Trang chủ Lớp 10 Lịch sử Bài tập Chuyên đề Các lĩnh vực của Sử học có đáp án

Bài tập Chuyên đề Các lĩnh vực của Sử học có đáp án

Bài tập Chuyên đề Các lĩnh vực của Sử học có đáp án

  • 209 lượt thi

  • 12 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

13/07/2024

Thông sử hay mỗi lĩnh vực của lịch sử có đối tượng, phạm vi nghiên cứu, cách tiếp cận như thế nào?

Xem đáp án

* Thông sử:

- Đối tượng nghiên cứu: các lĩnh vực của đời sống xã hội trong lịch sử, các nhân vật lịch sử, những chuyện xảy ra trong lịch sử,...

- Phạm vi nghiên cứu: lịch sử thế giới, dân tộc

- Cách tiếp cận: Tiếp cận một cách tổng quan, toàn diện, đầy đủ về quá trình lịch sử.

* Lịch sử văn hóa

- Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ đời sống văn hoá của dân tộc, quốc gia, khu vực, hoặc nhân loại.

- Phạm vi nghiên cứu: Quá trình hình thành, phát triển đời sống vật chất, đời sống tinh thần, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc.

- Cách tiếp cận: thường tiếp cận theo từng thời kì lịch sử, không gian lịch sử.

* Lịch sử xã hội

- Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ cấu trúc và đời sống xã hội.

- Phạm vi nghiên cứu: Quá trình hình thành, phát triển, thay đổi xã hội và những vấn đề về đời sống xã hội từ truyền thống đến hiện đại.

- Cách tiếp cận: thường tiếp cận theo từng thời kì lịch sử, không gian lịch sử.

* Lịch sử tư tưởng

- Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc, quốc gia, khu vực, hoặc nhân loại.

- Phạm vi nghiên cứu: Quá trình phát sinh, phát triển, thay đổi, du nhập các bộ phận chủ yếu: tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị; tư tưởng tôn giáo…

- Cách tiếp cận: thường tiếp cận theo từng thời kì lịch sử, không gian lịch sử.

* Lịch sử kinh tế

- Đối tượng nghiên cứu: Các phương thức sản xuất, gồm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

- Phạm vi nghiên cứu: Quá trình hình thành phát triển chuyển biến kinh tế qua các thời kì lịch sử.

- Cách tiếp cận: thường tiếp cận theo từng thời kì lịch sử, không gian lịch sử.


Câu 2:

17/07/2024

Tại sao bảo tàng lịch sử được coi là không gian chứa đựng dòng chảy lịch sử?

Xem đáp án

- Bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật có liên quan đến các sự kiện, hiện tượng lịch sử; lưu giữ: các giá trị di sản văn hóa - lịch sử của một quốc gia, một địa phương, một dân tộc (ví dụ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam; Bản tàng Quảng Ninh, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam…) hoặc của lịch sử phát triển một chuyên ngành nào đó (ví dụ: bảo tàng lịch sử Mĩ thuật Việt Nam; bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam…).

=> Thông qua các hiện vật được trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng, du khách tham quan sẽ có được cái nhìn tổng thể về lịch sử, văn hóa của quốc gia, dân tộc, về địa phương hoặc về một chuyên ngành cụ thể nào đó. Vì vậy, bảo tàng lịch sử được coi là không gian chứa đựng dòng chảy lịch sử


Câu 3:

15/07/2024

Theo em, tại sao các sử gia phong kiến phải viết lịch sử vua chúa? Điều quan trọng nhất của sử quan ngày xưa và sử gia ngày nay khi chép sử là gì?

Xem đáp án

- Các sử phong kiến phải viết lịch sử vua chúa vì nhiều lí do:

+ Thứ nhất, nhà vua là người chỉ đạo việc chép sử, mỗi ông vua đều muốn hậu thế biến đến những công đức, vai trò, việc làm của mình trong thời gian trị vì đất nước.

+ Thứ hai, dưới chế độ quân chủ, nhà vua là người đứng đầu đất nước, những chính sách và hoạt động của vua chúa có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Điều quan trọng nhất của sử quan ngày xưa và sử gia ngày nay khi chép sử là luôn đảm bảo tính khách quan, trung thực và toàn diện của những sự kiện, hiện tượng được ghi chép.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân, bài làm trên mang tính tham khảo.


Câu 4:

20/07/2024

Tại sao cần phân chia các lĩnh vực của lịch sử?

Xem đáp án

- Lịch sử được trình bày theo nhiều lĩnh vực (hay thể loại), trong đó có một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội loài người như: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng,...

- Cần phải phân chia các lĩnh vực lịch sử, vì:

+ Mọi lĩnh vực đều có lịch sử hình thành và phát triển, mỗi lĩnh vực là một dòng chảy tri thức muôn màu, muôn vẻ hợp thành lịch sử.

+ Thông qua việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực, người đọc có thể nhận thức sâu sắc, cụ thể về một lĩnh vực nào đó; đồng thời việc phân chia này sẽ là một cơ sở giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn toàn bộ lịch sử của địa phương, quốc gia - dân tộc, khu vực hoặc thế giới.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân, bài làm trên mang tính tham khảo.


Câu 5:

20/07/2024

Giao lưu với văn hóa phương Đông hay văn hóa phương Tây làm cho văn hoá Việt Nam phong phú hơn? Sự phong phú ấy được thể hiện ở những điểm nào?

Xem đáp án

Yêu cầu số 1:

- Quá trình giao lưu với văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây đều làm cho văn hoá Việt Nam trở nên phong phú.

- Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm lịch sử, và trong từng lĩnh vực cụ thể của văn hóa, mức độ ảnh hưởng của văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây lại có sự khác biệt. Ví dụ:

+ Thời kì cổ đại cho đến khoảng thế kỉ XV: văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam có sự tiếp xúc chủ yếu với các nền văn hóa phương Đông, như: Trung Quốc, Ấn Độ, song vẫn mang đậm tính truyền thống.

+ Từ thế kỉ XVI trở đi, văn hóa Việt Nam có sự giao lưu mạnh mẽ với văn hóa phương Tây, mặc dù quá trình giao lưu với văn hóa phương Đông vẫn tiếp diễn và ngày càng phát triển. Những yếu tố mới về văn hóa như tôn giáo, tư tưởng, chữ viết, văn học,... du nhập vào Việt Nam, ban đầu tuy có xung đột với văn hóa truyền thống, song nhanh chóng được cải biên cho phù hợp với văn hóa dân tộc.

+ Ngày nay, với chủ trương mở rộng giao lưu và hội nhập văn hóa, nền văn hóa Việt Nam vẫn tiếp thu mạnh mẽ các tinh hóa văn hóa của nhân loại, trên cơ sở bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống.

Yêu cầu số 2: Biểu hiện: sự phong phú của văn hóa Việt Nam khi tiếp xúc với văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây:

- Trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa Việt Nam tiếp thu:

+ Phương thức sản xuất phong kiến từ văn hóa phương Đông.

+ Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từ văn hóa phương Tây.

- Trên lĩnh vực chính trị, văn hóa Việt Nam tiếp thu:

+ Mô hình tổ chức nhà nước quân chủ chuyên chế từ văn hóa phương Đông (ví dụ: tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê sơ ở Việt Nam có sự học hỏi mô hình nhà nước thời Minh ở Trung Quốc).

+ Thể chế dân chủ từ văn minh phương Tây.

- Trên lĩnh tư tưởng - tôn giáo, văn hóa Việt Nam tiếp thu:

+ Nho giáo; Phật giáo; Ấn Độ giáo; chủ nghĩa Tam dân… từ văn hóa phương Đông.

+ Thiên Chúa giáo, Đạo Tin lành; tư tưởng “Tự do - Bình Đẳng - Bác Ái” hoặc Chủ nghĩa Mác - Lênin… từ văn hóa phương Tây.

- Trên lĩnh vực ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa Việt Nam tiếp thu:

+ Chữ Hán, chữ Phạn… từ văn hóa phương Đông.

+ Hệ chữ cái La-tinh; các ngôn ngữ: Anh, Pháp… từ văn hóa phương Tây.

- Trên lĩnh vực kiến trúc - điêu khắc, văn hóa Việt Nam tiếp thu:

+ Các phong cách xây dựng: đền, chùa, tháp, cung điện… từ văn hóa phương Đông (ví dụ: quần thể di tích cố đô Huế ở Việt Nam có sự học hỏi nghệ thuật kiến trúc của Tử Cấm Thành của Trung Quốc).

+ Phong cách xây dựng: cầu đường; nhà ở, nhà hát… từ văn hóa phương Tây (ví dụ: Nhà hát Lớn ở Hà Nội được xây dựng theo kiến trúc Pháp..).

- Ngoài ra, văn hóa Việt Nam còn có sự tiếp thu thành tựu văn hóa phương Đông, phương Tây trên nhiều lĩnh vực khác, như: văn học; pháp luật…

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân, bài làm trên mang tính tham khảo.

Câu 6:

23/07/2024

Hãy trình bày đối tượng và phạm vi nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Xem đáp án

- Đối tượng nghiên cứu của lịch sử tư tưởng Việt Nam: là toàn bộ đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam (tôn giáo, tín ngưỡng, triết học, xu hướng, trường phái chính trị,...).

- Phạm vi nghiên cứu của lịch sử tư tưởng Việt Nam: là quá trình phát sinh, phát triển, thay đổi, du nhập các bộ phận chủ yếu: tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị, tư tưởng tôn giáo


Câu 7:

19/07/2024

Hãy trình bày đối tượng và phạm vi nghiên cứu lịch sử xã hội Việt Nam.

Xem đáp án

- Đối tượng nghiên cứu của lịch sử xã hội Việt Nam:  là toàn bộ cấu trúc và đời sống xã hội (giai tầng xã hội, phong trào xã hội, quan hệ xã hội, giới và dư luận xã hội,...).

- Phạm vi nghiên cứu của lịch sử xã hội Việt Nam:   quá trình hình thành, phát triển, thay đổi xã hội và những vấn đề về đời sống xã hội từ truyền thống đến hiện đại.


Câu 8:

23/07/2024

Theo em, trong lịch sử kinh tế Việt Nam, thời kì nào sản xuất ra nhiều lúa gạo nhất? Ngành kinh tế nào xuyên suốt trong lịch sử kinh tế Việt Nam? Tại sao?

Xem đáp án

- Trong lịch sử kinh tế Việt Nam, thời kì hiện đại, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1986 đến nay, sản xuất ra nhiều lúa gạo nhất, do có áp dụng những thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại và gieo trồng nhiều giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao. Ví dụ như: giống lúa BC15; giống lúa TBR225; giống lúa ST25…

- Nông nghiệp là ngành kinh tế xuyên suốt trong lịch sử kinh tế Việt Nam, vì:

+ Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, như: có nhiều đồng bằng rộng lớn, đất đai màu mỡ, sông ngòi dày đặc, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mưa nhiều,...

+ Nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống, tạo ra nguồn lương thực nuôi sống con người.

+ Phần đông dân số Việt Nam sinh sống ở nông thôn (năm 2019, tỉ lệ dân số Việt Nam sống ở nông thôn đạt 65%).


Câu 9:

22/07/2024

Tại sao thông sử thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu lịch sử?

Xem đáp án

- Do ưu điểm trình bày nhiều tri thức tổng quan, toàn diện, đầy đủ về quá trình lịch sử, nên thông sử thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam và các nước trên thế giới.


Câu 10:

18/07/2024

Trình bày mối quan hệ giữa các lĩnh vực sử học. Lí giải tại sao lại có mối quan hệ này?

Xem đáp án

- Lịch sử được trình bày theo nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội loài người như: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng,... Các lĩnh vực này có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau.

- Sở dĩ có mối quan hệ trên là do: trong quá khứ, con người thực hiện nhiều hoạt động trên các lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế, xã hội… và những hoạt động này có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân, bài làm trên mang tính tham khảo.


Câu 11:

23/07/2024

Hãy lựa chọn một số sự kiện lịch sử và trình bày theo cách biên niên.

Xem đáp án

(*) Lựa chọn: Các sự kiện tiêu biểu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở Việt Nam

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 diễn ra qua ba chiến dịch: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.

* Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 - 3 đến ngày 24 - 3)

- Ngày 4/3/1975, quân dân Việt Nam tập trung chủ lực mạnh với vũ khí, kĩ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên.

- Ngày 10/3/1975, quân dân Việt Nam giành thắng lợi quan trọng tại Buôn Ma Thuột.

- Ngày 12/3/1975, chính quyền Sài Gòn phản công định chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành. Hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.

- Ngày 14/3/1975, quân đội Sài Gòn rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung.

- Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.

=> Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

* Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1975).

- Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh, hết sức thuận lợi ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên tiến hành chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.

- Ngày 21/3, quân dân Việt Nam đánh thẳng vào căn cứ quân đội Sài Gòn ở Huế, chặn các đường rút chạy, hình thành thế bao vây quân đội Sài Gòn trong thành phố.  Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 25/3, quân dân Việt Nam tiến vào cố đô Huế; đến ngày 26/3, giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên.

- Cùng thời gian này, quân dân Việt Nam tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai… tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.

- Sáng 29/3, quân dân Việt Nam từ ba phía bắc, tây, nam tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng. Đến 3 giờ chiều, toàn bộ thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

* Chiến dịch Hồ Chí Minh (24/6 đến 30/4/1975).

- Trước khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, quân dân Việt Nam tiến công Xuân Lộc và Phan Rang. Ngày 18/ 4/1975, Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống.

- Khoảng 5 giờ chiều ngày 26 /4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân cùng lúc vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.

- 10 giờ 45 phút, xe tăng của quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn.

- 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo


Câu 12:

13/07/2024

Sưu tầm tư liệu về kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Xem đáp án

* Bài tham khảo: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua 35 năm đổi mới đất nước (1986 - 2021)

- Giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của Việt Nam chỉ đạt 4,4% / năm.

- Giai đoạn 1991 - 1995, đất nước dần dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái. Nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó: tốc độ tăng trưởng tương đối cao, GDP bình quân tăng 8,2%/năm.

- Giai đoạn 1996 - 2000: Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực (giai đoạn 1997 - 1999) và thiên tai nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. GDP bình quân của cả giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7% / năm.

- Giai đoạn 2001 - 2005: Sự nghiệp đổi mới ở giai đoạn này đi vào chiều sâu, việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 mà Đại hội IX của Đảng thông qua đã đạt được những kết quả nhất định. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, theo hướng tích cực, GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%.

- Giai đoạn 2006 - 2010: Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). GDP bình quân 5 năm đạt 7%. 

- Giai đoạn 2011 - 2015: Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,68% / năm.

- Giai đoạn 2016 - 2020: với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân đạt mức 6,8%. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

(Nguồn khai thác thồng tin: trang web của Tổng cục thống kê; Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xhcn Việt Nam…)


Bắt đầu thi ngay