Số hiệu: | 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP | Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Công an | Người ký: | Lê Quý Vương, Trần Tiến Dũng, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Trí Tuệ |
Ngày ban hành: | Đang cập nhật | Ngày hiệu lực: | *** |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | |
Lĩnh vực: | Thủ tục Tố tụng | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp khi giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.
Theo đó, bên cạnh những trường hợp bắt buộc tại Điều 206 BLTTHS 2015 thì khi giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế việc trưng cầu giám định tư pháp cần thiết phải thực hiện trong những trường hợp sau:
- Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc của tài sản, hàng hoá, hàng giả, hàng thật, hàng cấm.
- Khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử.
- Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân đo, đong đếm và các máy móc, thiết bị khác.
- Khi cần xác định hành vi vi phạm trong đầu tư (như về đấu thầu, về lập thẩm định quyết định...).
- Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra.
- Khi xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, kế toán, bảo hiểm, đất đai và các lĩnh vực khác mà xét thấy cần thiết phải thực hiện việc giám định.
Xem thêm chi tiết tại Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017.
Thông tư liên tịch này quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp và việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
2. Tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp, giám định viên tư pháp được trưng cầu giám định;
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1. Việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
2. Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch này chỉ được thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
3. Khi trưng cầu giám định cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện việc giám định ở lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định. Khi đánh giá, sử dụng kết luận giám định, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải bảo đảm xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện kết luận giám định làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, vụ việc.
4. Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định có trách nhiệm tiến hành giám định bảo đảm đúng thời hạn và kết luận cụ thể về nội dung được trưng cầu giám định, chịu trách nhiệm về những nội dung đã kết luận theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định phải giữ bí mật, không được tiết lộ nội dung thông tin, tài liệu, kết luận giám định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền.
Không được lạm dụng việc trưng cầu, thực hiện, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để gây cản trở quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hoặc làm ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của việc giải quyết vụ án, vụ việc.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực