Chương 5 Nghị định 94/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia: Thanh lý, xuất loại khỏi danh mục hàng dự trữ quốc gia, tiêu hủy và xử lý hàng dự trữ quốc gia dôi thừa, thiếu hụt; trích thưởng giảm hao hụt so với định mức trong bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Số hiệu: | 94/2013/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 21/08/2013 | Ngày hiệu lực: | 10/10/2013 |
Ngày công báo: | 03/09/2013 | Số công báo: | Từ số 519 đến số 520 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Mức phụ cấp thâm niên cho người làm công tác dự trữ quốc gia bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm sẽ được tính thêm 1%.
Theo đó, điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
- Công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý DTQG chuyên trách đủ 5 năm;
- Quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác DTQG đủ 5 năm.
Đây là một số nội dung chính tại Nghị định 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia.
Nghị định này có hiệu lực từ 10/10/2013, thay thế các Nghị định 196/2004/NĐ-CP, 43/2012/NĐ-CP và bãi bỏ Quyết định 77/2008/QĐ-TTg.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, giảm phẩm chất so với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng vẫn còn giá trị sử dụng và được phép lưu thông trên thị trường được thanh lý trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng đã gia công tái chế, sửa chữa hoặc xét thấy việc gia công tái chế, sửa chữa không có hiệu quả, không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Hàng dự trữ quốc gia hết giá trị sử dụng theo đúng tính năng của hàng hóa nhưng có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác.
2. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định thanh lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật. Phương thức, trình tự, thủ tục, tổ chức thanh lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Số tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc gia, sau khi trừ chi phí hợp lý phục vụ cho công tác thanh lý theo quy định của pháp luật được nộp vào ngân sách nhà nước.
1. Hàng dự trữ quốc gia không thuộc Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia quy định tại Nghị định này thì Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất bán loại khỏi Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia; phương thức xuất bán theo quy định của Luật dự trữ quốc gia.
Hàng dự trữ quốc gia phục vụ quốc phòng, an ninh xuất loại khỏi Danh mục chỉ được xuất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
2. Số tiền thu được từ xuất bán hàng dự trữ quốc gia tại Khoản 1 Điều này được nộp vào ngân sách nhà nước.
1. Hàng dự trữ quốc gia quá niên hạn sử dụng bị giảm phẩm chất không còn sử dụng được và không được phép lưu hành trên thị trường phải tiêu hủy.
2. Hàng dự trữ quốc gia tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.
3. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia.
4. Kinh phí tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia do ngân sách nhà nước bảo đảm.
1. Hàng dự trữ quốc gia hao hụt trong quá trình bảo quản bằng hoặc dưới tỷ lệ định mức hao hụt quy định thì bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách được giảm vốn dự trữ quốc gia và báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính theo quy định.
2. Hàng dự trữ quốc gia hao hụt vượt định mức trong quá trình bảo quản thì đơn vị dự trữ quốc gia căn cứ vào biên bản kiểm nghiệm; biên bản xác định hao hụt hoặc biên bản xác nhận hàng bị hư hỏng, giảm phẩm chất so với Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hàng dự trữ quốc gia; biên bản hàng dự trữ quốc gia bị mất do Hội đồng xử lý tài sản dự trữ quốc gia của cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia từng cấp xem xét, xác định rõ nguyên nhân hao hụt, hư hỏng, thiệt hại và xử lý theo quy định như sau:
a) Hàng dự trữ quốc gia hao hụt vượt định mức do nguyên nhân chủ quan thì tổ chức, cá nhân phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với phần hao hụt vuợt định mức; giá bồi thường do Thủ trưởng đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định căn cứ trên giá thị trường của hàng hóa đó hoặc hàng hóa cùng loại tại thời điểm xử lý bồi thường;
b) Hàng dự trữ quốc gia hao hụt vượt định mức do nguyên nhân khách quan thì thực hiện xử lý, giảm vốn dự trữ theo thẩm quyền phân cấp tại Khoản 3 Điều này.
3. Thẩm quyền quyết định xử lý hàng dự trữ quốc gia hao hụt vượt định mức, hư hỏng, hoặc bị mất được quy định như sau:
a) Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Thủ trưởng cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách được quyết định giảm vốn đối với lượng hàng dự trữ quốc gia xử lý một lần có giá trị thiệt hại dưới 300 triệu đồng tính theo giá hạch toán trên sổ kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính;
b) Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Thủ trưởng cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định giảm vốn đối với lượng hàng dự trữ quốc gia xử lý một lần có giá trị thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng tính theo giá hạch toán trên sổ kế toán;
c) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giảm vốn đối với lượng hàng dự trữ quốc gia xử lý một lần có giá trị thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên tính theo giá hạch toán trên sổ kế toán.
1. Hàng dự trữ quốc gia có số lượng kiểm kê thực tế lớn hơn so với sổ kế toán phải được nhập tăng số lượng hàng dự trữ quốc gia.
2. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia quyết định nhập tăng số lượng hàng dự trữ quốc gia và báo cáo cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
1. Trong quá trình bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia, trường hợp giảm tỷ lệ hao hụt so với định mức, đơn vị dự trữ quốc gia được thưởng tương ứng với 50% giá trị hàng hao hụt dưới định mức.
2. Nguồn kinh phí trích thưởng theo Khoản 1 Điều này được bảo đảm từ dự toán ngân sách cho công tác quản lý dự trữ quốc gia để trích lập quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức.
3. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Thủ trưởng cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách xem xét, phê duyệt khoản trích thưởng do thực hiện bảo quản hao hụt dưới định mức quy định của các đơn vị trực thuộc cùng với việc phê duyệt báo cáo quyết toán năm.
4. Đơn vị dự trữ quốc gia thực hiện việc lập dự toán, quyết toán nguồn kinh phí trích thưởng từ giảm hao hụt so với định mức.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực