Chương III Thông tư 04/2013/TT-BTNMT: Quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai
Số hiệu: | 04/2013/TT-BTNMT | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Người ký: | Nguyễn Mạnh Hiển |
Ngày ban hành: | 24/04/2013 | Ngày hiệu lực: | 10/06/2013 |
Ngày công báo: | 18/05/2013 | Số công báo: | Từ số 275 đến số 276 |
Lĩnh vực: | Bất động sản, Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
15/07/2017 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Sẽ công khai quy hoạch sử dụng đất
Từ ngày 10/6 tới, Thông tư 04/2013/TT-BTNMT về quy định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, người dân có thể tra cứu trên mạng Internet ba loại thông tin sau:
- Thông tin địa chính như: số hiệu thửa, số hiệu tờ bản đồ địa chính; diện tích; đã đăng ký hay chưa, đã cấp Giấy chứng nhận hay chưa…
- Thông tin quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt, gồm: sơ đồ không gian quy hoạch khu vực có thửa đất; mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
- Bảng giá đất đã công bố.
Các thông tin này sẽ được cập nhật liên tục, đối với thông tin quy hoạch sử dụng đất và bảng giá đất sẽ được cập nhật chậm nhất 10 ngày sau khi được duyệt.
Với những tiện ích nêu trên sẽ giúp người dân tránh được rủi ro trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Cơ sở dữ liệu đất đai được quản lý và vận hành theo mô hình tập trung như sau:
a) Cơ sở dữ liệu đất đai được lưu trữ, quản lý thống nhất tại Sở Tài nguyên và Môi trường (gọi là cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh);
b) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thông qua mạng cục bộ (LAN) hoặc mạng diện rộng (WAN) để khai thác, cập nhật thông tin đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền;
c) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thông qua mạng diện rộng (WAN/internet) để khai thác, cập nhật thông tin đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền;
d) Cán bộ địa chính xã nơi có điều kiện công nghệ thì truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thông qua mạng diện rộng (WAN/internet) để khai thác thông tin phục vụ yêu cầu quản lý đất đai ở địa phương;
e) Các tổ chức khác và cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin thì tra cứu thông qua cổng thông tin đất đai cấp tỉnh.
2. Trường hợp hạ tầng mạng chưa đáp ứng được yêu cầu truy cập trực tiếp của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện vào cơ sở dữ liệu đất đai tập trung tại cấp tỉnh thì chiết xuất cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh ra bản sao theo từng huyện và cài đặt vào máy chủ của cấp huyện để khai thác sử dụng và cập nhật chỉnh lý biến động đất đai thường xuyên.
1. Yêu cầu về phần mềm ứng dụng
Các phần mềm ứng dụng cho việc xây dựng, quản lý, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và cho phép sử dụng, bao gồm:
a) Phần mềm hệ thống;
b) Phần mềm nền (quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ, hệ thống thông tin địa lý...);
c) Phần mềm ứng dụng, gồm các phân hệ cơ bản:
- Quản trị hệ thống;
- Quản lý thông tin không gian địa chính;
- Nhập, cập nhật dữ liệu;
- Đăng ký đất đai (đăng ký lần đầu, đăng ký biến động);
- Đồng bộ dữ liệu;
- Khai thác thông tin đất đai (tổng hợp, tra cứu, cung cấp, kết xuất bản đồ,...);
- Cổng thông tin đất đai.
2. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin
a) Thiết bị phục vụ lưu trữ và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm:
- Máy chủ cơ sở dữ liệu (Data Server);
- Máy chủ cơ sở dữ liệu dự phòng (Standby Data Server);
- Máy chủ sao lưu cơ sở dữ liệu (Backup Data Server);
- Hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đĩa cứng trên máy chủ (giải pháp DAS) hoặc các hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng trên mạng như Hệ thống lưu trữ trên mạng (Storage Area Network - SAN), hệ thống lưu trữ kết nối mạng (Network Attached Storage - NAS). Dung lượng của hệ thống thiết bị lưu trữ phải đảm bảo đủ để lưu trữ cơ sở dữ liệu đất đai và kho hồ sơ cấp Giấy chứng nhận dạng số;
- Hệ thống sao lưu dữ liệu: thiết bị ghi đĩa DVD-ROM hoặc các hệ thống sao lưu dữ liệu lâu dài khác.
b) Thiết bị phục vụ khai thác, cập nhật dữ liệu thường xuyên của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp bao gồm:
- Hệ thống máy trạm có cấu hình mạnh về đồ họa để thao tác, chỉnh lý dữ liệu không gian của cơ sở dữ liệu đất đai;
- Hệ thống máy trạm có cấu hình trung bình để thao tác, chỉnh lý dữ liệu thuộc tính của cơ sở dữ liệu đất đai;
- Hệ thống thiết bị ngoại vi: máy quét khổ A3, máy quét tài liệu khổ A4, máy in khổ A4, máy in khổ A3, máy vẽ khổ A1 trở lên, máy đọc mã vạch;
- Thiết bị ghi đĩa DVD-ROM phục vụ chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp.
c) Đường truyền bao gồm:
- Mạng diện rộng (WAN/internet) kết nối trực tuyến giữa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện;
- Hệ thống mạng cục bộ (LAN).
3. Yêu cầu về tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu:
a) Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải được tổ chức thực hiện theo từng đơn vị hành chính cấp huyện và ưu tiên thực hiện trước đối với khu vực đô thị, ven đô thị và các địa bàn hành chính có mức độ giao dịch đất đai lớn.
b) Đối với địa phương triển khai thực hiện đồng bộ việc đo đạc lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ địa chính và đăng ký cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận phải thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính lồng ghép với quá trình đo đạc, chỉnh lý hoàn thiện bản đồ địa chính và đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Đơn vị tư vấn thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải được Tổng cục Quản lý đất đai thẩm định, đánh giá về năng lực thực hiện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
Đơn vị tư vấn gửi hồ sơ về Tổng cục Quản lý đất đai để thẩm định năng lực, hồ sơ gồm có:
- Văn bản về nội dung, khối lượng nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai dự kiến thực hiện;
- Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy phép kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đo đạc bản đồ địa chính và quản lý đất đai;
- Danh mục và số lượng các loại thiết bị công nghệ của đơn vị sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Danh sách cán bộ đăng ký tham gia thực hiện, trong đó thể hiện trình độ và chuyên môn đào tạo, chứng chỉ đào tạo về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và kinh nghiệm công tác của từng người;
- Danh mục dự án, công trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã, đang thực hiện hoặc tham gia thực hiện (nếu có).
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Quản lý đất đai phải hoàn thành việc thẩm định và thông báo kết quả cho Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị tư vấn biết.
d) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp và các đơn vị khác có liên quan đến việc khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai phải được kiện toàn bộ máy, cán bộ để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, các vị trí chức danh chuyên môn và bố trí đủ số lượng cán bộ cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khai thác sử dụng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương.
đ) Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương phải có cán bộ được đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin trình độ từ đại học trở lên để thực hiện việc cài đặt phần mềm, quản lý hệ thống; giám sát, xử lý sự cố cho hệ thống máy chủ; sao lưu cơ sở dữ liệu.
1. Nội dung quản lý cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm:
a) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin;
b) Quản lý hệ thống phần mềm để bảo đảm ổn định, an toàn cho toàn bộ hệ thống;
c) Quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu đất đai bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu, dữ liệu truy cập và dữ liệu trên đường truyền. Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu, dữ liệu trên đường truyền và trong các bản sao lưu phục hồi phải được bảo vệ với các giải pháp mã hóa và che giấu dữ liệu. Dữ liệu trên đường truyền sử dụng giải pháp mã hóa dữ liệu. Hệ thống phần mềm quản trị và cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu phải có các giải pháp để kiểm soát việc truy cập vượt quá mức cho phép của ứng dụng hoặc người dùng vào cơ sở dữ liệu, theo dõi hoạt động của người sử dụng.
2. Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn đối với hệ thống thông tin địa chính ở Trung ương.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cấp tỉnh và hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu đến các huyện; quản lý hệ thống phần mềm ứng dụng.
Đối với các huyện chưa có đủ điều kiện truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của địa phương.
4. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý, sao lưu cơ sở dữ liệu địa chính và cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cấp tỉnh.
Đối với các huyện chưa có đủ điều kiện truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý, sao lưu cơ sở dữ liệu địa chính và cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai của địa phương.
5. Đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, định giá đất quản lý hệ thống phần mềm ứng dụng; quản lý, sao lưu cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất và cơ sở dữ liệu giá đất cấp tỉnh.
Đối với các huyện chưa có đủ điều kiện truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thì Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý, lưu giữ cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
6. Cơ sở dữ liệu đất đai phải được sao lưu vào các thiết bị nhớ để lưu theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng năm để phòng tránh trường hợp sai hỏng, mất dữ liệu trong quá trình quản lý, sử dụng.
Dữ liệu sao lưu hàng tuần phải được lưu giữ tối thiểu trong 3 tháng; sao lưu hàng tháng phải được lưu giữ tối thiểu trong 1 năm; sao lưu hàng năm phải được lưu giữ vĩnh viễn và sao lưu được lưu trữ ít nhất tại 2 địa điểm.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm:
a) Quy chế quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Quy trình quản trị cơ sở dữ liệu đất đai;
c) Quy trình cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai từ kết quả đăng ký biến động đất đai;
d) Quy trình tra cứu, cung cấp thông tin đất đai;
đ) Quy chế về bảo đảm an ninh, bảo mật thông tin và an toàn cho cơ sở dữ liệu đất đai;
e) Xây dựng đơn giá, quy định về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu từ cung cấp thông tin đất đai theo đặc thù địa phương.
1. Căn cứ để cập nhật, chỉnh lý biến động cơ sở dữ liệu đất đai
a) Cơ sở dữ liệu địa chính được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên theo các căn cứ sau:
- Hồ sơ giao đất hoặc hồ sơ cho thuê đất, hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất, hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được lập sau khi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Hồ sơ thu hồi đất;
- Hồ sơ đăng ký biến động về sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận, cấp lại Giấy chứng nhận bị mất; đính chính nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp;
- Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập mới hoặc điều chỉnh địa giới hoặc đổi tên đơn vị hành chính liên quan đến thửa đất, tài sản gắn liền với đất.
b) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được cập nhật, chỉnh lý bổ sung theo kết quả thống kê, kiểm kê đất đai đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố.
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất được cập nhật, chỉnh lý theo kết quả điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong kỳ hoặc kết quả lập quy hoạch sử dụng đất của kỳ tiếp theo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Cơ sở dữ liệu giá đất được cập nhật, chỉnh lý về những thay đổi theo các căn cứ sau:
- Bảng giá đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, công bố;
- Hồ sơ giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất;
- Hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất;
- Văn bản điều chỉnh giá thuê đất.
2. Mức độ, tần suất thực hiện cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai
a) Đối với cơ sở dữ liệu địa chính, việc cập nhật, chỉnh lý thông tin được thực hiện liên tục, thường xuyên ngay trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đối với mỗi truờng hợp và phải được hoàn thành trước khi trao Giấy chứng nhận cho người được cấp Giấy chứng nhận;
b) Đối với cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được tổng hợp trong quá trình thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai theo định kỳ và được cập nhật chính thức vào cơ sở dữ liệu trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố;
c) Đối với cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất được cập nhật, chỉnh lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Đối với cơ sở dữ liệu giá đất được cập nhật, chỉnh lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bảng giá đất, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện.
3. Kiểm tra việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai
a) Các đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu theo đơn vị hành chính cấp xã phải có trách nhiệm kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thông tin đã được phát hiện, chỉnh sửa và cập nhật vào hiện trạng hồ sơ địa chính trước khi nhập chính thức vào cơ sở dữ liệu đất đai. Kết quả cập nhật phải cho phép các biến động tiếp theo được thực hiện trực tiếp trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi sản phẩm được nghiệm thu và đưa vào vận hành tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp;
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện vận hành bản sao cơ sở dữ liệu tổ chức kiểm tra thường xuyên đối với cơ sở dữ liệu địa chính và cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đã được cập nhật. Tỷ lệ kiểm tra tối thiểu 10% số trường hợp cập nhật, chỉnh lý.
Cơ sở dữ liệu địa chính sau khi cập nhật, chỉnh lý phải được đồng bộ ở cả 3 cấp trung ương, tỉnh, huyện như sau:
1. Đối với các huyện chưa có đủ điều kiện truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thực hiện định kỳ việc chiết xuất các dữ liệu về việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc đăng ký biến động trong kỳ ở cấp huyện gửi về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh để nhập vào cơ sở dữ liệu của cấp tỉnh.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện định kỳ việc chiết xuất các dữ liệu về việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc đăng ký biến động trong kỳ ở cấp tỉnh gửi về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện cập nhật vào cơ sở dữ liệu của huyện.
2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện định kỳ việc chiết xuất dữ liệu biến động gửi Tổng cục Quản lý đất đai cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp trung ương.
3. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp và Tổng cục Quản lý đất đai sau khi nhận được dữ liệu gửi đến phải thực hiện kiểm tra, chuẩn hóa dữ liệu trước khi cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý, sử dụng.
4. Thời gian định kỳ thực hiện việc gửi dữ liệu ở địa phương do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định, nhưng không được kéo dài quá một tuần. Thời gian định kỳ thực hiện việc gửi dữ liệu của cấp tỉnh về Tổng cục Quản lý đất đai được thực hiện mỗi quý một lần vào tuần cuối cùng của tháng cuối quý.
Trường hợp cần đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai trước thời hạn quy định trên đây thì các cơ quan có nhu cầu đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai gửi văn bản yêu cầu đến các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi cập nhật dữ liệu biến động để cung cấp dữ liệu phục vụ cho việc đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai.
1. Việc cung cấp thông tin từ cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện bằng các hình thức sau:
a) Tra cứu trực tuyến trên mạng;
b) Trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, bảng giá đất;
c) Sao thông tin chiết xuất từ cơ sở dữ liệu đất đai vào thiết bị nhớ.
2. Nội dung thông tin cung cấp
a) Trường hợp tra cứu trực tuyến tự do trên mạng, nội dung thông tin gồm có:
- Thông tin thuộc tính địa chính gồm: số hiệu thửa, số hiệu tờ bản đồ địa chính; diện tích; mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng; đã đăng ký hay chưa đăng ký; đã cấp Giấy chứng nhận hay chưa cấp Giấy chứng nhận;
- Thông tin quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt gồm: sơ đồ không gian quy hoạch khu vực có thửa đất; mục đích sử dụng đất theo quy hoạch;
- Bảng giá đất đã công bố.
b) Trường hợp cung cấp thông tin dữ liệu đất đai theo nhu cầu được thực hiện như sau:
- Đối với người sử dụng đất có nhu cầu thì được cung cấp các thông tin về dữ liệu đất đai đối với thửa đất thuộc quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu có trong cơ sở dữ liệu đất đai;
- Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý đất đai, Thanh tra nhà nước, Tòa án nhân dân các cấp có nhu cầu sử dụng thông tin đất đai để thực hiện nhiệm vụ được giao thì được cung cấp các thông tin dữ liệu đất đai có trong cơ sở dữ liệu đất đai;
- Các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu thì được cung cấp các thông tin dữ liệu đất đai có trong cơ sở dữ liệu đất đai trừ các thông tin dữ liệu thửa đất sau đây:
+ Tên cơ quan, đơn vị quốc phòng, an ninh;
+ Thông tin về giấy tờ pháp nhân, nhân thân và địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;
+ Thông tin tọa độ thửa đất;
+ Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận (dữ liệu quét Giấy chứng nhận và các giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất);
+ Hồ sơ đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
3. Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin được thực hiện như sau:
a) Tổng cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cung cấp thông tin về giá đất, quy hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai; Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện cung cấp thông tin về giá đất, quy hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai trong phạm vi cấp quản lý.
b) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thẩm quyền cung cấp thông tin về địa chính thửa đất theo quy định tại khoản 2 mục VI của Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2007 hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính;
4. Thủ tục cung cấp thông tin được thực hiện theo quy định tại khoản 4 mục VI của Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2007 hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính.
5. Tổng cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công khai danh mục thông tin đất đai hiện có và đơn vị có thẩm quyền cung cấp thông tin tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử (nếu có).
6. Tổ chức và cá nhân khai thác thông tin địa chính phải nộp phí khai thác thông tin đất đai theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định về mức thu và việc sử dụng phí cung cấp thông tin đất đai từ cơ sở dữ liệu đất đai đối với từng hình thức cung cấp thông tin và đối tượng sử dụng thông tin cụ thể theo quy định của pháp luật.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực