Số hiệu: | 06/2017/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 20/01/2017 | Ngày hiệu lực: | 06/03/2017 |
Ngày công báo: | 11/02/2017 | Số công báo: | Từ số 133 đến số 134 |
Lĩnh vực: | Thuế - Phí - Lệ Phí | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2022 |
Thông tư 06/2017/TT-BTC sửa đổi quy định về không tính tiền chậm nộp thuế đối với người nộp thuế được thanh toán bằng ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán tại khoản 1 Điều 34a Thông tư 156/2013 của Bộ Tài chính (được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 10 Thông tư 26/2015/BTC).
Thông tư 06 của Bộ Tài chính quy định không được cưỡng chế thuế, cũng không được tính tiền thuế chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng ngân sách nhà nước nhưng ngân sách nhà nước chưa thanh toán nên không nộp thuế đúng hạn dẫn đến nợ thuế. Vậy là so với Khoản 1 Điều 34a tại Thông tư 156 thì theo Thông tư số 06, đối với những người nộp thuế trên, ngoài việc không bị thu tiền chậm nộp, còn không bị cưỡng chế thuế.
Cũng theo Thông tư 06/BTC năm 2017, chỉ không cưỡng chế thuế và không tính tiền chậm nộp thuế trong phạm vi số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán.
Thông tư 06/BTC đã bỏ nội dung trường hợp người nộp thuế cung hóa hàng hóa, dịch vụ được thanh toán 1 phần từ ngân sách, phần còn lại là từ ngoài ngân sách nhưng chưa được thanh toán thì chỉ không phải trả tiền chậm nộp thuế đối với số tiền thuế tương ứng với phần được thanh toán từ ngân sách.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 156/2013/BTC và Thông tư 26/2015/BTC, thì quy định tại Thông tư 06 đã được rút gọn, quy định ngắn gọn, rõ ràng hơn.
Mặt khác, Thông tư 06/2017 chỉ gọi chung là tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng ngân sách nhưng chưa được thanh toán (trong khi quy định hiện hành là "chưa được đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước thanh toán").
Thông tư 06/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/BTC hướng dẫn về quản lý thuế có hiệu lực từ 06/3/2017.
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2017/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KHOẢN 1 ĐIỀU 34A THÔNG TƯ SỐ 156/2013/TT-BTC NGÀY 06/11/2013 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (ĐÃ ĐƯỢC BỔ SUNG TẠI KHOẢN 10 ĐIỀU 2 THÔNG TƯ 26/2015/TT-BTC)
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 10 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34a Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế (đã được bổ sung tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC) như sau:
“1. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn dẫn đến nợ thuế thì không thực hiện cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |