Trang chủ Lớp 7 Văn Giải SBT Văn 7 Bài 9. Hòa điệu với tự nhiên (Phần 2: Viết) có đáp án

Giải SBT Văn 7 Bài 9. Hòa điệu với tự nhiên (Phần 2: Viết) có đáp án

Giải SBT Văn 7 Bài 9. Hòa điệu với tự nhiên (Phần 2: Viết) có đáp án

  • 55 lượt thi

  • 3 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

17/07/2024

Trong xã hội hiện đại, càng ngày càng có nhiều người lựa chọn lối sống hoà hợp với tự nhiên. Hãy viết đoạn văn (khoảng 7 - 10 câu) thể hiện suy nghĩ của em về vấn đề này.

Xem đáp án

- Cần đọc lại phần Giới thiệu bài học ở SGK (tr. 76) và văn bản Bản tin về hoa anh đào ở SGK (tr. 87 - 89) để có định hướng và cảm hứng viết.

- Đoạn văn cần trả lời được các câu hỏi chính: Thế nào là lối sống hoà hợp với tự nhiên? Tại sao hiện nay việc lựa chọn lối sống này lại trở thành một xu hướng rõ rệt? Phải chẳng khi chọn lối sống hoà hợp với tự nhiên là khi ta chối bỏ hoàn toàn những tiện nghi của xã hội hiện đại và giảm bớt tinh thần phấn đấu? Nếu lựa chọn lối sống này, em sẽ làm những việc cụ thể gì?

- Cần sắp xếp những ý đã tìm được từ việc trả lời các câu hỏi trên theo một trật tự hợp lí nhằm làm nổi bật vấn đề chính được đề cập.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Khi đối diện với những tổn thương tinh thần, bạn - những người hiện đại - có xu hướng tìm đến tiệc tùng, mua sắm, hay vui chơi giải trí như một cách để xoa dịu bản thân, để cân bằng tâm lý trong nhịp sống thị thành náo nhiệt. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ đến việc thong dong giữa một cánh rừng xanh mát hay lắng mình nhìn mặt nước trong xanh sẽ có tác dụng gấp nhiều lần? Chính thiên nhiên sẽ giúp ta xoa dịu những thương tổn đó, bởi tâm trí không bị nhiễu loạn từ tiếng còi xe, cảm xúc không bị tù túng giữa rừng bê-tông, không khí không bị ô nhiễm vì khói bụi. Khi hòa mình vào thiên nhiên, bạn có được sự an yên thật sự vì được hít thở bầu không khí trong lành và cảm nhận được sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn. Một môi trường sống gần thiên nhiên sẽ giúp bạn có được khoảng lặng để cân bằng giữa lý tính và cảm xúc. Đó cũng là lúc bạn cho phép bản thân bỏ qua những phiền nhiễu và lắng nghe tâm tư mình nhiều hơn. Vì thế, bạn có được sự cân bằng nội tại và dễ dàng kiềm chế cảm xúc trong các mối quan hệ. Ngay khi đặt chân vào thiên nhiên chính là lúc bạn đang tự chữa lành những tổn thương bên trong. Chỉ khi lấy lại tinh thần lạc quan nội tại, bạn mới mang đến sức sống tươi mới cho những mối quan hệ xung quanh. Hãy lắng nghe cảm xúc của chính mình để tìm về thiên nhiên kịp lúc!


Câu 2:

17/07/2024

Viết đoạn văn (khoảng 7 - 10 câu) thuyết minh về luật lệ của một trò chơi dân gian mà em hiểu rõ.

Xem đáp án

- Xem lại phần hướng dẫn viết kiểu bài này trong SGK (tr. 91 - 95).

- Cần viết đoạn văn trên cơ sở hình dung cụ thể về trò chơi dân gian em đã từng tham gia hoặc chứng kiến (có thể tham khảo một số tài liệu cần thiết nhưng không được sao chép).

- Dù bài tập chỉ yêu cầu thuyết minh về luật lệ của một trò chơi dân gian nhưng đoạn văn nhất thiết phải có câu giới thiệu khái quát về trò chơi và câu nêu ý nghĩa của nó.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo. Trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt.


Câu 3:

17/07/2024

Viết đoạn văn (khoảng 7 - 10 câu) thuyết minh về một điều bắt buộc phải tuân thủ trong một hoạt động mang tính chất lễ tục nào đó mà em biết (qua trải nghiệm thực tế hoặc qua tìm hiểu các tài liệu liên quan).

Xem đáp án

- Xem lại văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trong SGK (tr. 84 - 86) và đoạn trích nói về Lễ nghinh Ông ở bài tập 9 để hình dung được hướng triển khai đoạn văn.

- Để tìm ý, cần trả lời được các câu hỏi chính: Lễ tục có tên gọi là gì? Lễ tục được tiến hành khi nào, ở đâu, gồm những ai tham gia? Lễ tục có những điều bắt buộc nào? Điều bắt buộc mà em muốn trình bày kĩ là gì? Tại sao lại có sự bắt buộc đó trong lễ tục?

- Trọng tâm của đoạn văn là thuyết minh về một điều bắt buộc phải tuân thủ, vì vậy có thể nói lướt qua về những điều bắt buộc khác hoặc có thể viết một câu khái quát về phạm vi điều em sẽ thuyết minh ngay ở phần đầu đoạn văn.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Trước đây (và cả bây giờ) người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ. Dân gian coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người (sự nghiệp, làm nhà và cưới vợ) khi nhấn mạnh trong câu ca dao: "tậu trâu cưới vợ làm nhà...". Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hôn nhân của người Việt xưa có sáu lễ chính. Để tiến đến lễ cưới, hai gia đình phải thực hiện những lễ chính sau: Lễ nạp tài: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái. Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn. Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về. Tóm lại các nghi lễ cưới theo văn hóa Việt Nam hiện nay đều tuân thủ các lễ như vậy, song ở các vùng miền khác nhau có sự thay đổi chút ít để phù hợp hơn nhưng mô hình chung không thể phá vỡ mô hình trên.


Bắt đầu thi ngay