Quyết định 21/2022/QĐ-UBND về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Số hiệu: | 21/2022/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cao Bằng | Người ký: | Lê Hải Hòa |
Ngày ban hành: | 15/07/2022 | Ngày hiệu lực: | 25/07/2022 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | |
Lĩnh vực: | Xây dựng - Đô thị, Giao thông - Vận tải | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
11/02/2024 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2022/QĐ-UBND |
Cao Bằng, ngày 15 tháng 7 năm 2022 |
BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Kèm theo Quyết định số: 21/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (sau đây gọi tắt là Quy chế).
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
1. Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội.
2. Góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của Nhân dân địa phương.
1. Các từ ngữ liên quan được đề cập tại Quy chế này, như: Đô thị, đường, phố, công trình công cộng được hiểu theo quy định tại Điều 3, Chương I Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 91/2005/NĐ-CP).
2. Một số từ ngữ khác quy định tại Quy chế này được hiểu như sau:
a) Công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, bao gồm: Các công trình công cộng có vị trí quan trọng, quy mô về diện tích, không gian, kiến trúc lớn như: Quảng trường, công viên, các di tích lịch sử - văn hóa, khu tưởng niệm danh nhân thuộc tỉnh quản lý; bến xe liên tỉnh, cầu giao thông tại trung tâm đô thị của tỉnh, nối liền các trục đường chính đô thị, quốc lộ, đường liên tỉnh; các công trình văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí cấp tỉnh.
b) Đơn vị quản lý công trình công cộng là đơn vị trực tiếp quản lý công trình công cộng, như: Quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, đường, bến xe, công trình văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.
3. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội là những danh từ chung như: Độc lập, Tự do, Dân chủ, Thống nhất, Giải phóng, Đồng khởi… Những danh từ đó đều có thể sử dụng để đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng.
NGUYÊN TẮC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
1. Áp dụng theo nguyên tắc chung quy định tại Mục 1, Chương II của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP; Mục I Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng (sau đây viết tắt là Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT).
2. Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn huyện, thành phố, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1, Mục I Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT.
1. Đặt tên đường, phố và công trình công cộng
a) Việc đặt tên phải gắn với định hướng quy hoạch phát triển đô thị, mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài, thuận lợi; có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quốc gia và địa phương. Việc đặt tên phải đảm bảo tính kế thừa, tính mới, thực tiễn, tính đại chúng, dễ nhớ.
b) Tên để đặt cho đường, phố và công trình công cộng phải được lựa chọn từ Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành.
c) Không đặt trùng tên đường, phố và công trình công cộng trong cùng một địa bàn đô thị thuộc huyện/thành phố.
d) Tên các danh nhân, nhân vật lịch sử cùng thời kỳ hoặc cùng lĩnh vực hoạt động được ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm tên đường có liên quan.
đ) Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Nếu đường quá dài, đường liên phường, thị trấn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân đoạn để đặt tên. Khi đường bị ngắt khúc bởi các đường giao nhau thì đoạn kế tiếp có thể được đặt tên khác.
e) Đối với các tuyến đường, phố trong các khu dân cư không phải là đường trục chính, chiều dài dưới 100m và chiều rộng dưới 3,5m thì không đặt tên mà đặt theo số tự nhiên. Các số phải sắp đặt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, theo hướng từ Đông sang Tây hoặc Bắc vào Nam.
2. Đổi tên đường, phố và công trình công cộng
a) Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã được đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương thì cần xem xét đề xuất đổi tên.
b) Đường trùng tên trong cùng một địa bàn đô thị thuộc huyện, thành phố cần được xem xét và đề xuất đổi tên theo quy định.
c) Đối với các đường thuộc các xóm, xã cũ đã chuyển thành phường ưu tiên đặt tên theo địa danh hoặc danh nhân có liên quan tại địa phương đó.
3. Nhóm đặt tên đường, phố và công trình công cộng
a) Nhóm đặt tên đường, phố
- Nhóm 1: Đặt tên theo danh nhân, sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia đối với các tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng trong mạng lưới đô thị, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đô thị của thành phố, có chiều rộng mặt đường từ 30m, chiều dài từ 5.000m trở lên.
- Nhóm 2: Đặt tên danh nhân, địa danh và các phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử nổi bật đối với các tuyến đường có chiều rộng mặt đường từ 5,5m và có chiều dài từ 500m trở lên.
- Nhóm 3: Đặt tên theo địa danh đối với các tuyến đường có chiều rộng mặt đường tối thiểu từ 3,75m và có chiều dài tối thiểu từ 100m.
b) Nhóm đặt tên công trình công cộng
- Nhóm 1: Các công trình công cộng có quy mô, vị trí vai trò quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, xã hội, và phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng chung cho cộng đồng toàn tỉnh.
- Nhóm 2: Các công trình công cộng được quy định ngoài nhóm 1.
Điều 6. Đặt tên đường, phố và công trình công cộng
Việc đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây:
1. Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.
2. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội.
3. Tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
4. Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.
5. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.
Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
THẨM QUYỀN VÀ QUY TRÌNH ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 7. Thẩm quyền đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
1. Hội đồng nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
2. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh
a) Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Hội đồng tư vấn tỉnh) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực; thành lập Tổ thư ký Hội đồng tư vấn.
b) Xem xét, thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định đặt tên hoặc đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
c) Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xem xét, thẩm định hồ sơ, quyết định đặt tên công trình công cộng không thuộc công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 của Quy chế này kể từ ngày Quyết định ban hành Quy chế này có hiệu lực. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố sau khi được ủy quyền thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Thành lập Hội đồng tư vấn đặt tên đường, phố và công trình công cộng (gọi tắt là Hội đồng tư vấn huyện), giao phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan Thường trực Hội đồng.
b) Ban hành Quyết định đối với việc đặt tên công trình công cộng không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 của Quy chế này.
c) Xem xét thẩm định hồ sơ đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn trước khi trình Hội đồng tư vấn tỉnh thẩm định theo quy trình.
d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Điều 8. Quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
1. Quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
a) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn.
- Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường, phố và công trình dự kiến đặt tên, đổi tên; lập danh mục các tuyến đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên (hoặc đổi tên); căn cứ vào quy mô, tính chất, cấp độ của đường, phố và công trình công cộng, đề xuất phương án dự kiến đặt tên cụ thể cho từng tuyến đường, phố, công trình công cộng; lập hồ sơ chi tiết cho đề án.
- Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về lịch sử, văn hóa, tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể cùng cấp, các nhà nghiên cứu và UBND phường, thị trấn nơi có tuyến đường, phố và công trình công cộng dự kiến đặt; công bố công khai phương án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia ý kiến; tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng tư vấn tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn) thẩm định.
b) Hội đồng tư vấn tỉnh
- Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức khảo sát thực địa và tổ chức họp Hội đồng tham gia thẩm định hồ sơ theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố.
- Công bố công khai phương án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để Nhân dân tham gia ý kiến (trong thời hạn 10 ngày làm việc).
- Hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình UBND tỉnh.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và ban hành Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
2. Quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thành phố.
a) Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, đơn vị quản lý công trình công cộng không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 3 của Quy chế này:
- Xây dựng Đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng theo quy định.
- Trình UBND huyện, thành phố xem xét, quyết định.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức khảo sát thực trạng, xác định quy mô, vị trí, ý nghĩa của công trình công cộng dự kiến đặt tên, đổi tên.
- Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, các nhà khoa học và Nhân dân tại địa bàn về đề xuất đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
- Công bố công khai nội dung dự kiến đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để Nhân dân tham gia ý kiến và tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ.
- Tổ chức họp, thống nhất ý kiến, trình Hội đồng nhân dân huyện, thành phố thông qua và ban hành Quyết định đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.
Điều 9. Hồ sơ đề nghị đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
1. Hồ sơ Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trình Hội đồng tư vấn tỉnh gồm:
a) Tờ trình đề nghị đặt tên, đổi tên đường, phố; công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
b) Đề án đặt tên, đổi tên đường, phố; công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đã được Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thẩm định, hoàn thiện.
- Tóm tắt ý nghĩa của tên dự kiến để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; mô tả các công trình về vị trí, quy mô, cấp độ, kích thước, điểm đầu, điểm cuối, chiều dài, chiều rộng, lộ giới, kết cấu mặt đường.
