Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: | 37/2021/TT-BLĐTBXH | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Người ký: | Đào Ngọc Dung |
Ngày ban hành: | 31/12/2021 | Ngày hiệu lực: | 15/03/2022 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | Dữ liệu đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bảo hiểm, Lao động - Tiền lương | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Hướng dẫn điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu cho một số đối tượng
Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng của tháng 12/2021.
Nội dung trên áp dụng cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH gồm:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Cụ thể, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ tháng 01 năm 2022 bằng (=) mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp tháng 12/2021 nhân (x) 1,074.
Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 và thay thế Thông tư 10/2019/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2019.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2021/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP HẰNG THÁNG, THỜI ĐIỂM HƯỞNG LƯƠNG HƯU ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÒN HỒ SƠ GỐC
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (sau đây được viết là Nghị định số 108/2021/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Căn cứ Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc.
Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Các đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 (bao gồm những người đã nghỉ hưởng trợ cấp mất sức lao động trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, sau đó được tiếp tục hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng và Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động), sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng.
3. Người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 2. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này được tăng thêm 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12 năm 2021. Cụ thể:
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ tháng 01 năm 2022 |
= |
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp tháng 12 năm 2021 |
x |
1,074 |
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này được điều chỉnh cụ thể như sau:
a) Đối với người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống:
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh |
= |
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh |
+ |
200.000 |
b) Đối với người có mức lương hưu, trợ bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ trên 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng:
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau điều chỉnh |
= |
2.500.000 đồng/tháng |
Điều 3. Sửa đổi khoản 17 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
“17. Thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.”
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng có liên quan tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tại Thông tư này.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này; lập báo cáo theo mẫu kèm Thông tư này gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022. Quy định tại Điều 2 Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Thông tư số 10/2019/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 8 Điều 1 Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.
|
BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
BIỂU TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP HẰNG THÁNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2021/NĐ-CP
(Kèm theo Thông tư số 37/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Đối tượng |
Số người hưởng chế độ |
Mức hưởng bình quân tháng 12/2021 |
Mức hưởng bình quân tăng thêm |
Tổng kinh phí tăng thêm do điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
1. Hưu trí BHXH bắt buộc: + Trong đó: Nguồn NSNN bảo đảm Nguồn quỹ BHXH 2. Mất sức lao động 3. Trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg 5. Công nhân cao su 6. Cán bộ xã, phường, thị trấn 7. Hưu trí BHXH tự nguyện (kể cả trợ cấp hằng tháng từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang) |
|
|
|
|
Tổng cộng |
|
|
|
|
Người lập biểu |
Thủ trưởng đơn vị
|