Nghị định 82/2014/NĐ-CP về Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Số hiệu: | 82/2014/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 25/08/2014 | Ngày hiệu lực: | 15/10/2014 |
Ngày công báo: | 06/09/2014 | Số công báo: | Từ số 803 đến số 804 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/04/2017 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2014/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2014 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Điện lực năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2014. Bãi bỏ quy định về quản lý tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 82/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định việc quản lý tài chính đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định của Quy chế quản lý tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của Chính phủ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế này.
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” là nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, bao gồm:
a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp I).
b) Các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo.
c) Các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp II).
d) Các công ty con của doanh nghiệp cấp II.
đ) Các doanh nghiệp liên kết của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
2. “Tập đoàn Điện lực Việt Nam” (gọi tắt là EVN) là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
3. “Đơn vị trực thuộc EVN” là các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN, bao gồm: Các đơn vị sự nghiệp (các trường đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm), các đơn vị trực thuộc hoạt động kinh doanh, các đơn vị trực thuộc không hoạt động kinh doanh và các đơn vị khác được thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
4. “Công ty con của EVN” là các tổng công ty, các công ty hạch toán độc lập do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc nắm giữ quyền chi phối khác, được tổ chức dưới các hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài, công ty ở nước ngoài và các loại hình công ty khác theo quy định của pháp luật.
5. “Công ty liên kết của EVN” là các công ty có cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối của EVN, chịu sự ràng buộc về quyền lợi, nghĩa vụ với EVN theo tỷ lệ góp vốn hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng liên kết với EVN.
6. “Đơn vị thành viên của EVN” bao gồm các đơn vị trực thuộc và công ty con.
7. “Vốn điều lệ của EVN” là vốn do Nhà nước đầu tư và được ghi tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN.
8. “Cổ phần, vốn góp chi phối của EVN” là cổ phần hoặc vốn góp của EVN chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó hoặc một tỷ lệ khác theo quy định của pháp luật hoặc Điều lệ của doanh nghiệp đó.
9. “Quyền chi phối của EVN” là quyền của EVN đối với một doanh nghiệp khác, bao gồm ít nhất một trong các quyền sau đây:
a) Quyền của chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp.
b) Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối của doanh nghiệp.
c) Quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của doanh nghiệp.
d) Quyền quyết định phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của doanh nghiệp.
đ) Các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa EVN và doanh nghiệp bị chi phối và được ghi vào Điều lệ của doanh nghiệp bị chi phối.
10. “Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn góp của EVN tại công ty con, công ty liên kết” là người được Hội đồng thành viên EVN ủy quyền đại diện quản lý cổ phần hoặc phần vốn tại công ty con, công ty liên kết đó (sau đây được gọi tắt là “Người đại diện”).
Các từ ngữ khác trong Quy chế này đã được giải nghĩa trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì có nghĩa như trong các văn bản pháp luật đó.
Nhà nước là chủ sở hữu của EVN. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với EVN.
QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA EVN
1. Vốn của EVN bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại EVN, vốn do EVN tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Vốn điều lệ
a) Vốn điều lệ của EVN được ghi trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Vốn điều lệ của EVN được điều chỉnh tăng trong quá trình kinh doanh theo quy định của pháp luật, thủ tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ.
c) Nguồn bổ sung vốn điều lệ của EVN từ Quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn bổ sung khác (nếu có). Trường hợp sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại EVN để bổ sung vốn điều lệ phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản.
Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của EVN trong việc sử dụng vốn và quỹ do EVN quản lý
1. EVN được quyền chủ động sử dụng số vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào hoạt động kinh doanh của EVN theo quy định của pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo kịp thời cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.
2. Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
1. EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết. Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN.
2. Hình thức huy động vốn: Phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
3. EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
4. EVN được quyền chủ động huy động vốn nhàn rỗi của các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Trường hợp EVN huy động vốn từ các Công ty có vốn góp dưới 100% vốn điều lệ thì phải có sự thỏa thuận của các Công ty này.
Khi huy động vốn, hai bên phải thỏa thuận lãi suất huy động nhưng không cao hơn lãi suất thị trường tại thời điểm huy động theo quy chế huy động vốn do EVN ban hành.
5. EVN được quyền bảo lãnh cho công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn của ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn tại một công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ (không bao gồm các khoản EVN cho công ty con vay lại) không vượt quá giá trị vốn góp của EVN tại công ty này.
Trường hợp các doanh nghiệp có vốn góp của EVN có nhu cầu bảo lãnh thì EVN được bảo lãnh theo nguyên tắc: Tỷ lệ (%) bảo lãnh của từng khoản vay không vượt quá tỷ lệ (%) vốn góp của EVN trong doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn và tổng các khoản bảo lãnh vay vốn không được vượt quá số vốn góp thực tế của EVN tại doanh nghiệp được bảo lãnh.
Tổng giá trị các khoản EVN bảo lãnh vay vốn cho các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn góp của EVN không vượt quá vốn chủ sở hữu của EVN đồng thời phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu quy định tại Khoản 1 Điều này. EVN có trách nhiệm giám sát các doanh nghiệp sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.
6. EVN được huy động các nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư các dự án điện, các dự án cải tạo tiếp nhận lưới điện trung hạ áp nông thôn và lưới điện của các tổ chức khác bàn giao.
7. EVN được hỗ trợ, thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước chi phí đầu tư dự án, công trình điện phục vụ an sinh xã hội, an ninh quốc phòng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
8. EVN thực hiện điều chuyển vốn đầu tư của chủ sở hữu tại các đơn vị thành viên do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ về EVN khi vốn điều lệ thấp hơn vốn Chủ sở hữu được xác định trên báo cáo tài chính của đơn vị thành viên đã được kiểm toán của năm gần nhất nếu các đơn vị không có nhu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo vốn chủ sở hữu tại các đơn vị thành viên bị điều chuyển vốn không được thấp hơn vốn điều lệ của đơn vị đó tại thời điểm điều chuyển vốn.
9. Thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn:
a) EVN được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN. Trong đó: Hội đồng thành viên quyết định phương án huy động vốn không vượt quá 30% vốn điều lệ của EVN hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn được quy định trong điều lệ của EVN. Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định phương án huy động vốn theo quy chế phân cấp nội bộ của EVN.
b) Trường hợp EVN có tổng nhu cầu huy động vốn vượt quy định tại Điểm a Khoản này để đầu tư các dự án quan trọng phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả.
Điều 7. Quản lý các khoản nợ phải trả
1. EVN có trách nhiệm mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả, các thông tin liên quan đến phạt chậm trả, thông tin liên quan đến người cho vay và thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của EVN, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn.
2. Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phải trả phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải trả cuối năm tài chính được xử lý theo quy định tại Điều 23 của Quy chế này.
Điều 8. Quản lý vốn đầu tư xây dựng
1. Quản lý vốn trong quá trình đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đến khi quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và quy chế nội bộ của EVN.
2. Lãnh đạo EVN và các đơn vị trực thuộc EVN chịu trách nhiệm về các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản phát sinh tại đơn vị và số liệu, tài liệu, hóa đơn, chứng từ liên quan đến Báo cáo tài chính, Quyết toán vốn đầu tư của các công trình đầu tư xây dựng hoàn thành, công trình đầu tư nâng cấp. Thủ trưởng các đơn vị tự thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của mình theo quy chế giám sát hiện hành.
1. EVN phải đảm bảo quản lý và sử dụng vốn Nhà nước có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo đúng quy định của pháp luật.
2. EVN thực hiện bảo toàn vốn Nhà nước bằng các biện pháp sau đây:
a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.
b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau đây:
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
- Dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
- Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình, xây lắp.
d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. EVN phải thực hiện đánh giá chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo quy định. Trường hợp không bảo toàn được vốn chủ sở hữu thì Hội đồng thành viên phải có báo cáo giải trình rõ gửi chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân không bảo toàn được vốn, hướng khắc phục trong thời gian tới.
4. Khi đánh giá mức độ bảo toàn vốn, EVN được loại trừ những ảnh hưởng của các yếu tố sau:
a) Do Nhà nước điều chuyển vốn chủ sở hữu.
b) Do nguyên nhân khách quan bất khả kháng (như: Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh).
c) Do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kể từ khi công trình đưa vào sử dụng.
d) Do thay đổi cơ cấu sản lượng và mức giá của các loại nguồn điện so với phương án giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
đ) Do nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của EVN hoặc phải thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.
e) Do các khoản chênh lệch tỷ giá chưa được đưa vào trong phương án giá điện.
Điều 10. Đầu tư vốn ra ngoài EVN
1. EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.
2. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN nếu có liên quan đến đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
3. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo; các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị của EVN.
4. EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Các hình thức đầu tư vốn ra ngoài EVN phải theo quy định của pháp luật gồm:
a) Góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới.
b) Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện năng.
c) Mua lại một doanh nghiệp khác để hình thành một pháp nhân mới.
d) Các hình thức đầu tư khác ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư vốn ra ngoài EVN:
a) Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định theo thẩm quyền việc góp vốn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đầu tư hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài; quyết định việc mua lại doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; đầu tư vào doanh nghiệp được thành lập để thực hiện chủ yếu, thường xuyên, ổn định các sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ quốc phòng, an ninh; quyết định các dự án đầu tư tài chính khác còn lại không thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên.
b) Hội đồng thành viên EVN quyết định các dự án đầu tư ra ngoài EVN sau khi đã được Chủ sở hữu phê duyệt chủ trương.
7. EVN không được đầu tư hoặc góp vốn với các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng EVN.
8. EVN thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu vốn đối với số vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết theo quy định của pháp luật.
1. Những hợp đồng tín dụng do EVN vay để đầu tư các công trình điện sau đó được chuyển giao sang các Công ty con, Công ty liên kết của EVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương thì EVN phải thỏa thuận với các tổ chức cho vay hoặc Bên bảo lãnh cho vay để chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay sang các Công ty tiếp nhận các công trình từ EVN. Trường hợp không được các tổ chức cho vay hoặc Bên bảo lãnh cho vay đồng ý chuyển đổi chủ thể vay thì EVN thực hiện ký hợp đồng cho vay lại với các Công ty tiếp nhận công trình theo quy định của pháp luật.
2. Lãi suất cho vay lại giữa EVN và các đơn vị được nhận vay lại dựa trên lãi suất hợp đồng tín dụng mà EVN đã ký kết với các tổ chức tín dụng có tính thêm các khoản phí cho vay lại và được sự thỏa thuận giữa Bên cho vay và Bên nhận vay lại.
3. Các khoản EVN cho vay lại quy định tại Điều này không tính vào danh mục các khoản đầu tư ra ngoài của EVN.
4. EVN phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, dự báo tình hình tài chính và khả năng trả nợ của các đơn vị nhận vay lại để kịp thời đưa ra các giải pháp thu nợ.
EVN được phép đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án điện, tuân thủ các quy định về đầu tư ra nước ngoài và các quy định khác của pháp luật có liên quan, gồm các nội dung sau:
1. Các hoạt động nhằm hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc đầu tư các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm:
a) Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư.
b) Khảo sát thực địa.
c) Nghiên cứu tài liệu.
d) Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án điện.
đ) Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định.
e) Tham gia, tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học.
g) Hoạt động của các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc, chi nhánh, văn phòng điều hành của EVN ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án điện.
h) Tham gia đấu thầu quốc tế.
i) Đàm phán hợp đồng điện.
k) Các hoạt động cần thiết khác.
2. Dự án điện đầu tư ra nước ngoài được hình thành thông qua các hình thức sau:
a) Đầu tư 100% vốn của EVN vào các dự án điện.
b) Góp vốn thành lập pháp nhân mới đầu tư các dự án điện ở nước ngoài.
c) Hợp đồng hợp tác các dự án điện.
d) Nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia vào hợp đồng dự án điện.
đ) Nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ công ty sản xuất kinh doanh điện.
e) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
3. Ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành.
Mục 2. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN
1. Tài sản của EVN bao gồm các tài sản ngắn hạn (như tiền, hàng tồn kho, các tài sản ngắn hạn khác) và các tài sản dài hạn (như tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản phải thu dài hạn, tài sản dài hạn khác).
2. EVN phải xây dựng Quy chế quản lý sử dụng tài sản để đảm bảo sử dụng tài sản có hiệu quả, tránh để lãng phí, ứ đọng, không cần dùng, thất thoát, kém, mất phẩm chất, lạc hậu kỹ thuật; tổ chức hạch toán phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời; tổ chức kiểm kê, đối chiếu theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của chủ sở hữu; thực hiện đầu tư tài sản cố định, quản lý và sử dụng tài sản theo quy định.
3. EVN có quyền điều chuyển các tài sản gồm hệ thống điện, vật tư, thiết bị phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh điện thuộc các doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ để phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc theo phương án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc điều chuyển các tài sản này thực hiện theo hình thức tăng giảm vốn đầu tư của Chủ sở hữu. Trường hợp điều chuyển tài sản hình thành từ vốn vay lại của Chính phủ, từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh khi khoản vay còn dư nợ thì phải có ý kiến chấp thuận của Nhà tài trợ (đối với khoản vay lại của Chính phủ) hoặc của Người cho vay (đối với khoản vay có bảo lãnh Chính phủ) trước khi thực hiện theo đúng các điều khoản đã cam kết với người cho vay và thực hiện chuyển nợ cho bên nhận tài sản.
Điều 14. Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định
EVN phải xây dựng kế hoạch các dự án đầu tư phát triển 5 năm, bao gồm cả danh mục các dự án đầu tư từ nhóm B trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc một mức khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ của EVN trình Chủ sở hữu phê duyệt.
1. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của EVN:
a) Hội đồng thành viên EVN quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định có giá trị nhỏ hơn 30% vốn điều lệ của EVN, nhưng không quá mức dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng.
Riêng các dự án nguồn điện, lưới điện cấp bách nằm trong danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định hoặc ủy quyền cho Hội đồng thành viên EVN quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về việc ủy quyền đó.
Hội đồng thành viên EVN quyết định phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên.
b) Trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng.
2. Đầu tư, mua sắm phương tiện đi lại phục vụ hoạt động của EVN:
Các chức danh là Viên chức quản lý sử dụng phương tiện đi lại đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, sử dụng phương tiện đi lại khi đi công tác, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác chung của EVN thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc trang bị hoặc thay thế phương tiện đi lại do Hội đồng thành viên EVN quyết định theo mức quy định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Người quyết định việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định chịu trách nhiệm nếu việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định không phù hợp, lạc hậu kỹ thuật, không sử dụng được.
Điều 15. Khấu hao tài sản cố định
1. EVN thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Tổng giám đốc EVN quyết định mức trích khấu hao cụ thể trong khung theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Việc sử dụng khấu hao để đầu tư xây dựng phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
4. EVN quản lý, sử dụng tập trung phần vốn khấu hao của các tài sản cố định do EVN đầu tư tại các đơn vị trực thuộc.
5. Khấu hao đối với một số trường hợp đặc thù:
a) Đối với những tài sản cố định được đánh giá lại theo quyết định của cấp có thẩm quyền, thì EVN chủ động xây dựng mức trích khấu hao mới theo khung do Bộ Tài chính quy định và đăng ký lại với Cơ quan thuế.
b) Đối với dự án đầu tư nâng cấp một phần tài sản cố định thì sau khi thực hiện nâng cấp EVN chủ động xác định lại tuổi thọ kỹ thuật và xác định lại thời gian khấu hao mới theo quy định hiện hành.
c) Đối với các dự án Nhà máy thủy điện thời gian tính khấu hao bắt đầu sau thời điểm nhà máy vận hành chạy thử 72 giờ trong trạng thái tài sản sẵn sàng sử dụng.
d) Đối với các dự án Nhà máy điện khác, thời gian tính khấu hao bắt đầu từ thời điểm Nhà máy chính thức đưa vào vận hành thương mại.
đ) Đối với các khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các Nhà máy điện do EVN đầu tư, xây dựng:
- Chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các Nhà máy điện được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê thì số tiền thu được hạch toán giảm chi phí sản xuất điện.
- Chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà ở khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà máy điện thuê sử dụng thì không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. EVN phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư và các chi phí dịch vụ quản lý, bảo dưỡng các công trình này. EVN phải hạch toán riêng hoạt động kinh doanh này.
Điều 16. Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản
1. EVN có quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của EVN theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng thành viên EVN quyết định các hợp đồng cho thuê tài sản có giá trị dưới 30% vốn điều lệ của EVN.
3. Thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản của doanh nghiệp để thế chấp, cầm cố vay vốn thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.
4. Việc sử dụng tài sản để cho thuê, thế chấp, cầm cố phải tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật.
Điều 17. Thanh lý, nhượng bán tài sản
1. EVN được quyền chủ động thực hiện nhượng bán, thanh lý tài sản đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, kém mất phẩm chất, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trường hợp nhượng bán, thanh lý tài sản hình thành từ vốn vay lại của Chính phủ, từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh khi khoản vay còn dư nợ thì phải có ý kiến chấp thuận của Nhà tài trợ (đối với khoản vay lại Chính phủ) hoặc của Người cho vay (đối với khoản vay có bảo lãnh Chính phủ) và ý kiến của Bộ Tài chính trước khi nhượng bán, thanh lý.
2. Thẩm quyền quyết định việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:
a) Hội đồng thành viên EVN quyết định các phương án thanh lý, nhượng bán tài sản có giá trị còn lại dưới 30% vốn điều lệ của EVN nhưng không quá mức dự án nhóm B. Các phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức phân cấp cho Hội đồng thành viên thì Hội đồng thành viên báo cáo Chủ sở hữu quyết định.
b) Trường hợp phương án nhượng bán tài sản cố định của EVN không có khả năng thu hồi đủ vốn đã đầu tư, EVN phải giải trình rõ nguyên nhân không có khả năng thu hồi vốn báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trước khi nhượng bán tài sản cố định để thực hiện giám sát.
c) Riêng trường hợp tài sản cố định mới đầu tư không quá 03 năm do không mang lại hiệu quả kinh tế theo như phương án phê duyệt ban đầu, EVN không có nhu cầu tiếp tục khai thác sử dụng mà việc nhượng bán tài sản không có khả năng thu hồi đủ vốn đầu tư dẫn tới EVN không trả được nợ vay theo khế ước hoặc hợp đồng vay vốn thì phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định: Việc nhượng bán tài sản cố định được thực hiện bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do EVN tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, Tổng giám đốc EVN quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường.
Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì EVN được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên.
4. Việc thanh lý, nhượng bán tài sản gắn liền với đất đai phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
5. Trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản theo quy định hiện hành.
Điều 18. Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài EVN
Việc nhượng bán các khoản đầu tư vốn ra ngoài EVN thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định hiện hành của pháp luật, trong đó:
1. Phương thức chuyển nhượng:
Tùy theo hình thức góp vốn, EVN thực hiện chuyển nhượng các khoản đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật, điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp và các cam kết tại các hợp đồng hợp tác kinh doanh của các bên.
a) Đối với việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng vốn phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật.
b) Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM thì EVN được chủ động thực hiện theo các phương thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán.
c) Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết thì EVN thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trong đó:
Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên thì phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng thì EVN được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại EVN, hoặc thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán.
Việc bán thỏa thuận chỉ được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá công khai nhưng chỉ có một người đăng ký mua và phải đảm bảo giá bán sát với giá thị trường tại thời điểm bán; trong trường hợp này, giá thị trường tại thời điểm bán cần căn cứ vào báo giá của ít nhất 03 công ty chứng khoán có thực hiện giao dịch chứng khoán của công ty cổ phần có vốn góp của EVN, trường hợp không có giao dịch thì giá bán không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của EVN.
2. Hội đồng thành viên EVN quyết định việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại doanh nghiệp khác thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của mình theo quy định của pháp luật, giá chuyển nhượng các khoản đầu tư theo nguyên tắc giá thị trường nhưng không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của EVN.
3. Trường hợp khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài EVN nhưng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của EVN (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định và các lợi ích thu được từ đầu tư vốn (nếu có)), EVN phải báo cáo Chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Điều 19. Quản lý hàng hóa tồn kho
1. Hàng hóa tồn kho là hàng hóa EVN mua về để bán còn tồn tại, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho hoặc đã mua đang đi trên đường, sản phẩm dở dang trong quá trình sản xuất, sản phẩm hoàn thành nhưng chưa nhập kho, thành phẩm tồn kho, thành phẩm đang gửi bán.
2. EVN được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho kém, mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, chậm luân chuyển để thu hồi vốn. Thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
3. Cuối kỳ kế toán, khi giá gốc hàng tồn kho ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thu hồi được thì EVN phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định.
4. Tổng giám đốc EVN chịu trách nhiệm xây dựng các định mức vật tư, thiết bị dự phòng chiến lược; định mức nguyên liệu, vật liệu dự phòng cho sản xuất để trình Hội đồng thành viên phê duyệt đồng thời tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các định mức đã được phê duyệt.
Điều 20. Quản lý các khoản nợ phải thu
1. Trách nhiệm của EVN:
a) Xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi thu hồi, thanh toán các khoản công nợ.
b) Mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ (nợ luân chuyển, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi), đôn đốc thu hồi nợ. Khi xác định là nợ phải thu khó đòi, EVN phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định hiện hành.
c) Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định tại khoản này thì Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của EVN từ 02 lần trở lên, trường hợp không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của nhà nước tại EVN thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ sở hữu và trước pháp luật.
d) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, EVN có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan, số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của EVN.
đ) Nợ không có khả năng thu hồi sau khi xử lý như trên, EVN vẫn phải theo dõi trên tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán và tổ chức thu hồi. Số tiền thu hồi được hạch toán vào thu nhập của EVN.
2. Quyền hạn của EVN:
EVN được quyền bán các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. EVN chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ phải thu. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới EVN bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng EVN phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ của EVN.
1. EVN phải tổ chức kiểm kê định kỳ hoặc đột xuất để xác định số lượng tài sản (tài sản cố định và đầu tư dài hạn, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn), đối chiếu các khoản công nợ phải thu, phải trả trong các trường hợp: Khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; khi thực hiện quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu; sau khi xảy ra thiên tai, địch họa; hoặc vì lý do nào đó gây ra biến động tài sản của EVN; hoặc theo quy định của Nhà nước. Thống kê tài sản thừa, thiếu, nợ không thu hồi được, nợ quá hạn xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.
2. Xử lý kiểm kê
a) Xử lý tổn thất tài sản sau kiểm kê
Tổn thất về tài sản là tài sản bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, tồn kho ứ đọng được xác định trong kiểm kê định kỳ và kiểm kê đột xuất. EVN phải xác định giá trị đã bị tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:
- Nếu do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên quyết định mức bồi thường theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Tài sản đã mua bảo hiểm nếu tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
- Giá trị tài sản tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm, phần thiếu được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
- Những trường hợp đặc biệt do thiên tai hoặc do nguyên nhân bất khả kháng gây thiệt hại nghiêm trọng, doanh nghiệp không thể tự khắc phục được thì Hội đồng thành viên lập phương án xử lý tổn thất trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét xử lý.
- EVN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản tổn thất tài sản, trường hợp để các khoản tổn thất tài sản không được xử lý thì Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính doanh nghiệp.
b) Tài sản thừa sau kiểm kê
Tài sản thừa sau kiểm kê là chênh lệch giữa số tài sản thực tế kiểm kê với số tài sản ghi trên sổ sách kế toán, giá trị tài sản thừa do kiểm kê được hạch toán vào thu nhập của EVN.
1. EVN thực hiện đánh giá lại tài sản trong các trường hợp sau:
a) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp: Cổ phần hóa, bán hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo các hình thức khác.
c) Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài EVN.
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc đánh giá lại tài sản phải theo đúng các quy định của Nhà nước. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giá trị do đánh giá lại tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Các khoản chênh lệch tỷ giá được xử lý theo quy định của Bộ Tài chính. Riêng đối với các công trình điện nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư được phản ánh lũy kế và phân bổ vào chi phí; thời gian phân bổ không quá 05 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
Mục 3. DOANH THU, CHI PHÍ VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Điều 24. Doanh thu và thu nhập khác
1. Doanh thu và thu nhập khác của EVN được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp luật hiện hành.
2. Doanh thu bao gồm doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và doanh thu hoạt động tài chính, trong đó:
a) Doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện: Doanh thu tiêu thụ điện là doanh thu từ bán điện cho các công ty phân phối điện, bán điện cho các công ty phát điện để sản xuất điện và bán điện cho các đơn vị khác, các khoản trợ cấp của Nhà nước (nếu có) cho EVN khi EVN thực hiện cung cấp điện theo nhiệm vụ Nhà nước giao mà thu không đủ bù đắp chi, doanh thu từ cho thuê cột điện.
b) Doanh thu từ hoạt động tài chính bao gồm: Các khoản thu phát sinh từ tiền bản quyền, cho các bên khác sử dụng tài sản của EVN, tiền lãi từ việc cho vay lại vốn, lãi tiền gửi, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi cho thuê tài chính; chênh lệch lãi do bán ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, kể cả chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ có tỷ giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính thấp hơn tỷ giá ghi trên sổ kế toán; tiền thu từ chuyển nhượng vốn của EVN đầu tư tại doanh nghiệp khác; lợi nhuận, cổ tức được chia từ việc đầu tư ra ngoài EVN (bao gồm cả phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích các quỹ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ và cổ tức được chia bằng cổ phiếu tại các công ty cổ phần).
3. Thu nhập khác gồm các khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, tài sản thừa do kiểm kê, thu tiền bảo hiểm được bồi thường, các khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng, giá trị tài sản trí tuệ được bên nhận vốn góp chấp nhận, được ghi nhận là thu nhập khác của EVN và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
4. Doanh thu và thu nhập khác để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 25. Chi phí hoạt động kinh doanh
Chi phí hoạt động kinh doanh của EVN là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính. Chi phí hoạt động kinh doanh gồm một số nội dung sau:
1. Chi phí sản xuất kinh doanh:
a) Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực, bán thành phẩm, dịch vụ mua ngoài.
b) Chi phí phân bổ công cụ, dụng cụ lao động được phân bổ vào chi phí theo quy định hiện hành. Riêng đối với công tơ điện được phân bổ vào chi phí trong thời gian không quá 05 năm.
c) Chi phí khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Điều 15 Quy chế này.
d) Chi phí trích trước chi phí sửa chữa tài sản cố định: Chi phí sửa chữa đối với tài sản cố định đặc thù (các nhà máy điện, trạm biến áp 500kV trở lên...) theo chu kỳ thì được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán được duyệt vào chi phí sản xuất kinh doanh. Khi thực hiện sửa chữa, nếu số thực chi lớn hơn số trích trước, phần chênh lệch được hạch toán vào chi phí; nếu số thực chi nhỏ hơn số trích trước thì hạch toán giảm chi phí trong năm.
đ) Chi phí sửa chữa tài sản cố định, chi phí khắc phục sự cố là chi phí thực tế cho công việc sửa chữa, khắc phục sự cố nhằm khôi phục năng lực và tính năng kỹ thuật của tài sản cố định theo trạng thái ban đầu của tài sản. Trong quá trình sửa chữa tài sản cố định có thể thay thế thiết bị, phụ tùng hoặc bộ phận tài sản đảm bảo phù hợp với công nghệ hiện tại và đáp ứng yêu cầu của sản xuất, truyền tải, phân phối điện. Trường hợp phát sinh các chi phí lớn phục vụ cho công tác sửa chữa, khắc phục sự cố do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh (giảm lãi hoặc bị lỗ) thì EVN thực hiện phân bổ khoản chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố; thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày phát sinh khoản chi phí.
e) Chi phí tiền lương, tiền công, chi phí có tính chất lương phải trả cho người lao động, tiền lương, thù lao của viên chức quản lý theo quy định.
g) Kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, bảo hiểm y tế cho người lao động mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định.
h) Chi phí hoạt động tài chính, bao gồm: Các khoản chi liên quan đến đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm các khoản chi phí do các bên góp vốn phải tự chi kể cả khoản lỗ được chia từ doanh nghiệp góp vốn); giá trị vốn góp được chuyển nhượng, tiền lãi phải trả do huy động vốn, chênh lệch tỷ giá, chi phí chiết khấu thanh toán, chi phí cho thuê tài sản.
i) Chi cho công tác y tế theo quy định.
k) Chi phí thuê bảo vệ nhà máy điện, đường dây điện, trạm biến áp.
l) Chi phí giao dịch, môi giới, tiếp khách, tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng cáo, hội họp tính theo chi phí thực tế phát sinh trên nguyên tắc quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
m) Chi đào tạo học sinh, sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ định hướng phát triển của EVN, chuẩn bị nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới, cung cấp nhân lực cho các đơn vị thành viên EVN ở vùng sâu vùng xa với điều kiện các học sinh, sinh viên này có cam kết làm việc lâu dài cho EVN sau khi tốt nghiệp.
n) Chi phí tiếp nhận, sửa chữa lưới điện trung áp, hạ áp nông thôn từ các tổ chức khác chuyển giao cho EVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để EVN quản lý vận hành thì EVN được phép phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh điện nhưng không quá 3 năm.
o) Chi phí cho thuê cột điện.
p) Chi phí bằng tiền khác gồm:
- Các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN.
- Tiền thuê đất.
- Trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động.
- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, tay nghề của người lao động.
- Thưởng sáng kiến cải tiến, thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Mức thưởng do Tổng giám đốc quyết định căn cứ vào hiệu quả công việc trên mang lại nhưng không được cao hơn số tiết kiệm chi phí do công việc đó mang lại trong 01 năm.
- Chi phí cho lao động nữ.
- Chi phí cho công tác bảo vệ môi trường.
- Chi phí ăn ca cho người lao động.
- Chi phí cho công tác Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp (phần chi ngoài kinh phí của tổ chức Đảng, đoàn thể được chi từ nguồn quy định).
- Các chi phí khác bằng tiền theo quy định.
q) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi quy định tại Khoản 1 Điều 20; Giá trị tài sản tổn thất thực tế theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Quy chế này.
r) Giá trị các khoản dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp trích lập theo quy định, chi phí trích trước bảo hành sản phẩm, các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù.
s) Giá trị tổn thất sau kiểm kê sau khi bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm (nếu có).
2. Chi phí khác, bao gồm:
a) Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản gồm cả giá trị còn lại của tài sản khi thanh lý, nhượng bán.
b) Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xóa sổ kế toán.
c) Chi phí để thu tiền phạt.
d) Chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
đ) Các khoản chi cho các trường thuộc EVN:
- Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định, lãi vay và chênh lệch tỷ giá của các khoản vay do EVN vay để đầu tư tài sản và giao cho các trường quản lý, sử dụng.
- Khoản chênh lệch thu chi đối với khoản chi thường xuyên của các trường mà các trường không cân đối được, EVN được phép hỗ trợ cho các trường và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh khác của EVN.
e) Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
3. Không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản đã có nguồn khác đảm bảo hoặc không liên quan đến sản xuất kinh doanh sau đây:
a) Chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt tài sản cố định hữu hình, vô hình.
b) Chi phí lãi vay vốn được tính vào chi phí đầu tư và xây dựng.
c) Các khoản chi phí khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh của EVN; các khoản chi không có chứng từ hợp lệ.
d) Các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật không mang danh EVN mà do cá nhân gây ra.
4. EVN xác định các khoản chi phí được trừ để tính thu nhập chịu thuế thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
1. Chi phí của EVN bao gồm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chi phí hoạt động tài chính, chi phí khác. EVN phải quản lý chặt chẽ các khoản chi phí đảm bảo các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định trong pháp luật về thuế.
2. EVN phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, ngành, nghề kinh doanh, mô hình tổ chức quản lý, trình độ trang bị của EVN. Các định mức phải được phổ biến đến tận người thực hiện, công bố công khai cho người lao động trong EVN biết để thực hiện và kiểm tra, giám sát. Trường hợp không thực hiện được các định mức, làm tăng chi phí phải phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý theo quy định của Nhà nước và cấp có thẩm quyền. Nếu do nguyên nhân chủ quan phải bồi thường thiệt hại. Thẩm quyền quyết định mức bồi thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Quy chế này.
3. Định kỳ hàng năm, EVN phải thực hiện báo cáo phân tích, so sánh giữa thực hiện và định mức các loại chi phí, giá thành sản phẩm và gửi cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo quy định.
4. Các khoản chi phí của EVN phải đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật. Các khoản chi sai, chi không đúng đối tượng hoặc không có chứng từ, chứng từ không hợp lệ thì không được hạch toán vào chi phí. Đối với các khoản chi sai nguyên tắc, sai chế độ, người nào quyết định chi, người đó chịu trách nhiệm bồi hoàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 27. Cơ chế quản lý tiền lương của EVN
1. Chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý của EVN được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Khi xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch, xác định quỹ tiền lương thực hiện năm đối với người lao động; xây dựng quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch, xác định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện năm đối với viên chức quản lý theo Khoản 1 Điều này thì được tính toán để loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận, năng suất lao động như thiên tai, địch họa, hạn hán; Nhà nước quản lý, điều hành giá điện; tăng hoặc giảm vốn nhà nước; tính tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh; thực hiện chương trình an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ; mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mới vào ngành nghề kinh doanh chính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu, tiết kiệm điện, tiếp nhận lưới điện nông thôn.
Mục 4. LỢI NHUẬN VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN
1. Lợi nhuận thực hiện trong năm của EVN là tổng của lợi nhuận hoạt động kinh doanh và lợi nhuận hoạt động khác.
2. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh bao gồm:
a) Chênh lệch giữa doanh thu từ việc bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ với tổng giá thành toàn bộ sản phẩm, hàng hóa tiêu thụ hoặc chi phí dịch vụ tiêu thụ phát sinh trong kỳ.
b) Chênh lệch giữa doanh thu từ hoạt động tài chính với chi phí hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ.
3. Lợi nhuận hoạt động khác là chênh lệch giữa thu nhập từ hoạt động khác với chi phí hoạt động khác phát sinh trong kỳ.
Lợi nhuận của EVN sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau:
1. Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có).
2. Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.
3. Số lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các nội dung quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này được phân phối như sau:
a) Trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển.
b) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi:
- Trường hợp xếp loại A, EVN được trích tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.
- Trường hợp xếp loại B, EVN được trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.
- Trường hợp xếp loại C, EVN được trích tối đa không quá 1 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Trường hợp không thực hiện xếp loại thì EVN không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.
c) Trích quỹ thưởng Viên chức quản lý:
- Trường hợp xếp loại A thì EVN được trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện của Viên chức quản lý doanh nghiệp.
- Trường hợp xếp loại B thì EVN được trích tối đa không quá 01 tháng lương thực hiện của Viên chức quản lý doanh nghiệp.
- Trường hợp xếp loại C hoặc không thực hiện xếp loại thì EVN không được trích lập quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp.
d) Trường hợp trích hai quỹ khen thưởng, phúc lợi mà không đủ mức theo quy định tại Điểm b Khoản này thì EVN được giảm trừ phần trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng tối đa không vượt quá mức trích vào quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính.
đ) Số lợi nhuận còn lại sau khi trích lập theo quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoặc nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ. Trường hợp EVN có nhu cầu đầu tư các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
4. Trường hợp EVN có vốn chủ sở hữu lớn hơn so với vốn điều lệ, nếu EVN có nhu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ thì xây dựng phương án tăng vốn điều lệ báo cáo Chủ sở hữu, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Nếu không có nhu cầu tăng vốn điều lệ thì EVN báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển của EVN về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. EVN có trách nhiệm nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong thời gian 05 ngày kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
1. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp:
Việc trích lập, quản lý, quyết toán việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Quỹ đầu tư phát triển được dùng để bổ sung vốn điều lệ cho EVN.
3. Quỹ khen thưởng được dùng để:
a) Thưởng cuối năm hoặc thường kỳ trên cơ sở năng suất lao động và thành tích công tác của mỗi cán bộ, công nhân viên trong EVN.
b) Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể trong EVN.
c) Thưởng cho những cá nhân và đơn vị ngoài EVN có đóng góp nhiều cho hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của EVN.
d) Đối tượng được chi Quỹ khen thưởng là toàn bộ người lao động của EVN.
đ) Quỹ khen thưởng của EVN không dùng để chi thưởng cho đối tượng là Viên chức quản lý EVN.
e) Mức thưởng theo quy định tại các Điểm a, b, c Khoản này do Tổng giám đốc quyết định. Riêng Điểm a Khoản này cần có ý kiến của Công đoàn EVN trước khi quyết định.
4. Quỹ phúc lợi được dùng để:
a) Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của EVN.
b) Chi cho các hoạt động phúc lợi của tập thể người lao động trong EVN.
c) Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng.
d) Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội.
Việc sử dụng quỹ phúc lợi do Hội đồng thành viên EVN quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn EVN.
5. Quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp được sử dụng để thưởng cho Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng EVN. Mức thưởng do chủ sở hữu quyết định gắn với tiêu chí đánh giá các chức danh này và hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
6. Việc trích lập và sử dụng các quỹ nói trên phải được chấp thuận của chủ sở hữu và thực hiện công khai theo quy chế công khai tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của Nhà nước.
7. EVN chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.
Mục 5. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN
1. Căn cứ vào định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh đã được chủ sở hữu phê duyệt, EVN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính dài hạn phù hợp với kế hoạch định hướng đã được chủ sở hữu quyết định.
2. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, căn cứ vào năng lực của EVN và nhu cầu thị trường, EVN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo trình Hội đồng thành viên quyết định.
3. Căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh được Hội đồng thành viên EVN quyết định, EVN thực hiện việc đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của năm báo cáo và lập kế hoạch tài chính cho năm kế tiếp gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 7 hàng năm.
4. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại kế hoạch tài chính do EVN lập và có ý kiến chính thức bằng văn bản để EVN hoàn chỉnh kế hoạch tài chính. Kế hoạch tài chính sau khi hoàn chỉnh là kế hoạch chính thức làm cơ sở cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giám sát đánh giá quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của EVN.
Điều 32. Công tác kế toán, thống kê
1. EVN có trách nhiệm ban hành chế độ kế toán tài chính và kế toán quản trị của EVN áp dụng thống nhất cho các đơn vị trực thuộc, công ty con và đơn vị sự nghiệp của EVN phù hợp với quy định hiện hành; tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật.
2. Khuyến khích các công ty liên kết, công ty tự nguyện liên kết của EVN áp dụng chế độ kế toán tài chính và kế toán quản trị của EVN.
Điều 33. Báo cáo tài chính và báo cáo khác
1. Cuối kỳ kế toán quý, năm, EVN phải lập các báo cáo tài chính, báo cáo thống kê của EVN và Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên EVN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo này.
2. Bộ Công Thương chấp thuận để Hội đồng thành viên EVN phê duyệt báo cáo tài chính hàng năm, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.
3. Các đơn vị trực thuộc, các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ, Người đại diện tại công ty EVN có cổ phần, vốn góp chi phối có nghĩa vụ thực hiện các báo cáo quản trị theo quy định của EVN.
4. EVN gửi báo cáo tài chính theo thời gian, mẫu biểu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
1. Hàng năm EVN thuê các tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính của EVN (gồm báo cáo tài chính của EVN và báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam) và các đơn vị trực thuộc EVN.
2. Các công ty con của EVN tự thuê tổ chức kiểm toán độc lập trong phạm vi danh sách các đơn vị kiểm toán độc lập đủ tiêu chuẩn đã được Bộ Tài chính công bố để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị mình. Đối với các đơn vị có sử dụng vốn vay của các cá nhân, tổ chức nước ngoài cần có thêm sự đồng ý của cá nhân, tổ chức cho vay vốn đối với tổ chức kiểm toán được lựa chọn.
3. Đối với các công ty EVN có cổ phần, vốn góp chi phối, Người đại diện có trách nhiệm yêu cầu công ty thực hiện theo hình thức, nội dung kiểm toán mà EVN quy định.
EVN thực hiện chế độ công khai tài chính của EVN theo quy định hiện hành của pháp luật.
Mục 6. GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Điều 36. Giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp
EVN phải thực hiện công tác giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của EVN và các doanh nghiệp thành viên theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm Chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
1. Khung giá phát điện là khoảng cách giữa mức giá tối thiểu và mức giá tối đa của mức giá phát điện được cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ.
2. Căn cứ vào khung giá phát điện được phê duyệt, EVN đàm phán giá điện và ký hợp đồng mua bán điện với các đơn vị phát điện. Hội đồng thành viên EVN có thẩm quyền phê duyệt giá điện và hợp đồng mua bán điện EVN ký kết trong phạm vi khung giá phát điện.
Điều 38. Giá mua điện giữa EVN và các đơn vị phát điện
1. Giá mua điện của các công ty phát điện do EVN nắm 100% vốn
Căn cứ khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt, Hội đồng thành viên quyết định giá mua điện theo hợp đồng mua bán điện của các công ty phát điện do EVN nắm 100% vốn phù hợp với tình hình sản xuất điện năng thực tế và giá giao dịch theo thời điểm trên thị trường điện cạnh tranh.
2. Giá mua điện của các công ty phát điện khác
Giá mua điện của EVN đối với các công ty khác thực hiện theo giá quy định trong Hợp đồng mua bán điện có thời hạn và giá giao dịch theo thời điểm trên thị trường phát điện cạnh tranh nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt.
Điều 39. Giá bán buôn điện giữa EVN và các công ty phân phối điện
Căn cứ vào khung giá bán buôn điện, Hội đồng thành viên EVN quyết định giá bán buôn điện cho từng Tổng công ty điện lực trên nguyên tắc đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các Tổng công ty điện lực ở mức tương đương nhau nhưng không được vượt quá khung giá bán buôn điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Khi giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh theo các thông số đầu vào cơ bản thì Hội đồng thành viên xem xét, quyết định điều chỉnh giá bán buôn điện cho các Tổng công ty điện lực trong phạm vi khung giá bán buôn điện do Bộ Công Thương phê duyệt.
Căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh hằng năm, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia xây dựng kế hoạch giá truyền tải hàng năm trình EVN xem xét, thông qua, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt.
Giá bán lẻ điện được điều chỉnh theo sự biến động của các yếu tố đầu vào và theo cơ chế thị trường; nguyên tắc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh giá bán lẻ điện thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ bình ổn giá điện là quỹ tài chính được hình thành từ các nguồn hợp pháp theo quy định, không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, để phục vụ mục đích bình ổn giá điện. Việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
QUẢN LÝ VỐN EVN ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP KHÁC
Điều 43. Quyền và nghĩa vụ của EVN đối với vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác
1. Hội đồng thành viên EVN thực hiện các quyền và nghĩa vụ của:
a) Chủ sở hữu tại các Công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ.
b) Chủ sở hữu cổ phần, vốn góp tại các công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng thành viên EVN thực hiện quyền và nghĩa vụ của EVN trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác bao gồm các nội dung sau đây:
a) Quyết định đầu tư, góp vốn; tăng, giảm vốn đầu tư hoặc cổ phần hoặc vốn góp theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ của Công ty mà EVN có cổ phần, vốn góp.
b) Quyết định cử, thay đổi, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của EVN tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác; giới thiệu Người đại diện ứng cử vào Ban quản lý điều hành của các công ty có vốn góp, cổ phần của EVN phù hợp với các quy định tại Điều lệ của công ty và pháp luật liên quan tại Việt Nam và ở nước ngoài.
c) Quyết định giao số cổ phần, vốn góp tương ứng với số phiếu biểu quyết cho từng Người đại diện tại doanh nghiệp khác.
d) Giao nhiệm vụ và chỉ đạo, yêu cầu Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác:
- Định hướng công ty thực hiện các mục tiêu và kế hoạch phối hợp đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN.
- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, kết quả đầu tư, sản xuất kinh doanh và các nội dung khác.
- Báo cáo những vấn đề quan trọng của công ty có cổ phần, vốn góp của EVN để xin ý kiến trước khi biểu quyết.
- Báo cáo việc sử dụng cổ phần, vốn góp, thị trường, bí quyết công nghệ và những vấn đề khác để phục vụ định hướng phát triển và mục tiêu của EVN.
đ) Giải quyết những đề nghị của Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của EVN tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
e) Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn góp ở các Công ty con, Công ty liên kết và doanh nghiệp khác. EVN quyết định việc sử dụng phần vốn và lãi thu về từ doanh nghiệp khác để phục vụ cho các mục tiêu đầu tư, kinh doanh của EVN. Trường hợp tổ chức lại EVN thì việc quản lý phần vốn góp, cổ phần này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
g) Kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn của EVN và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của EVN tại các công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
h) Các quyền hạn và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 44. Quyền và nghĩa vụ của Người đại diện của EVN tại doanh nghiệp khác
1. Người đại diện cho EVN thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, bên góp vốn, bên liên doanh tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác. Trường hợp EVN nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối của công ty con, thì Người đại diện sử dụng quyền chi phối để định hướng công ty con thực hiện mục tiêu chiến lược và những vấn đề quan trọng khác do EVN giao.
2. Tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành của công ty con, công ty liên kết theo Điều lệ của doanh nghiệp đó.
3. Theo dõi, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp. Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của EVN về tình hình kết quả hoạt động kinh doanh, vấn đề tài chính của công ty con, việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng thành viên EVN giao.
4. Theo dõi, đôn đốc và thực hiện thu hồi vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác gồm: Vốn cho người lao động vay để mua cổ phần, bán chịu cổ phần cho người lao động, chia cổ phần cho người lao động để hưởng cổ tức, chuyển nhượng cổ phần của nhà nước, thu hồi cổ tức, các lợi ích và các khoản được chia khác từ vốn góp vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN về tình hình thực hiện, kết quả hoạt động kinh doanh, tài chính và tình hình hoạt động, hiệu quả sử dụng phần vốn góp của EVN tại các công ty có cổ phần, vốn góp của EVN.
6. Thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng thành viên EVN giao.
7. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên EVN về quản lý phần vốn góp, hiệu quả sử dụng vốn góp của EVN tại doanh nghiệp được giao trực tiếp quản lý phần vốn góp và việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ do Chủ sở hữu giao. Trường hợp Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, Người theo dõi phần vốn của EVN tại doanh nghiệp khác không bảo toàn và phát triển được vốn của EVN tại doanh nghiệp khác mà lỗi được xác định là do chủ quan gây nên thì những người này phải bồi thường thiệt hại cho EVN và chịu các hình thức kỷ luật phù hợp khác theo quy định của EVN và của pháp luật.
8. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ của doanh nghiệp được giao trực tiếp quản lý phần vốn góp của EVN và nhiệm vụ do EVN giao.
9. Người đại diện phải thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh một cách cẩn trọng theo đúng chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN, nhất là trong trường hợp là cổ đông, bên góp vốn chi phối.
10. Người đại diện được quyết định các vấn đề của công ty con, công ty liên kết do mình làm đại diện phần vốn theo phân cấp của Hội đồng thành viên EVN và chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên EVN.
11. Người đại diện phải xin ý kiến bằng văn bản để Hội đồng thành viên EVN có nghị quyết hoặc quyết định trước khi tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng thành viên của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác về các nội dung sau:
a) Phương hướng, chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, kinh doanh dài hạn và hàng năm của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
c) Sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
d) Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
đ) Phương án chia lợi tức của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
e) Mua, bán tài sản hoặc huy động vốn giá trị lớn cần có biểu quyết của cổ đông hoặc bên góp vốn và các nội dung khác theo quy định của EVN.
g) Trường hợp nhiều người cùng là đại diện của EVN tham gia Hội đồng thành viên của công ty có cổ phần, vốn góp của EVN thì Hội đồng thành viên chỉ định người phụ trách để chủ trì tổ chức bàn bạc, thống nhất ý kiến và xin ý kiến của Hội đồng thành viên EVN trước khi biểu quyết.
h) Người đại diện tham gia ban quản lý điều hành doanh nghiệp khác phải nghiên cứu đề xuất phương hướng, biện pháp hoạt động của mình tại doanh nghiệp khác để trình Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.
i) Người đại diện tại công ty con có cổ phần, vốn góp chi phối của EVN phải có trách nhiệm hướng dẫn công ty con đi đúng mục tiêu, định hướng của EVN và Nhà nước, sử dụng quyền chi phối hoặc phủ quyết để quyết định việc bổ sung ngành nghề kinh doanh tại doanh nghiệp khác. Khi phát hiện doanh nghiệp đi chệch mục tiêu, định hướng của EVN, Nhà nước phải báo cáo ngay EVN. Sau khi được đại diện chủ sở hữu vốn thông qua cần tổ chức thực hiện ngay để nhanh chóng hướng công ty con đi đúng mục tiêu, định hướng đã xác định.
12. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Người đại diện EVN tại doanh nghiệp khác: Thực hiện theo Quy chế nội bộ do EVN xây dựng phù hợp các quy định hiện hành của Chính phủ hướng dẫn về việc trích lập, quản lý quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
13. Người đại diện ngoài việc tuân thủ các quy định tại Quy chế này còn phải tuân thủ các quy định khác của EVN có liên quan đến Người đại diện.
14. Trường hợp Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, Người theo dõi phần vốn của EVN tại doanh nghiệp khác không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, lợi dụng quyền đại diện phần vốn góp hoặc cổ phần, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho EVN và doanh nghiệp khác thì phải chịu trách nhiệm về sai phạm và bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Điều 45. Kiểm soát viên tại EVN
1. Kiểm soát viên tại EVN hoạt động theo Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ban hành kèm theo Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2. EVN cử Kiểm soát viên tại các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ theo các quy định hiện hành.
Điều 46. Chế độ và chỉ tiêu báo cáo
1. Trên cơ sở báo cáo tài chính và các báo cáo khác của doanh nghiệp, Người đại diện có trách nhiệm lập Hồ sơ doanh nghiệp, lập báo cáo một số chỉ tiêu tài chính hàng quý, năm bao gồm cả phần phân tích đánh giá tình hình quản lý và sử dụng vốn tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán, kết quả kinh doanh, việc phân chia lợi tức và các quyền lợi khác, kiến nghị đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy có hiệu quả vốn EVN tại doanh nghiệp khác để trình Hội đồng thành viên EVN xem xét, phê duyệt. Nội dung báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ báo cáo đối với Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Nơi nhận báo cáo và thời hạn báo cáo: Hàng quý (chậm nhất là ngày 30 tháng đầu tiên quý sau), hàng năm (chậm nhất là ngày 15 tháng 4 của năm sau), Người đại diện có trách nhiệm gửi báo cáo với đầy đủ nội dung nêu tại Khoản 1 Điều này cho Hội đồng thành viên EVN.
3. Ngoài các báo cáo theo định kỳ nêu trên Ngươi đại diện phải báo cáo Hội đồng thành viên EVN về tình hình doanh nghiệp trong các trường hợp có những vấn đề lớn phát sinh ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và vốn đầu tư của EVN cần có ý kiến của Hội đồng thành viên EVN hoặc khi Hội đồng thành viên EVN yêu cầu.
4. Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm:
a) Trên cơ sở các báo cáo định kỳ của Người đại diện, Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Quy chế này.
b) Định kỳ quý, năm tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo của Người đại diện theo từng loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần và các loại hình công ty khác theo quy định của pháp luật có kèm theo phân tích đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính doanh nghiệp.
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Chế độ khen thưởng, kỷ luật về quản lý tài chính đối với thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và trưởng các phòng ban chức năng và thành viên khác trong EVN được thực hiện theo quy định của Quy chế này và các quy định hiện hành của Nhà nước.
1. Ngoài các quy định tại Quy chế này, EVN được áp dụng các quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Căn cứ vào Quy chế này và pháp luật có liên quan, Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm xây dựng các quy chế tài chính nội bộ để tổ chức công tác quản lý tài chính của các công ty con và các đơn vị trực thuộc của EVN cho phù hợp./.
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 82/2014/ND-CP |
Hanoi, August 25, 2014 |
PROMULGATING STATUTE ON FINANCIAL MANAGEMENT FOR VIETNAM ELECTRICITY
Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;
Pursuant to the Law on Enterprise dated November 29, 2005;
Pursuant to the Law on Electricity in 2004 and Law on amendments to the Law on Electricity in 2012;
At the request of the Minister of Finance,
The Government promulgates the Statute on financial management for Vietnam Electricity (hereinafter referred to as EVN)
Article 1. Enclosed herewith is the Statute on financial management for EVN
Article 2. This Decree takes effect since October 15, 2014. Regulations on financial management for EVN enclosed with the Minister of Finance’s Decision No. 1876/QĐ-BTC dated August 05, 2011 are hereby annulled.
Article 3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of governmental agencies, presidents of People’s committees of central-affiliated cities and provinces, The Member council, General Director of EVN shall be responsible for executing this Decree./.
|
PP THE GOVERNMENT |
FINANCIAL MANAGEMENT FOR EVN
(Enclosed with the Government’s Decree No. 82/2014/NĐ-CP dated August 25, 2014)
Article 1. Scope and regulated entities
1. This Statute regulates financial management for EVN.
2. EVN shall be responsible for executing regulations of the Statute on financial management for State-owned single member limited companies and managing state capital invested in other businesses according to the Government’s regulations, other law provisions and this Statute.
Article 2. Interpretation of terms
In this Statute, some terms are construed as follows:
1. “Vietnam National Electricity Group” means a group of companies that have independent corporate capacity including:
a) EVN (First-grade business);
b) Scientific research and training units;
c) Subsidiary companies of EVN (Second-grade businesses);
d) Subsidiary companies of the second grade businesses;
dd) Associate businesses of Vietnam National Electricity Corporation;
2. EVN is a parent company that belongs to Vietnam National Electricity Group and organized in the form of state-owned single member limited companies under the Prime Minister's Decision No. 975/QĐ-TTg dated June 25, 2010.
3. “Units affiliated to EVN” mean EVN-affiliated cost-accounting units including public service units (training schools, research institutes, centers), for-profit and not-for-profit affiliates and other units that are established under decision of competent agencies.
4. “Subsidiaries of EVN” mean corporations, independent cost-accounting companies with 100% of charter capital, or shares, dominant contributed capital or other dominant powers being held by EVN and organized in the form of single member limited companies, limited liability companies from two members and over, joint-stock companies, joint-venture companies, foreign-based companies and other types of companies according to law provisions.
5. “Associate companies of EVN” means companies that own shares, contributed capital below dominant level of EVN and are bound by interests and obligations with EVN by proportion of capital contribution or by a contract with EVN.
6. “Member units of EVN” include affiliates and subsidiaries.
7. “Charter capital of EVN” means the capital invested by the State and recorded in EVN’s Charter of organization and operation.
8. “Shares, dominant capital contributed by EVN” mean shares or contributed capital owned by EVN accounting for more than 50% of the charter capital of such business or other proportions according to law provisions or Statute of such business.
9. “Dominant powers of EVN” mean the powers of EVN over other businesses including at least one of the following powers:
a) Power of sole proprietorship;
b) Power of shareholders, members holding dominant contributed capital of a business
c) Direct or indirect power to appoint majority or all of members of the Board of Directors, or the Member council, General director of a business;
d) Powers to make decision on approval, amendments and supplements to Statute of a business;
dd) Other cases of dominance as agreed between EVN and dominated businesses and recorded in the Statute of dominated business.
10. “Authorized representatives of EVN’s contributed capital invested in subsidiary companies, associate companies” mean persons who represent EVN’s Member council to manage shares or capital invested in such subsidiary companies, associate companies (hereinafter referred to as “Representatives”).
Other terms stated in this Statute and interpreted in Civil Code, the Law on Enterprise and other legislative documents shall have the meanings interpreted in such documents.
The State is the Owner of EVN. The Government shall unify management and organization of the exercise of rights and obligations of EVN's state owner.
THE STATUTE ON FINANCIAL MANAGEMENT FOR EVN
Section 1. MANAGEMENT AND USE OF CAPITAL
1. EVN’s capital includes capital invested in EVN by the State, mobilized by EVN and other types of capital as prescribed.
2. Charter capital
a) Charter capital of EVN recorded in EVN’s Charter of organization and operation is approved by the Prime Minister.
b) Charter capital of EVN shall be revised up during the operation according to law provisions and procedures for revisions to charter capital shall be prescribed by the Government.
c) Additional sources to EVN's charter capital are from development investment funds and other additional sources (if any). In case the enterprise arrangement support fund at EVN is used as additional sources to the charter capital, it must be approved in writing by the Prime Minister.
Article 5. Rights and obligations of EVN for using capital and funds managed by EVN
1. EVN is entitled to use the state-invested capital, other types of capital and funds managed by EVN for its business activities according to law provisions and the Owner’s decisions; carry out effective management, use, preservation and development of the capital; make timely report to the Owner and the Ministry of Finance on business performance and violations as prescribed.
2. Use of capital, funds for investment must conform with the Law on Management of Investment and Construction.
Article 6. Capital mobilization
1. EVN is entitled to mobilize capital from organizations and individuals at home and abroad as prescribed to meet EVN’s demand for capital and responsible for using mobilized capital and refunding all principal and interest to creditors as committed by EVN. Mobilization of capital by EVN must guarantee debt-to-equity rate is not in excess of three including guaranteed loans (in case of businesses contributed in capital by EVN).
2. Manner of capital mobilization: issuance of bonds, treasury bills, exchange bills; loans from credit institutions, financial institutions, organizations and individuals, employees and other manners of mobilization as prescribed by the laws.
3. EVN is not entitled to mobilize capital for investment in securities, banking, insurance, investment funds, real estates and finance.
4. EVN is entitled to mobilize idle capital from subsidiary companies 100% owned by EVN in charter capital. In case EVN mobilizes capital from businesses with contributed capital less than 100% of the charter capital, a written agreement must be reached with these businesses.
Upon capital mobilization, the two parties must negotiate on interest rates that are not higher than market interest rate at the time of mobilization under the Statute on capital mobilization promulgated by EVN.
5. EVN is entitled to guarantee loans from banks or credit institutions for subsidiary companies 100% owned in charter capital by EVN according to law provisions. Total value of all guaranteed loans for one subsidiary company 100% owned in charter capital by EVN (excluding loans provided by EVN) shall not be in excess of value of the capital contributed to such company by EVN.
In case businesses contributed in capital by EVN need a guaranteed loan, EVN shall be entitled to guarantee in following principle: Proportion of each guaranteed loan shall not exceed proportion of the capital contributed by EVN to the business and total value of guaranteed loans shall not exceed actual contributed capital invested in such company by EVN.
Total value of all guaranteed loans for subsidiary companies 100% owned in charter capital by EVN and businesses contributed in capital by EVN shall not exceed EVN’s owner equity and at the same time ensure debt-to-equity rate as prescribed in Clause 1 of this Article. EVN shall be responsible for monitoring use of loans and payment of debt by businesses.
6. EVN is permitted to mobilize preferential loan capital under the decision of the Prime Minister for investment in electricity projects, projects on renovation of rural medium and low-voltage electrical grids and electrical grids handed over by other organizations.
7. EVN is supported by state budget for investment in electricity projects serving social security, National defense and security under the decision of the Prime Minister.
8. EVN shall carry out the transfer of owner's investments from member units (100% owned in charter capital by EVN) to EVN when charter capital is lower than equity as determined in member units’ most recent financial reports if such units do not need to make upward revision of charter capital but ensure equity in member units is not lower than charter capital at the time of transfer.
9. Authorities to approve plan for capital mobilization:
a) EVN is entitled to mobilize capital to serve production and business, ensuring debt-to-equity rate is not in excess of three including guaranteed loans (in case of businesses contributed in capital by EVN) Of which, the Member council decides a plan to mobilize no more than 30% of EVN's charter capital or a smaller proportion as prescribed in EVN’s Statute. The Member council shall assign General Director to decide the plan for capital mobilization according to EVN’s regulations on internal decentralization.
b) In case the demand for capital mobilization of EVN exceeds the level as prescribed in Point a of this Clause for important projects, the Owner must be reported for consideration and decision on the basis that such projects must ensure solvency and efficiency.
Article 7. Management of liabilities
1. EVN shall be responsible for following up all liabilities including payable interests, information related to penalties for delayed payment, lenders and payment of liabilities within the prescribed time. Carrying out regular examination, assessment and analysis of its solvency, early detection of difficulties in the payment of liabilities to come up with quick solutions, ensuring no generation of overdue debts.
2. Payable foreign currency exchange differences arising in the period, exchange differences as a result of re-assessment of payable outstanding foreign currency debt at the end of fiscal year shall be handled as prescribed in Article 23 hereof.
Article 8. Management of invested capital for construction
1. Management of capital during the investment and construction from investment preparation, implementation to completion and putting the works into operation must ensure compliance with state regulations and EVN’s internal regulations.
2. Leaders of EVN and affiliates shall be responsible for activities of investment in fundamental construction arising at the unit and figures, documents, invoices and vouchers in connection with financial statement, final settlement of invested capital for completely constructed works, upgraded works. Heads of units shall carry out supervision and assessment of efficiency of their own operation under current supervision regulations.
Article 9. Preservation of state capital
1. EVN must ensure effective management and use of state capital, preserve and develop capital as prescribed by the laws.
2. EVN shall carry out preservation of capital as follows:
a) Comply with regulations on management and use of capital, assets, distribution of profits and other financial and accounting regimes.
b) Purchase property insurance as prescribed by the laws;
c) Handle lost property value, doubtful debts in a timely manner and establish the following loan loss provisions:
- Provision against devaluation of goods in stock;
- Provision against doubtful receivable accounts;
- Provision against devaluation of long-term financial investments;
- Provision for warranty of products, goods, works and installations;
d) Other measures for preservation of equity at businesses as prescribed by the laws.
3. EVN shall carry out assessment of criteria and level of preservation of capital as prescribed. In case equity can not be preserved, the Member council must send a written explanation to the Owner and the Ministry of Finance of the causes and propose solutions for the next time.
4. When level of capital preservation is assessed, EVN shall be immune to effects caused by:
a) Transfer of equity carried out by the State.
b) Force majeure events (Natural disasters, diseases and wars...).
c) Investment for expansion of production according to the planning, plan approved by competent authorities that have effects on profits since the Works have put into operation.
d) Changes of structure of output and price of electricity versus the price plan approved by competent authorities;
dd) Revisions made to price by the State (for products valuated by the State) that has effects on EVN’s revenue or implementation of socio-economic targets as directed by the Government;
e) Exchange differences included in the electricity price plan;
Article 10. Investments outside EVN
1. EVN is entitled to use its capital to invest in industries as prescribed in EVN's Statute of Operation. Investment of capital outside EVN must be in compliance with law provisions and ensure efficiency, preservation and development of capital, increase of income and no change to EVN’s operation objectives.
2. Investment of capital outside EVN in connection with land must be in compliance with the Law on Land.
3. EVN is not entitled to receive investments or capital from its subsidiary companies, subsidiary companies of enterprises of second and over grades; subsidiary companies 100% owned in charter capital by EVN are not permitted to buy shares when EVN-affiliated units are equitized.
4. EVN is not entitled to contribute capital or make investment in real estate, contribute capital or buy shares at banks, insurance companies, securities companies, risk investment funds, securities investment funds or securities investment companies except otherwise as regulated by the Prime Minister.
5. Manners of investment outside EVN must conform with law provisions including:
a) Contribution of capital, purchase of shares for the establishment of joint-stock company, limited liability companies; contribution of capital under business cooperation contract without establishment of a new legal entity;
b) Purchase of shares or contribution of capital to other businesses operating in the area of electrical energy;
c) Acquisition of other businesses for establishment of a new legal entity;
d) Other manners of investment outside EVN as prescribed by the laws;
6. Authorities to decide investment of capital outside EVN:
a) The Prime Minister, the Minister of Industry and Trade within their competence shall decide contribution of capital to form a joint-venture business with foreign investors in Vietnam; make investment or contribute capital to form a business abroad; acquire businesses of other economic sectors; make investment in established businesses to carry out regular and stable production of public products and services serving National defense and security; and other investment projects beyond the competence of the Member council.
b) The Member council of EVN shall make decisions on investment projects outside EVN after the Owner has approved the policies.
7. EVN is not permitted to make investment or contribute capital to businesses key owners or managers thereto are spouses, fathers, mothers, sons, daughters, brothers, sisters of Chairman and members of the Member council, controllers, Board of General Director and Chief Accountant of EVN.
8. EVN shall exercise its rights and responsibilities of the owner for the capital invested in subsidiary companies, associate companies as prescribed by the laws.
1. For credit contracts executed by EVN for investment in electrical works that are then transferred to subsidiary companies, associate companies under the decision of the Prime Minister or the Ministry of Industry and Trade, EVN must negotiate with lending organizations or guarantors on changing name of the borrower as EVN into name of borrower as subsidiary companies, associate companies that receive the works from EVN (hereinafter referred to as the receiving company). In case changing name of borrower in the credit contract is not agreed by lending organizations or guarantors, EVN may carry out an on-lending agreement with the receiving company according to law provisions.
2. On-lending interest rates between EVN and the receiving company are based on interest rate of the credit contract signed between EVN and credit institutions with the inclusion of on-lending fees as agreed between the lender and borrower.
3. On-lending loans as prescribed in this Article shall not be included in the investments outside EVN.
4. EVN must carry out regular inspection, monitoring and forecasts about financial situations and solvency of the receiving company to make a timely decision on collection of debt.
Article 12. Outward investment
EVN is permitted to make outward investment for electrical works in accordance with regulations on outward investment and other relevant law provisions including the following issues:
1. Activities aimed at providing direct or indirect support for the investment of electrical projects abroad including:
a) Market research and investment opportunities;
b) Field survey;
c) Study of documents
d) Collect and buy documents, information in connection with selection of electrical projects;
dd) Compilation, assessment and appraisal including hire of consultants for assessment and appraisal;
e) Participation and organization of scientific workshops, conferences;
g) Operation of representative offices, contact offices, branches and foreign-based management offices of EVN in connection with formation of electrical projects;
h) Participation in international competitive bidding;
i) Negotiation on electricity contracts;
k) Other necessary activities;
2. Electrical projects invested abroad are formed through the following manners:
a) 100% of EVN’s capital invested in electrical projects;
b) Contribution of capital for the establishment of a new legal entity for investment in electrical projects abroad;
c) Cooperation contracts for electrical projects;
d) Receiving transfer of benefits participating in electrical project contracts;
dd) Receiving transfer of part or whole of electricity production and trading company
e) Other manners of investment as prescribed by the laws;
3. Investment incentives for outward investment projects are instructed in accordance with applicable regulations.
Section 2. MANAGEMENT AND USE OF ASSETS
1. Assets of EVN include short-term assets (money, inventories, and other short-term assets) and long-term assets (fixed assets, investment real estate, long-term receivable accounts and other long-term assets).
2. EVN must build the Statute on management and use of assets to ensure effective use of assets, prevent waste, congestion, losses, quality degradation, technical obsolescence; organize cost-accounting and make adequate, accurate and timely reflection; conduct inventory and checks regularly or at the request of the Owner; make investment in fixed assets, manage and use property as prescribed.
3. EVN is entitled to transfer assets for production and trading, or for the re-structuring plan decided by the Prime Minister including electricity system, materials, equipment pertaining to businesses 100% owned in charter capital by EVN.
The transfer of these assets is done in the form of increase or decrease in owner’s investments.
In case of the transfer of assets formed from on-lending loans from the Government, Government-guaranteed loans that are outstanding loans, it is required to obtain approval from sponsors (with respect to on-lending loans from the Government) or from lenders (with respect to Government-guaranteed loans).
Article 14. Investment, construction and procurement of fixed assets
EVN must build plans for five-year development projects including investment projects from group B and over according to the laws on management of construction investment projects or smaller scale as prescribed in EVN’s Statute and make the submission to the Owner for approval.
1. Authorities to decide projects for investment, construction and procurement of fixed assets by EVN:
a) The Member council of EVN shall make decisions on projects for investment, construction and procurement of fixed assets valued less than 30% of EVN’s charter capital but no more than level of group B as prescribed in the laws on management of construction investment projects.
Particularly for pressing power source and grid projects on the list approved by the Prime Minister, the Prime Minister, the Minister of Industry and Trade shall make decision or authorize EVN’s Member council to make decision on investment and take responsibility for such authorization.
EVN’s Member council shall give power to General Director on projects of investment, construction and procurement of fixed assets within the authority of the Member council.
b) Sequence, procedures for investment, construction and procurement of fixed assets are prescribed in the laws on management of construction investment projects.
2. Investment and procurement of means of transport serving operation of EVN:
Titles as managers who use means of transport to travel from residence to office, for business trips or for general tasks of EVN are prescribed under the decision of the Prime Minister. Equipment or replacement of means of transport shall be decided by EVN’s Member council according to the level stipulated by the Prime Minister.
3. Persons who make decision on investment, construction and procurement of fixed assets shall be responsible for non-conformity, technical obsolescence in the investment, construction and procurement of fixed assets.
Article 15. Fixed asset depreciation
1. EVN shall make deductions for fixed asset depreciation as prescribed by the Ministry of Finance.
2. General Director of EVN shall decide on specific level of deduction as prescribed by the Ministry of Finance.
3. Use of depreciation for investment and construction must conform with the laws on management of investment and construction.
4. EVN shall manage, use capital of depreciation of fixed assets invested in the affiliates by EVN.
5. Depreciation for some special cases:
a) For fixed assets subject to re-valuation under the decision of competent authorities, EVN shall take the initiative in building a new level of deduction according to the frame stipulated by the Ministry of Finance and make registration again with Tax Agency.
b) For any project with part of its fixed assets being upgraded, EVN shall re-determine technical useful life and new time of depreciation according to applicable regulations after the upgrading is completed.
c) For hydro-power plants, time of depreciation is calculated after 72 hours of trial operation and in the state of being ready for use.
d) For other electrical projects, time of depreciation is calculated since the project is put into commercial operation.
Đ) For areas used as residence or for managing operation of power plants invested by EVN:
- Depreciation cost for houses used as residence for experts, for managing operation and maintenance, or as residence for employees, workers at power plants shall be entered into power production and business costs. For houses as rental residence for employees, such rent shall be entered into power production costs.
- Depreciation cost for detached houses, duplexes, townhouses, multi-storied apartment buildings and other housing works rented by EVN to households of employees working for power plants shall be not accounted for in power production and business costs. EVN must determine unit price for house rental as prescribed and ensure sufficient compensation for depreciation cost to recover investment capital and expenses for services of management and maintenance of these works. EVN must make a separate entry for this business activity.
Article 16. Lease, mortgaging and pawning of assets
1. EVN is entitled to lease out, mortgage or pawn its assets on the principle of efficiency, preservation and development of capital according to law provisions.
2. EVN’s Member council shall make decision on asset lease contracts valued below 30% of EVN’s charter capital.
3. Authorities to make decision on mortgaging and pawning assets of businesses to obtain loans are prescribed in Article 6 hereof.
4. Use of assets for mortgaging and pawning must conform with regulations of Civil Code and other law provisions.
Article 17. Disposal, sale of assets
1. EVN is entitled to carry out sale or disposal of assets that are damaged, technically obsolete, degraded in quality, no longer needed or unusable for recovery of capital on the principle of public disclosure, transparency and preservation of capital In case of disposal, sale of assets formed from on-lending loans from the Government, Government-guaranteed loans that are outstanding loans, it is required to obtain approval from sponsors (with respect to on-lending loans from the Government) or from lenders (with respect to Government-guaranteed loans) and suggestions from the Ministry of Finance.
2. Authorities to make decision on disposal, sale of fixed assets:
a) EVN’s Member council shall make decision on plans for disposal, sale of assets valued below 30% of EVN’s charter capital but no more than the level of group-B projects. Plans for disposal and sale of fixed assets valued higher than level assigned to the Member council, the Member council shall make the report to the Owner for decision.
b) In case the plan for sale, disposal of fixed assets is inadequate to recover investment capital, EVN must make a written explanation of the reasons and submission to the Ministry of Industry and Trade and the Ministry of Finance before sale of fixed assets for monitoring.
c) Particularly for recently invested fixed assets (no more than three years) that do not yield economic efficiency as stated in the initially approved plan and are no longer needed by EVN while sale of such assets is inadequate to recover investment capital making EVN fall in default under the loan contract, the accountability of those concerned must be investigated and reported to the Prime Minister for consideration and handling as prescribed by the laws.
3. Method of disposal, sale of fixed assets: Sale of fixed assets is conducted in the form of auction through an asset auction organization or organized by EVN itself in accordance with sequence and procedures as prescribed in the Law on Asset Auction. In case sale, disposal of fixed assets with remaining value below VND 100 million as recorded in the accounting book, General Director of EVN shall decide either auction or negotiation but ensure price is not lower than market price.
In case fixed assets are not traded in the market, EVN is permitted to hire a valuation organization to carry out valuation of assets as foundations for sale according to aforementioned method.
4. Disposal, sale of land-linked assets must be done in accordance with the Law on Land.
5. Sequence and procedures for disposal, sale of assets are in accordance with applicable regulations.
Article 18. Transfer of capital investments outside EVN
The transfer of capital investments outside EVN is instructed in accordance with the Law on Enterprise, the Law on Securities and applicable regulations as follows:
1. Method of transfer:
Depending on manner of capital contribution, EVN shall carry out the transfer of capital investments in accordance with law provisions, Statute of the business and commitments to the business cooperation contract signed between the parties.
a) The transfer of capital investments from single member limited companies or limited liability companies from two members and over to form a multi-member limited liability company is instructed in accordance with the Law on Enterprise. The transfer of capital must reflect actual value of state capital invested in businesses including value of land use right according to law provisions.
b) For the transfer of capital investments from joint-stock companies listed on securities market or registered on UPCOM trading floor, EVN is entitled to proactively perform methods of order matching, auction, negotiations or competitive bidding but ensure the price is not lower than market price at the time of selling.
c) For the transfer of capital investments from unlisted joint-stock companies, EVN shall carry out the auction on the principle of public disclosure, transparency and preservation of capital. as follows:
In case the transfer of capital investments with face value from VND 10 billion and over is made, an auction must be organized through the Stock Exchange. In case the transfer of financial investments with face value from below VND 10 billion is made, EVN is entitled to hire an intermediate financial institution (securities companies) to conduct an auction or organize it itself, or conduct an auction through the Stock Exchange.
Negotiation on transfer of capital investments shall be conducted after an open auction with only one buyer and must ensure the price is close to the market price at the time of selling; in this case, the market price at the time of selling must be based on quotation from at least three securities companies that conduct securities trading for joint-stock companies contributed in capital by EVN. In case no trading is conducted, the price should not be lower the price recorded in EVN's accounting book.
2. EVN’s Member council shall make decision on the transfer of capital investments from other businesses within its competence as prescribed by the laws. The transferred price is based on the principle of market price but no less than the price recorded in EVN’s accounting book.
3. In case the transferred price is lower than the value recorded in EVN’s accounting book, EVN must make the report to the Owner for consideration and decision.
Article 19. Management of inventory
1. Inventory is the goods purchased to re-sell by EVN that are still in stock, raw materials, tools, equipment in stock or on the way to stores, unfinished products in the process of production, finished products not yet stocked, finished products in stock and on sale.
2. EVN is entitled to take the initiative in carrying out immediate handling of the inventory that is poor and degraded in quality, old-fashioned, technically obsolete, congested or poorly-circulated for the recovery of capital. Authorities to make decision on the handling are prescribed in Clause 2, Article 17 hereof.
3. At the end of the accounting period, if original price of the inventory recorded in the accounting book is higher than recoverable net worth, EVN must establish the provision against devaluation of goods in stock as prescribed.
4. General Director of EVN shall be responsible for building norms of materials, strategic provisional equipment; norms of provisional raw materials for production and making the submission to the Member council for approval and at the same time organizing implementation, inspection and monitoring of the implementation of the approved norms.
Article 20. Management of receivable accounts
1. Responsibilities of EVN:
a) Formulate and issue the Statute on management of receivable accounts, assign and define responsibilities of collectives, individuals for monitoring collection and payment of debts;
b) Monitor logbooks of debts; classify debts (rotation debt, bad debts, and doubtful debts), speed up recovery of debts; Establish the provision against doubtful debts according to applicable regulations;
c) The Member council, General Director of EVN shall be responsible for performing immediate handling of bad and doubtful debts. If bad debts can not be handled in a timely manner as prescribed in this Clause, the Member council, General Director shall be subject to dismissal the same way as falsifying financial reports from two times and over or be responsible to the Owner and the Law for any loss of state capital invested in EVN as a result of failure to handle such debts.
d) For bad debts being handled as above, EVN shall still keep track outside the balance-sheet and organize collection. The recovered amount shall be entered into EVN’s earnings;
2. Authorities of EVN:
EVN is entitled to sell overdue debts, doubtful and bad debts for recovery of capital. EVN is permitted to sell debts direct to economic organizations of debt purchase function other than debt-collectors. Price of debts shall be negotiated and also responsibilities of the parties. In case sale of debts results in losses, loss of capital or loss of creditworthiness, dissolution or bankruptcy, EVN’s Member council and persons in direct connection with generation of these debts shall make compensations and be handled according to law provisions and EVN’s Statute.
Article 21. Tallying of assets
1. EVN must conduct regular or irregular tallying to determine amount of assets (fixed assets and long-term investment, current assets and short-term investment), compare receivable accounts and payable accounts in the formulation of yearly financial reports, implementation of decision on division, splitting, merge, consolidation or change of ownership; after natural disasters, enemy-inflicted destruction; or for some reason that cause changes to EVN’s assets or according to the State’s regulations. Make statistical reports on asset surplus or shortage, bad debts, overdue debts, responsibilities of relevant organizations and individuals and level of material compensation as prescribed.
2. Handling of tallying
a) Handle loss of assets after tallying
Loss of assets is the assets being lost, in deficit, damaged, degraded in quality, technically obsolete, old-fashioned, congested and determined during the regular or irregular tallying EVN must determine value of losses, causes and responsibilities for handling as follows:
- If the cause is subjective, the person who causes the loss shall make compensation and be handled by the laws. The Member council shall decide level of compensation according to law provisions and be responsible for its decision.
- Any asset that is insured under a contract of insurance shall be handled under the contract.
- After value of losses is compensated by individuals, collectives or insurance organizations, the deficit shall be recorded in production and business costs in the period.
- In case losses are caused by natural disasters or force majeure events out of control of businesses, the Member council shall formulate the plan for handling and make the submission to the Prime Minister for consideration.
- EVN shall be responsible for performing immediate handling of losses or else the Member council, General Director shall be held accountable the same way as falsifying financial reports.
b) Surplus of asset after tallying
Surplus of asset after tallying is the difference between the amount of asset actually tallied and the amount of asset recorded in accounting books. Value of such surplus shall be recorded in the business’ receipts.
Article 22. Re-assessment of assets
1. EVN shall conduct re-assessment of assets in the following cases:
a) As decided by competent state agencies;
b) Change of business ownership: equitization, sale or change of business ownership in other forms.
c) Use of assets to make investment outside EVN;
d) Other cases as prescribed;
2. Re-assessment of assets must be done in accordance with the State’s regulations. Any difference arising from re-assessment of assets as prescribed in Clause 1 of this Article shall be instructed in accordance with each specific case.
Article 23. Exchange differences
Exchange differences shall be handled in accordance with regulations of the Ministry of Finance. Particularly for electrical projects within the national electricity development planning approved by the Prime Minister, the exchange difference arising during the investment shall be reflected in accumulation and entered into the expenditure for no more than five years since the project is put into operation.
Section 3. REVENUE, EXPENDITURE AND BUSINESS PERFORMANCE
Article 24. Revenue and other receipts
1. EVN’s revenue and other receipts are determined in accordance with accounting standards and other applicable legislative documents.
2. Revenue includes revenues from production, business and financial activities of which:
a) Revenues from business include revenues from sale of electricity to electricity suppliers, electricity generation companies and other units, state subsidy (if any) to EVN for supply of electricity as assigned by the State, revenues from renting out electrical posts.
b) Revenues from financial activities include revenues from copyright royalties paid by users of EVN’s property, loan interests, deposit interests, installment payment interests and finance lease interests; interest differences from sale of foreign currency, foreign currency exchange differences including exchange differences of payable accounts in foreign current with exchange rates at the time of financial statement being lower than exchange rate recorded in accounting books; receipts from transfer of EVN's capital to other businesses; profits and dividends from investments outside EVN.
3. Other revenues include revenues from disposal and sale of fixed assets, surplus assets, compensated insurance benefits, payable accounts (with creditors having gone), collection of financial penalties due to a breach of contract committed by clients, value of intellectual products accepted by receiver of contributed capital and recognized as revenues of EVN and other receipts according to law provisions.
4. Revenues and other receipts as foundations for determination of enterprise income tax are prescribed in the Law on enterprise income tax and other documents guiding the Law on enterprise income tax.
Article 25. Business performance costs
EVN’s business performance costs (hereinafter referred to as the business performance cost) include expenses arising during business performance in the financial year. The business performance cost includes:
1. Production and business costs:
a) Expenses for raw materials, fuel, motive power, semi-finished products and services hired outside;
b) Expenses for distribution of tools, labor equipment being entered into the business performance cost according to applicable regulations; Particularly for electricity meters, the expenses shall be entered into the business performance cost but no more than five years.
c) Cost of fixed asset depreciation as prescribed in Article 15 hereof;
d) Accrued expenses from the expenses for the repair of special fixed assets (power plants, transformers from 500 KV and over...) If an actual expense for the repair work is higher than an accrued expense, the difference shall be entered into the business performance cost. If an actual expense for the repair work is less than the accrued expense, the difference shall be entered to reduce the business performance cost in the year.
dd) Expenses for repair of fixed assets, remedial work are actual expenses for the restoration of capability and technical functions of fixed assets to their original state. During the repair of fixed assets, it is likely that replacement of equipment, spare parts or components of the asset is made to conform with state-of-the-art technology and meet requirements for production, transmission and distribution of electricity. Large expenses arising from the repair and remedy of the problems caused by objective or force majeure events shall be distributed into the cost of repair or remedial work (no more than three years since such expenses arise).
e) Wages, salaries paid to employees and managers as prescribed;
g) Insurance cost, unemployment insurance, association funds, medical insurance for employees paid by businesses as prescribed;
h) Expenses for financial activities including expenses in connection with financial investment outside businesses; value of transferred capital, interests from mobilized capitals, exchange differences, payment discounts, asset rental.
i) Expenses for medical activities as prescribed;
k) Expenses for employment of security guards for power plants, electrical lines, transformers;
l) Expenses for transaction, brokering, reception of guests, marketing, trade promotion, advertising, conferences as calculated on the principle as prescribed in the Law on enterprise income tax;
m) Expenses for training students to meet demand for workforce of EVN, preparation of workforce for new fields, provision of workforce to EVN’s member units in remote areas on condition that these students are committed to working long-term for EVN after graduation.
n) Expenses for receiving and carrying out the repair of rural medium-, low-voltage electrical grids that are transferred from other organizations to EVN under the decision of the Prime Minister for management and operation, and gradually distributed to the business performance cost but no more than three years.
o) Expenses for rental of electrical posts;
p) Other expenses in cash:
- Taxes, fees, charges according to law provision;
- Land rents;
- Severance pay;
- Training to improve management capacity and professional skills of employees;
- Rewards for innovation, increase of labor productivity, thrift of materials and expenses. Level of reward shall be decided by General Director on the basis of outcome of such activities but no more than the amount of money saved from such activities for one year.
- Expenses for female employees;
- Expenses for environmental protection;
- Expenses for employees’ shift meals;
- Expenses for activities of Communist Party and Youth unions organized at businesses;
- Other expenses in cash as prescribed;
q) Bad debts as prescribed in Clause 1, Article 20; actual value of losses of assets as prescribed in Clause 2, Article 21 hereof;
r) Value of provisions against devaluation of goods in stock, doubtful debts, losses of financial investments, provisions for warranty of products, goods, construction works, and accrued expenses for product warranty, and other provisions as prescribed with respect to businesses operating in areas of special nature.
s) Value of losses of assets after tallying, compensation by individuals, collectives, insurance companies (if any);
2. Other expenses:
a) Expenses for disposal, sale of assets including remaining value of assets when disposal are sale of assets are carried out.
b) Expenses for recovery of debts removed from accounting books;
c) Expenses for collection of financial penalties;
d) Expenses for collection of financial penalties due to a breach of contract
dd) Expenses for schools pertaining to EVN:
- Cost of fixed asset depreciation, loan interests and exchange differences of loans invested by EVN in assets and assigned to schools for management and use;
- Receipt – expense differences for recurrent expenses that can not balanced by schools shall be supported and entered into EVN's business performance cost.
e) Other expenses as prescribed;
3. Any expense that is ensured by other sources or bears no relation to business and production as follows shall be entered into the business performance cost:
a) Expenses for procurement, construction and installation of tangible and intangible fixed assets;
b) Expenses for loan interests entered into the cost of investment and construction;
c) Other expenses that bear no relation to EVN’s business activities and expenses that have no eligible documentary evidence;
d) Financial penalties for legal violations committed by individuals other than EVN;
4. EVN shall determine deductible expenses to calculate taxable income in accordance with enterprise income tax and current guiding documents.
Article 26. Management of expenses
1. EVN’s expenses include expenses for electricity production and business, financial activities and other expenses: EVN must tighten management of expenses to ensure logicality and eligibility according to provisions set out in the Law on Taxation.
2. EVN must carry out formulation, issuance and organization of the implementation of economic and technical norms in accordance with economic-technical characteristics, business specialties, models of organization and management, facilities of EVN. Norms must be disseminated to persons in charge and employees of EVN for execution, inspection and monitoring. In case impossibility of executing the norms results in the increase of expenses, analysis must be carried out to find out the causes and responsibilities for handling according to the State’s regulations and competent authorities. If such cause is subjective, compensation must be made for the loss. Authorities to make decision on level of compensation as prescribed in Clause 2, Article 21 hereof;
3. Annually, EVN shall make analytical reports and comparison between execution and norms of expenses, product cost price and make the submission to the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Finance according to law provisions.
4. EVN’s expenses must ensure sufficiency of appropriate documentary evidence according to law provisions. Any expense found illegitimate, directed toward wrong recipients, having no legitimate documentary evidence shall not be entered into the business performance cost. Any one who decides wrong expenses shall be responsible to the Law for refunding.
Article 27. EVN’s mechanism of managing salaries
1. Scheme of salaries and rewards for employees and managers of EVN is instructed in accordance with the Law.
2. Formulation of salary and reward fund plans, determination of yearly salary and reward funds for employees and managers as prescribed in Clause 1 of this Article must take account of objective factors that affect profits and labor productivity such as natural disasters, enemy-inflicted destruction, droughts; electricity price managed by the State; increase or decrease in state capital; increase of depreciation for quick recovery of capital; implementation of social security programs under the decision of the Government; expansion of production and business, investment in business specialties under the decision of the Prime Minister; execution of the Government’s policies on mechanism, thrift of electricity, reception of rural electrical grids.
Section 4. PROFITS AND DISTRIBUTION OF PROFITS
1. Profits made by EVN in a year are total profits from business activities and profits from other activities.
2. Profits from business activities:
a) Difference between revenue from sale of products, supply of service and total cost price of the entire products, goods to be consumed or cost price of services arising in the period;
b) Difference between revenue from financial activities and expenses for financial activities arising in the period;
3. b) Difference between revenue from financial activities and expenses for financial activities arising in the period;
Section 29. Distribution of profits
Part of the profits after compensation for losses of previous years according to the Law on Enterprise income tax shall be deducted for scientific and technological development fund according to law provisions, paid for enterprise income tax and the remaining part of the profits shall be distributed as follows:
1. Pay dividends to members of associate companies under the contract (if any);
2. Make up for losses of previous years.
3. The remaining profits after entries as prescribed in Clauses 1, 2 of this Article are deducted shall be distributed as follows:
a) Deduction of 30% for development investment funds
b) Deduction for commendation and welfare funds:
-If graded A, a maximum of no more than three months of salary shall be deducted for commendation and welfare funds.
- If graded B, a maximum of no more than one and a half months of salary shall be deducted for commendation and welfare funds.
- If graded C, a maximum of no more one month of salary shall be deducted for commendation and welfare funds.
If not graded, no deduction at all shall be made.
c) Deduction for reward funds intended for managers:
- If graded A, a maximum of no more than one and a half months of salary of a manager shall be deducted.
- If graded B, a maximum of no more than one month of salary of a manager shall be deducted.
- If graded C or not graded at all, no deduction shall be made for the establishment of reward funds intended for managers.
d) In case deduction for commendation and welfare funds is not enough as prescribed in Point b of this Clause, EVN shall deduct part of development investment funds for supplementing commendation and welfare funds but no more than level of deduction for development investment funds in the financial year.
dd) The remaining profits after deductions as prescribed in Points a, b, c, d of this Clause shall be transferred to Enterprise Arrangement and Development Fund or to the State budget according to the Government’s regulations. If EVN needs to make investment in electrical projects according to the approved national electricity development planning, it should make the report to the Prime Minister for consideration and decision.
4. If EVN’s owner equity is higher than its charter capital and EVN needs to make revision for increasing charter capital, it should make a plan for increasing charter capital and make the report to the Owner and the Ministry of Finance for submission to the Prime Minister for consideration and decision. If EVN does not need to increase charter capital, it should make the report to the Ministry of Finance for submission to the Prime Minister for decision on transfer of EVN’s development investment funds to Enterprise Arrangement and Development Fund. EVN shall be responsible for the transfer of money to Enterprise Arrangement and Development Fund within five days since the Prime Minister issues the decision.
1. Businesses’ scientific and technological development funds:
Establishment, management and settlement of use of scientific and technological development funds are instructed by the Ministry of Finance.
2. Development investment funds shall be used to supplement EVN’s charter capital.
3. Commendation fund shall be used to:
a) Reward every personnel of EVN at the end of year or periodically for their labor productivity and achievements;
b) Reward individuals or collectives in an unexpected way;
c) Reward individuals and units outside EVN for great contribution to business activities and management of EVN;
d) Those who receive rewards from commendation fund are all employees from EVN.
dd) EVN's commendation fund shall be not used as rewards for managers of EVN.
e) Level of reward as prescribed in Points a, b, c of this Clause shall be decided by General Director; Particularly for Point a of this Clause, it is required to have suggestions from EVN’s trade association before the decision is made.