- Sơ đồ vị trí các tuyến đường, phố, công trình công cộng đã xác định vị trí cụ thể các đường, phố và công trình công cộng dự kiến đặt tên (khổ giấy A3).
c) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và Nhân dân trên địa bàn đối với việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
d) Biên bản họp của UBND huyện, thành phố với các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học.
2. Hồ sơ Hội đồng tư vấn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, gồm:
a) Hồ sơ của UBND các huyện, thành phố đề nghị đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (quy định tại khoản 1 điều này).
b) Tờ trình đề nghị đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Hội đồng tư vấn tỉnh (do cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh thực hiện).
c) Biên bản họp của Hội đồng tư vấn tỉnh.
d) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và Nhân dân đối với việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
đ) Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh.
e) Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Hồ sơ Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh, gồm:
a) Hồ sơ đề nghị của UBND huyện, thành phố và Hội đồng tư vấn tỉnh đề nghị đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này).
b) Tờ trình của UBND tỉnh về dự thảo Nghị quyết.
c) Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
Điều 10. Gắn biển tên đường, phố và công trình công cộng
1. Gắn biển tên.
a) UBND các huyện, thành phố thực hiện việc gắn biển tên đường, phố và công trình công cộng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Hội đồng nhân dân tỉnh có hiệu lực, đồng thời phải công bố và phổ biến rộng rãi cho Nhân dân biết.
2. Quy cách biển tên đường, phố và công trình công cộng.
a) Đối với đường, phố thực hiện theo quy định tại Mục VII Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT.
b) Đối với các công trình công cộng, đơn vị quản lý công trình triển khai lắp đặt biển tên.
Được cấp từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố và được bố trí trong dự toán kinh phí hằng năm chi cho sự nghiệp văn hóa được phân bổ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn tỉnh.
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
b) Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Cao Bằng.
c) Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố quy trình xây dựng Đề án, lựa chọn dữ liệu đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đảm bảo hợp lý, thiết thực, hiệu quả; tổ chức Lễ công bố đặt tên; hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến tuyên truyền việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; làm rõ ý nghĩa sự kiện lịch sử, giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, công trạng của danh nhân được chọn để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để Nhân dân được biết.
d) Hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh.
đ) Nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh, bổ sung tên mới vào Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trình UBND tỉnh phê duyệt.
e) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Xây dựng: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố cung cấp nội dung quy hoạch các tuyến đường, phố và công trình công cộng thuộc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với đầy đủ thông tin về vị trí, kích thước (có bản đồ quy hoạch kèm theo).
Sau khi Nghị quyết về việc đặt tên của Hội đồng nhân dân tỉnh có hiệu lực, kịp thời cập nhật trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và trong quá trình thực hiện lập, thẩm định các đồ án quy hoạch tiếp theo có liên quan.
3. Sở Giao thông Vận tải: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức gắn biển tên đường, phố và công trình công cộng sau khi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có hiệu lực.
4. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai các nội dung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh hằng năm theo quy định hiện hành.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh thường xuyên cập nhật và đăng tải thông tin, tuyên truyền, giới thiệu vị trí, ý nghĩa tên các đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định về việc đặt tên, đổi tên.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Đề xuất danh mục ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn gửi cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh.
b) Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan thực hiện xây dựng đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn và phối hợp với UBND phường/thị trấn khảo sát, phân loại đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn cần đặt tên, đổi tên; hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập hồ sơ thủ tục việc đặt tên, đổi tên theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trình Hội đồng tư vấn tỉnh.
c) Thực hiện quy trình xây dựng và ban hành Quyết định đặt tên, đổi tên công trình công cộng trên địa bàn theo thẩm quyền.
d) Chỉ đạo công tác tuyên truyền việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn; ý nghĩa sự kiện lịch sử, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, công trạng của danh nhân được chọn để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để Nhân dân được biết.
e) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện gắn biển tên đường, phố và công trình công cộng theo quy định.
Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng sẽ được động viên, khen thưởng kịp thời.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này và những quy định khác của pháp luật về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Quy chế nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực