Chương V Thông tư 02/2017/TT-VPCP: Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính
Số hiệu: | 02/2017/TT-VPCP | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Mai Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 31/10/2017 | Ngày hiệu lực: | 15/12/2017 |
Ngày công báo: | 12/11/2017 | Số công báo: | Từ số 823 đến số 824 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Hình thức kiểm tra thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư 02/2017/TT-VPCP hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC).
Theo đó, công tác kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC được tiến hành định kỳ và đột xuất với 02 cách thức kiểm tra là kiểm tra trực tiếp và kiểm tra gián tiếp.
Thẩm quyền của các cơ quan trong kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC được quy định như sau:
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phính phủ kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC tại các vụ, cục, tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan.
- UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và UBND xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý.
Thông tư 02/2017/TT-VPCP có hiệu lực ngày 15/12/2017.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Định kỳ hàng năm hoặc theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì lập Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý và phạm vi giải quyết trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
Trong các trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, Văn phòng Chính phủ xây dựng Kế hoạch rà soát trọng tâm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện rà soát thủ tục hành chính theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, nếu phát hiện thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính, quy định hành chính có vướng mắc, bất cập, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân mà chưa có trong Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính kịp thời đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc rà soát, đánh giá.
2. Căn cứ Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, các cơ quan được giao chủ trì rà soát, đánh giá thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan tập trung tiến hành rà soát theo yêu cầu về mục tiêu và tiến độ của kế hoạch; tổng hợp kết quả rà soát và dự thảo Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, đánh giá chất lượng rà soát theo các nội dung: việc sử dụng biểu mẫu rà soát, đánh giá, bảng tính chi phí tuân thủ; chất lượng phương án đơn giản hóa; tỷ lệ cắt giảm số lượng thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo mục tiêu Kế hoạch đã đề ra.
4. Các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) thực hiện rà soát, đánh giá thủ tục giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và Thông tư này.
Cơ quan chủ trì thực hiện rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo các bước sau:
1. Lập Kế hoạch rà soát, đánh giá
a) Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính gồm các nội dung: Tên thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan được rà soát; cơ quan thực hiện; thời gian thực hiện; căn cứ lựa chọn; xác định rõ các chỉ tiêu định lượng cụ thể về tỷ lệ cắt giảm số lượng thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
b) Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính được xây dựng theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tiến hành rà soát, đánh giá thủ tục hành chính
Căn cứ vào nội dung Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, việc rà soát, đánh giá được thực hiện theo các cách thức sau:
a) Rà soát, đánh giá từng thủ tục hành chính
Cách thức rà soát, đánh giá đối với từng thủ tục hành chính cụ thể được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Thông tư này.
b) Rà soát, đánh giá nhóm thủ tục hành chính
Nhóm thủ tục hành chính đưa vào rà soát, đánh giá là những thủ tục hành chính có liên quan đến cùng một đối tượng hoặc có liên quan trong quá trình giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức.
Cách thức rà soát, đánh giá đối với nhóm thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Thông tư này.
c) Rà soát, đánh giá theo chuyên đề
Cách thức rà soát, đánh giá theo chuyên đề được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Thông tư này.
d) Cơ quan rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác (nếu thấy cần thiết) để thu thập thông tin trong quá trình rà soát, đánh giá, cho ý kiến, tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá. Việc tổ chức lấy ý kiến các bên có liên quan có thể thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tham vấn hoặc các biểu mẫu lấy ý kiến.
3. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá
a) Cơ quan được giao chủ trì rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá gồm: nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính và các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính; lý do; chi phí cắt giảm khi đơn giản hóa; kiến nghị thực thi.
b) Cơ quan được giao chủ trì rà soát, đánh giá thủ tục hành chính gửi kết quả rà soát, đánh giá và biểu mẫu rà soát, đánh giá; sơ đồ nhóm thủ tục hành chính trước và sau rà soát (đối với trường hợp rà soát nhóm); tổng hợp, tiếp thu, giải trình phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực rà soát do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất (nếu có đối với rà soát theo kế hoạch của bộ, cơ quan ngang bộ) đã được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt về cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, đánh giá chất lượng.
c) Trên cơ sở đánh giá của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính, các cơ quan được giao chủ trì rà soát, đánh giá hoàn thiện kết quả rà soát, đánh giá và dự thảo Quyết định thông qua Phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính đối với từng lĩnh vực hoặc theo nội dung được giao chủ trì, theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
d) Đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc tổng hợp phương án đơn giản hóa thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.
4. Gửi kết quả rà soát, đánh giá
a) Kết quả rà soát, đánh giá theo Kế hoạch rà soát hàng năm
Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt gửi về bộ, cơ quan ngang bộ để đề nghị xem xét, xử lý theo phạm vi, chức năng quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 15 tháng 9 hàng năm. Khi nhận đề nghị kèm theo phương án đơn giản hóa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bộ, cơ quan ngang bộ xem xét, đánh giá và phản hồi về kết quả rà soát, đánh giá của địa phương; tổng hợp phương án đơn giản hóa trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tổng hợp phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định có liên quan của bộ, cơ quan ngang bộ thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi về Văn phòng Chính phủ để xem xét, đánh giá trước ngày 15 tháng 10 hàng năm.
b) Kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Kế hoạch rà soát trọng tâm được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền theo thời hạn của Kế hoạch.
1. Rà soát, đánh giá sự cần thiết của thủ tục hành chính và các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính
Một thủ tục hành chính đáp ứng tiêu chí cần thiết khi thủ tục hành chính là biện pháp tối ưu trong các biện pháp có thể được thực hiện để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước hoặc quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Sau khi rà soát, đánh giá về sự cần thiết của thủ tục hành chính và các quy định có liên quan, cơ quan rà soát, đánh giá xác định rõ những vấn đề sau:
a) Mức độ đáp ứng của thủ tục hành chính trong trường hợp mục tiêu quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức không thay đổi.
b) Mức độ đáp ứng của thủ tục hành chính trong trường hợp mục tiêu quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thay đổi.
c) Giải pháp dự kiến được lựa chọn khi mục tiêu quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức không được đáp ứng.
2. Rà soát, đánh giá tính hợp lý của thủ tục hành chính
Tính hợp lý của một thủ tục hành chính được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Tên của thủ tục hành chính
Tên của thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn; chính xác và thống nhất trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính.
Tên của thủ tục hành chính gồm: Từ hoặc cụm từ chỉ hành động của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức kết hợp với tên kết quả của thủ tục hành chính và kết hợp đối với từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể (nếu có) hoặc kết hợp với cụm từ chỉ sự vật, sự việc mà cơ quan nhà nước muốn quản lý hoặc cá nhân, tổ chức mong muốn đạt được.
b) Trình tự thực hiện thủ tục hành chính
Trình tự thực hiện thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể các bước thực hiện; phân định rõ trách nhiệm và nội dung công việc của cơ quan nhà nước và cá nhân, tổ chức khi tham gia thực hiện. Đồng thời, các bước thực hiện phải được sắp xếp theo thứ tự phù hợp về thời gian, quy trình và cấp có thẩm quyền xử lý; áp dụng tối đa cơ chế liên thông; thực hiện đồng thời một số hoặc toàn bộ các bước thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
c) Cách thức thực hiện thủ tục hành chính
Cách thức thực hiện thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể; phù hợp điều kiện của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức với chi phí thấp nhất.
d) Hồ sơ
Hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể về tên, quy cách, số lượng của từng thành phần hồ sơ, số lượng bộ hồ sơ. Thành phần hồ sơ, số lượng từng thành phần hồ sơ phải thực sự cần thiết cho việc giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện được pháp luật quy định, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước; thành phần hồ sơ không trùng với thành phần hồ sơ của một thủ tục hành chính khác mà kết quả giải quyết của thủ tục hành chính này là thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính đang rà soát; không yêu cầu cung cấp đối với giấy tờ, hồ sơ đã được lưu trữ trong cơ quan tiếp nhận, giải quyết hoặc đã có sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; quy cách của thành phần hồ sơ đa dạng, dễ thực hiện để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.
đ) Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính
Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể; bảo đảm tiết kiệm thời gian cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với khả năng của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
Trong trường hợp một thủ tục hành chính do nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì quy định rõ ràng, đầy đủ thời hạn giải quyết của từng cơ quan và thời hạn chuyển giao hồ sơ giữa các cơ quan.
e) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể; bảo đảm sự công bằng giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng miền, giữa trong nước với ngoài nước và có số lượng đối tượng tuân thủ được hưởng lợi nhiều nhất.
g) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính
Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính được quy định phù hợp với thẩm quyền quản lý nhà nước đối với cấp hành chính hoặc địa giới hành chính theo quy định của pháp luật; thuận tiện cho cá nhân, tổ chức tuân thủ thủ tục hành chính trong việc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết; bảo đảm áp dụng tối đa các giải pháp phân cấp hoặc ủy quyền cho cơ quan hành chính cấp dưới hoặc địa phương giải quyết thủ tục hành chính.
Trong trường hợp một thủ tục hành chính do nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia tiếp nhận, giải quyết thì quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; áp dụng tối đa cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
h) Phí, lệ phí
Phí, lệ phí và các khoản chi trả khác (nếu có) được quy định rõ ràng, cụ thể; cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi cơ quan nhà nước thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; bảo đảm cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết cho cá nhân, tổ chức; có tính đến đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng thực hiện, từng lĩnh vực và thông lệ quốc tế.
Thủ tục hành chính có quy định đơn, tờ khai thì đơn, tờ khai phải được mẫu hóa.
Mẫu đơn, tờ khai là hợp lý khi từng nội dung thông tin tại mẫu đơn, tờ khai rõ ràng, ngắn gọn, thực sự cần thiết cho việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng tính chịu trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với những nội dung tại đơn, tờ khai.
Trong trường hợp đơn, tờ khai cần phải có xác nhận của cơ quan, người có thẩm quyền thì quy định rõ cơ quan, người có thẩm quyền xác nhận và nội dung xác nhận.
k) Yêu cầu, điều kiện
Yêu cầu, điều kiện của thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, cụ thể, cần thiết đối với yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với khả năng đáp ứng của cá nhân, tổ chức; bảo đảm sự công bằng giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng miền, giữa trong nước với ngoài nước; phân định rõ trách nhiệm chứng minh yêu cầu, điều kiện; không quy định yêu cầu, điều kiện trùng với yêu cầu, điều kiện của một thủ tục hành chính khác có kết quả là thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính đang rà soát.
l) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính
Hình thức, thời hạn có hiệu lực và điều kiện có hiệu lực (nếu có) của kết quả của thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, thuận tiện, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, với quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tình hình thực tiễn.
3. Rà soát, đánh giá tính hợp pháp của thủ tục hành chính
Tính hợp pháp của một thủ tục hành chính được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Thủ tục hành chính được ban hành theo đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung;
b) Nội dung của các quy định về thủ tục hành chính có sự thống nhất trong cùng một văn bản; không trái với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính theo hướng dẫn tại Điều 27 của Thông tư này.
5. Cơ quan chủ trì rà soát, đánh giá sử dụng Biểu mẫu rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và hướng dẫn trả lời tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này để rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Khi rà soát, đánh giá nhóm thủ tục hành chính, cơ quan rà soát, đánh giá sử dụng Hướng dẫn tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này để thực hiện các công việc sau:
1. Lập sơ đồ nhóm thủ tục hành chính
a) Tập hợp đầy đủ các văn bản pháp luật có quy định về thủ tục hành chính thuộc vấn đề, phạm vi rà soát.
b) Thống kê thủ tục hành chính
Dựa vào các văn bản pháp luật đã tập hợp, xác định các thủ tục hành chính cụ thể của nhóm thủ tục hành chính thuộc vấn đề, phạm vi rà soát. Đồng thời, thực hiện việc thống kê để mô tả các bộ phận của thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính chưa được công bố. Đối với thủ tục hành chính đã được công bố, nếu nội dung công bố chưa chính xác so với quy định tại văn bản pháp luật thì thực hiện rà soát theo quy định tại văn bản pháp luật.
c) Lập sơ đồ tổng thể
Sơ đồ tổng thể phải thể hiện được mối quan hệ giữa các thủ tục trong nhóm thủ tục hành chính mà đối tượng thực hiện thủ tục hành chính phải trải qua từ giai đoạn bắt đầu đến khi đạt được kết quả cuối cùng. Đồng thời, sơ đồ tổng thể phải thể hiện được mối tương tác giữa các cơ quan hành chính khác nhau trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
d) Lập sơ đồ chi tiết
Sơ đồ chi tiết phải thể hiện được mối tương quan giữa các bộ phận cấu thành của từng thủ tục hành chính trong nhóm thủ tục hành chính.
đ) Các cơ quan được giao rà soát, đánh giá (bao gồm cả cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) phải thực hiện việc lập sơ đồ theo nhóm để phục vụ cho quá trình rà soát. Đối với trường hợp nhóm thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp để bảo đảm kết quả rà soát có chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra.
2. Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính
Ngoài việc rà soát, đánh giá từng thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 25 Thông tư này, các thủ tục hành chính trong nhóm thủ tục hành chính phải được xem xét, đánh giá theo các nội dung sau:
a) Đánh giá sự cần thiết của thủ tục hành chính trong mối quan hệ với nhóm thủ tục hành chính
Căn cứ vào sơ đồ tổng thể, cơ quan rà soát, đánh giá sự cần thiết của thủ tục hành chính trong nhóm, trong đó, tập trung vào tiêu chí đánh giá mục tiêu quản lý và mức độ ảnh hưởng của thủ tục hành chính đối với nhóm thủ tục; qua đó, phát hiện những điểm bất hợp lý, những thủ tục hành chính không thật sự cần thiết do trùng lặp hoặc đã được quản lý bằng các thủ tục hành chính ở công đoạn trước đó hoặc tiếp theo để đề xuất phương án đơn giản hóa.
b) Đánh giá sự trùng lặp và khả năng kế thừa kết quả giải quyết giữa các bước trong sơ đồ chi tiết
Căn cứ vào sơ đồ chi tiết, cơ quan rà soát, đánh giá thực hiện việc đối chiếu, so sánh các bộ phận cấu thành của các thủ tục hành chính qua từng bước của sơ đồ để đánh giá những nội dung về thủ tục hành chính bị trùng lặp hoặc đã được kiểm soát ở các khâu trước đó để từ đó đưa ra giải pháp loại bỏ hoặc kế thừa, công nhận kết quả giải quyết của các khâu phía trước trong quy trình hoặc có thể chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau nhằm giảm chi phí tuân thủ của cá nhân, tổ chức.
c) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc giải quyết từng thủ tục hành chính đến kết quả cuối cùng của nhóm để đánh giá tính cần thiết của từng thủ tục hành chính trong nhóm; đồng thời, đánh giá về tính hợp lý của thời gian thực hiện, cơ quan thực hiện, cách thức, trình tự thực hiện của các thủ tục hành chính trong nhóm để đề xuất phương án đơn giản hóa.
1. Tính chi phí khi rà soát, đánh giá thủ tục hành chính gồm các nội dung sau:
a) Tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hiện tại.
b) Tính chi phí thủ tục hành chính sau đơn giản hóa.
Chi phí sau đơn giản hóa được xác định trên cơ sở của chi phí hiện tại sau khi điều chỉnh các các nội dung được cắt giảm theo kiến nghị của phương án đơn giản hóa.
c) So sánh lợi ích
Lợi ích chi phí của việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là hiệu số giữa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hiện tại và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau đơn giản hóa.
2. Nguyên tắc tính chi phí tuân thủ
a) Lựa chọn số liệu ở mức trung bình thấp nếu có nhiều nguồn số liệu chênh lệch nhau.
b) Không tính chi phí cơ hội.
3. Cách tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính
a) Công thức tính chi phí tuân thủ một thủ tục hành chính
Chi phí tuân thủ 01 thủ tục hành chính |
= |
Chi phí thực hiện các công việc cần thiết theo quy định để có kết quả của thủ tục hành chính đó |
+ |
Phí, lệ phí và các chi phí khác theo quy định (nếu có) |
b) Công thức tính tổng chi phí tuân thủ một thủ tục hành chính trong một năm
Tổng chi phí tuân thủ 01 thủ tục hành chính trong 01 năm |
= |
Chi phí tuân thủ 01 thủ tục hành chính |
x |
Số lần thực hiện theo quy định trong 01 năm |
x |
Số lượng đối tượng tuân thủ thủ tục hành chính đó trong 01 năm |
4. Cách xác định các loại chi phí cụ thể để tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
a) Xác định chi phí thực hiện từng công việc
Chi phí thực hiện từng công việc |
= |
Thời gian thực hiện (đi lại, làm đơn, tờ khai, tài liệu khác,…) |
x |
Thu nhập bình quân 01 người 01 giờ làm việc |
+ |
Chi phí tư vấn dịch vụ (in ấn, sao chụp, xác nhận, công chứng, chứng thực, dịch thuật; bưu điện, internet,…) |
Trong đó:
- Thời gian đi lại được tính trung bình là một (01) giờ/ một (01) lượt; thời gian làm đơn, tờ khai theo mẫu được tính trung bình là một (01) giờ/ một (01) trang; thời gian làm tài liệu khác được tính theo thời gian thực tế để hoàn thành tài liệu đó.
Tùy thuộc vào từng địa bàn, phạm vi thời gian đi lại, làm đơn, tờ khai sẽ được xác định theo các định mức tương ứng sau:
Thời gian |
Địa bàn Phạm vi |
Đô thị |
Nông thôn |
Miền núi, hải đảo |
Đi lại (Giờ/lượt) |
Cấp xã |
1.0 |
1.5 |
2.0 |
Cấp huyện |
1.5 |
2.25 |
3.0 |
|
Cấp tỉnh |
2.0 |
3.0 |
4.0 |
|
Liên vùng |
8.0 |
12.0 |
16.0 |
|
Liên miền |
16.0 |
24.0 |
32.0 |
|
Làm đơn, tờ khai (Giờ/trang) |
01 trang |
1.0 |
1.5 |
2.0 |
- Mức thu nhập bình quân 01 (một) người 01 (một) giờ làm việc tính theo công thức:
Mức thu nhập bình quân 01 người 01 giờ làm việc |
= |
Tổng sản phẩm trong nước |
||||||
Số dân (tương ứng năm thống kê) |
x |
12 tháng |
x |
22 ngày làm việc |
x |
08 giờ làm việc |
- Chi phí tư vấn, dịch vụ áp dụng theo các mức giá hiện hành do nhà nước quy định. Trường hợp không có quy định thì áp dụng theo mức giá thực tế.
b) Xác định phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính
Áp dụng theo các mức phí, lệ phí và các chi phí khác (nếu có) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính.
c) Xác định số lần thực hiện thủ tục hành chính trong một năm
Số lần thực hiện một thủ tục hành chính trong một năm được xác định theo quy định về thủ tục hành chính đó.
d) Xác định số lượng đối tượng tuân thủ thủ tục hành chính trong một năm
Số lượng đối tượng tuân thủ một thủ tục hành chính trong một năm được xác định theo dự báo hoặc thống kê về tổng số lượt cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đó.
5. Thủ tục hành chính có chi phí phù hợp khi tổng chi phí của thủ tục hành chính đó trong một năm là thấp nhất. Tổng chi phí tuân thủ của một thủ tục hành chính trong một năm là thấp nhất khi:
a) Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đó thấp nhất;
b) Số lần thực hiện thủ tục hành chính đó trong một năm theo quy định thấp nhất;
c) Số lượng đối tượng tuân thủ được hưởng lợi nhiều nhất.
6. Cơ quan chủ trì rà soát, đánh giá sử dụng Biểu mẫu tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và hướng dẫn tính chi phí tuân thủ tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này để tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
1. Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo chuyên đề là việc xem xét, đánh giá thủ tục hành chính theo cùng một hoặc một nhóm nội dung rà soát, đánh giá theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Căn cứ nội dung rà soát, đánh giá và cách thức rà soát, đánh giá quy định tại Điều 25, Điều 26 Thông tư này, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn cách thức rà soát, đánh giá chuyên đề theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Văn phòng Bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cách thức rà soát, đánh giá chuyên đề theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Riêng rà soát, đánh giá sự phù hợp của thủ tục hành chính và các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính với triển khai dịch vụ công trực tuyến được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực