cảnh quan môi trường trong lành sẽ trở thành không gian để chúng ta tận hưởng cuộc sống, mang đến sự thư giãn, thoải mái, từ đó mỗi người có cơ hội nạp lại năng lượng sau những giờ phút lao động, học tập căng thẳng. Ở môi trường sống an toàn, sạch đẹp, thoáng mát sẽ tạo cho mỗi chúng ta thêm nguồn hứng khởi, kích thích sự năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, làm cho cuộc sống thêm thi vị.

Sống “xanh” là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên; là lối sống mà con người giảm thiểu tối đa phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng cạn kiệt tài nguyên. Khi môi trường sống tự nhiên ngày càng biến đổi và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, giải pháp sống “xanh” bắt đầu được cả xã hội quan tâm thực hiện và lan tỏa. Trong sinh hoạt hàng ngày, có lẽ không cần ôm đồm làm nhiều việc, mỗi người hãy làm tốt một vài việc đơn giản cũng đã góp phần tạo dựng lối sống “xanh”. Ví dụ như thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần; không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; tắt bớt điện; hạn chế nước… đã có thể giúp cho cuộc sống “xanh” hơn. Hay trong ăn uống, dùng sản phẩm được sản xuất theo phương thức tự nhiên, hữu cơ; tự trồng rau xanh tận dụng không gian trong gia đình hay ủ phân bón từ thức ăn thừa… cũng đã là sống “xanh” rồi. Những ý tưởng tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu cộng đồng cùng chung tay, mọi người cùng hành động, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không hề nhỏ.

Sống “xanh” giờ đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân mà là vấn đề của cả cộng đồng. Sống “xanh” có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện tại của xã hội mà không phải hy sinh, làm ảnh hưởng đến môi trường sống hay tài nguyên của thế hệ tương lai. Xu hướng sống “xanh” không thể có trong một sớm một chiều mà phải “mưa dầm thấm lâu”. Đừng đổ lỗi cho khách quan mà hãy hướng đến rèn luyện ý thức, hành vi của mỗi người khi hòa mình vào cộng đồng xã hội; đừng vì lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị cốt lõi bên trong của mỗi hành động, việc làm.

Có lẽ, chẳng có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhất là thay đổi ý thức, lối sống. Hãy cùng nhau xây dựng lối sống “xanh” trở thành phong trào thi đua sôi nổi, trở thành ý thức tự giác trong mỗi người, để xã hội của chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại và có một môi trường sống lý tưởng. Nếu chúng ta không biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống trong lành cho mình thì chính chúng ta sẽ là những người thua cuộc. Hãy chung tay vì một lối sống “xanh”!


Bắt đầu thi ngay