4. Welfare fund shall be used for:
a) Investment and construction, or repair of welfare works of EVN;
b) Welfare activities of employees of EVN;
c) Contribution to the investment and construction of common welfare projects of the sector or with other units under a contract.
d) Supporting employees with economic difficulties including those who retire, lose health, fall into difficult and sad situations, or become helpless, or doing charitable work;
Use of welfare funds shall be decided by EVN's Member council after consulting with EVN's trade union.
5. Reward funds intended for managers shall be used as rewards for Chairman and members of the Member council, Board of general directors, Controllers and Chief Accountant of EVN. Level of reward shall be decided by the Owner in association with assessment criteria for these titles and business performance outcomes and on the basis of proposals made by President of the Member council.
6. Establishment and use of aforesaid funds must be accepted by the Owner and shall be executed openly according to regulations on financial transparency and the exercise of grass-root level democracy and state regulations.
7. EVN shall make deductions for rewards from commendation and welfare funds, reward funds intended for managers on condition that all due payable accounts and other financial obligations are fulfilled.
Section 5. FINANCIAL, ACCOUNTING AND AUDITING PLANS
1. Based on production and business development strategy and planning approved by the Owner, EVN shall carry out the formulation of long-term business and financial plans in accordance with orientation decided by the Owner.
2. Annually, based on long-term production and business plan, EVN’s capability and market demands, EVN shall carry out the formulation of production and business plan for the following year and make the submission to the Member council for decision.
3. Based on the production and business plan approved by EVN’s Member council, EVN shall carry out assessment of production and business performance in the reporting year, establish the financial plan for the following year and make the submission to the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment before July 31 annually.
4. The Ministry of Industry and Trade shall preside over and cooperate with the Ministry of Finance in checking the financial plan established by EVN and issue written suggestions to EVN for completion of the financial report. The completed financial plan shall serve as the official plan and also the foundations for the Ministry of Industry and Trade and the Ministry of Finance to supervise and assess the management of business activities by EVN.
Article 32. Accounting and statistical work
1. EVN shall be responsible for issuing regulations on financial accounting and administrative accounting applied to all its affiliates, subsidiary companies and public service units in accordance with applicable regulations; organizing the implementation of the task of accounting and auditing according to law provisions.
2. Associate companies and companies volunteering to associate with EVN are encouraged to apply regulations on financial accounting and administrative accounting issued by EVN.
Article 33. Financial report and other reports
1. At the end of quarterly, annual accounting period, EVN must formulate financial reports, statistical reports of EVN and Vietnam National Electricity Group according to law provisions. EVN’s Member council shall be responsible for accuracy and honesty of such reports.
2. The Ministry of Industry and Trade shall permit the Member council to approve annual financial reports, carry out distribution of profits, establishment and use of funds.
3. Affiliates, subsidiary companies 100% owned in charter capital by EVN, representatives of EVN (that have dominant shares, contributed capital) shall be responsible for executing administrative reports as prescribed by EVN.
4. EVN shall send financial reports and forms as instructed by the Ministry of Finance.
1. Annually, EVN shall hire independent audit organizations to carry out financial audits for EVN (including financial reports of EVN and consolidated financial reports of Vietnam National Electricity Group) and its affiliates.
2. EVN’s affiliates themselves shall hire independent audit organizations within the list of qualified independent audit units announced by the Ministry of Finance to carry out financial audits for their own units. For the units that use loans from foreign individuals or organizations, the written consent of lenders for the selected audit organizations is required.
3. As for companies dominated by EVN in shares, contributed capital, Representatives shall be responsible for requesting such companies to carry out the implementation of auditing in the way as prescribed by EVN.
Article 35. Public financial disclosure
EVN shall exercise its regulations on public financial disclosure according to application regulations
Section 6. SUPERVISION AND ASSESSMENT OF BUSINESS PERFORMANCE
Section 36. Supervision and assessment of business performance
EVN shall carry out the supervision and assessment of business performance by EVN and member units according to the Government’s Decree No. 61/2013/NĐ-CP dated June 25, 2013 promulgating the regulation on financial supervision, performance assessment, and disclosure of financial information applicable to state-owned enterprises and state-capitalized enterprises and other guiding documents.
Section 7. ELECTRICITY PURCHASE AND SALE PRICE
Article 37. Electricity generation cost range
Electricity generation cost range is the distance between minimum cost and maximum cost of electricity generation cost assessed by electricity regulatory agencies and submitted to the Minister of Industry and Trade, the Minister of Finance for approval as assigned by the Government.
2. Based on the approved electricity generation cost range, EVN shall carry out negotiation on electricity price and sign a power purchase agreement (PPA) with generating units. EVN’s Member council has the authority to approve electricity price and Power purchase agreement signed within electricity generation cost range.
Article 38. Electricity purchase price between EVN and generating units
1. Electricity purchase price from generating units 100% owned in capital by EVN;
Based on the electricity generation cost range approved by the Ministry of Industry and Trade, the Member council shall make decision on electricity purchase price under the PPA with generating units in accordance with actual electricity production situations and trading price on competitive electricity market.
2. Electricity purchase price from other generating units;
Electricity purchase price between EVN and other generating units is prescribed in the term PPA and according to trading price on competitive electricity market within the electricity generation cost approved by the Ministry of Industry and Trade.
Article 39. Electricity wholesale price between EVN and electricity distributors
Based on electricity wholesale price range, EVN’s Member council shall make decision on electricity wholesale price for each Power Corporation on the principle that return on equity of Power Corporations are equivalent but no more than the electricity wholesale price range approved by the Minister of Industry and Trade. When average electricity retail price is revised according to fundamental input indicators, the Member council shall carry out consideration and decision on revision of electricity wholesale price for Power Corporations within the electricity wholesale price approved by the Ministry of Industry and Trade.
Article 40. Electricity transmission cost
Based on annual production and business performance, National Power Transmission Corporation shall formulate annual plan for electricity transmission cost and make the submission to EVN for consideration, approval and then submission to the Ministry of Industry and Trade for approval.
Article 41. Electricity retail price
Electricity retail price is revised according to changes of input factors and market mechanism; the formulation and the powers to approve revision of electricity retail price are stipulated by the Prime Minister.
Article 42. Electricity price stabilization fund
Electricity price stabilization fund is the financial fund that is comprised of legal sources as prescribed, lying outside the state budget’s balance-sheet and serve the purpose of electricity price stabilization. Establishment, management and use of Electricity price stabilization fund are instructed by the Ministry of Finance.
MANAGEMENT OF EVN’S CAPITAL INVESTED IN OTHER BUSINESSES
Article 43. Rights and responsibilities of EVN for capital investments in other businesses
1. EVN’s Member council shall assume rights and responsibilities of:
a) Owners of subsidiary companies 100% owned in charter capital by EVN;
b) Share holders, capital contributors to joint-stock companies, joint-venture companies, limited liability companies from two members and over according to law provisions;
2. EVN’s Member council shall assume rights and responsibilities of EVN for the management of state capital invested in subsidiary companies, associate companies and other businesses as follows:
a) Make decision on investment and capital contribution; increase or reduce investment capital, shares or contributed capital according to relevant law provisions and Statute of companies to which EVN is a shareholder, capital contributor.
b) Decide to appoint, change, dismiss, commend or discipline Representatives, controllers, members of the Control Board in subsidiary companies, associate companies and other businesses; appoint Representatives to run for the Management Board of companies contributed in capital, shares by EVN in accordance with corporate Statute and relevant law provisions in Vietnam and abroad.
c) Decide to allocate the number of shares, contributed capital in proportion to the number of votes for each representative in other businesses.
d) Assign, direct and request Representatives, controllers, members of the Control Board at subsidiary companies, associate companies and other businesses to:
- Orient the company to implement EVN’s objectives and plans for investment, production and business;
- Make regular or irregular reports on financial situations, result of investment, production and business, and other issues;
- Report important issues of companies contributed in capital by EVN for suggestions before voting;
- Report use of shares, contributed capital, markets, technological know-how and other issues for serving the orientation of development and objectives of EVN;
dd) Deal with proposals made by Representatives, controllers, members of the Control Board at subsidiary companies, associate companies and other businesses;
e) Collect incomes and take risks for capital invested in subsidiary companies, associate companies and other businesses; EVN decides to use contributed capital and dividends from other businesses to serve EVN’s purpose of investment and business. In EVN is re-organized, the management of these contributed capital, shares shall be carried out in accordance with the Prime Minister’s stipulation.
g) Inspect and monitor use of EVN’s capital and take responsibility for use, preservation and development of EVN’s capital in subsidiary companies, associate companies and other businesses;
h) Other rights and obligations as prescribed;
Article 44. Rights and responsibilities of Representatives in other businesses
1. Representatives shall assume obligations and authorities of shareholders, capital contributors, joint-venture partners in subsidiary companies, associate companies and other businesses. In case EVN holds dominant shares or contributed capital in subsidiary companies, Representatives shall use their dominance to orientate subsidiary companies to implement objectives, strategy and other issues assigned by EVN.
2. Run for the Management Board of subsidiary companies, associate companies according to Statute of such business;
3. Supervise business and financial activities, result of business performance of other businesses according to law provisions and corporate statute; Carry out reports regularly or at the request of EVN on result of business performance, financial situations in subsidiary companies, and the implementation of the tasks assigned by EVN’s Member council.
4. Monitor, speed up and implement the recovery of state capital invested in other businesses including loans provided to employees for purchase of shares, shares sold on credit to employees, division of shares to employees, transfer of state shares, recovery of dividends, and other benefits from contributed capital in other businesses according to law provisions.
5. Carry out regime of reporting regularly or at the request of the Member council, General Director of EVN on business performance, financial situations, use of EVN’s capital in businesses to which EVN is a capital contributor.
6. Perform the tasks assigned by EVN’s Member council;
7. Take responsibility to EVN’s Member council for the management and use of EVN’s contributed capital in businesses and the implementation of the tasks assigned by the Owner. In case Representatives, controllers, members of the Control Board are unable to preserve and develop EVN’s capital in other businesses and the fault is determined as subjective, such persons shall be responsible for making compensation for losses caused to EVN and be subject to other appropriate punishments according to regulations of EVN and the laws.
8. Exercise other rights and obligations according to law provisions, Statute of businesses assigned to carry out management of EVN's contributed capital and the tasks assigned by EVN;
9. Representatives must exercise rights of shareholders, capital contributors and joint-venture partners carefully as directed by EVN’s Member council, especially for dominant shareholders, capital contributors.
10. Representatives are permitted to make decision on issues of subsidiary companies, associate companies under decentralization by EVN’s Member council and shall be responsible to the Member council.
11. Representatives must obtain written comments for EVN's Member council to make decision before taking part in voting at Shareholder General Assembly, meetings of the Member council or Member council of subsidiary companies, associate companies and other businesses on the following issues:
a) Directions, development strategy, long-term and annual plans for investment and business of subsidiary companies, associate companies and other businesses;
b) Appointment or dismissal of key management titles in subsidiary companies, associate companies and other businesses;
c) Amendments, supplements to Statute of in subsidiary companies, associate companies and other businesses;
d) Increase or reduction of charter capital in subsidiary companies, associate companies and other businesses;
dd) Profit-sharing plans of companies, associate companies and other businesses;
e) Purchase, sale, or mobilization of capital of great value that need voting from shareholders or capital contributors, and other issues as prescribed by EVN.
g) In case Representatives involving multiple people take in the Member council of companies contributed in capital by EVN, the Member council shall appoint a person to preside over discussion and consult with EVN's Member council before voting.
h) Representatives that take part in the management board of other businesses must make a study to propose directions and measures of operation for other businesses and make the submission to EVN’s Member council for approval.
i) Representatives in subsidiary companies dominated in shares and capital by EVN shall be responsible for instructing subsidiary companies to move forward in accordance with objectives and guidelines of EVN and the State, using dominant powers to make decision on addition of business specialties to other businesses. Make immediate report to EVN upon finding a business deviates from objectives and guidelines of EVN and the State;
12. Salaries, wages and bonus of Representatives in other businesses are instructed in EVN’s internal Statute in accordance with applicable regulations on establishment, management of wage, bonus funds for representatives of state capital in businesses.
13. In addition to regulations of this Statute, Representatives must comply with other regulations of EVN in connection with Representatives.
14. Representatives, controllers, and members of the Control Board that fail to perform reporting regime as prescribed, make corrupt use of representative rights, prove a lack of responsibility and cause damage to EVN and other businesses shall be held accountable and make compensation for physical damage according to law provisions and this Statute.
1. EVN’s controllers operates under the Statute on operation of controllers of single member limited companies 100% owned in charter capital by the State enclosed with the Prime Minister’s Decision No. 35/2013/QĐ-TTg dated June 07, 2013 and other relevant documents.
2. EVN shall delegate controllers from subsidiary companies 100% owned in charter capital by EVN according to applicable regulations.
Article 46. Reporting regime and criteria
1. Based on financial reports and other reports from businesses, Representatives shall be responsible for formulating business documentation, making written reports on some yearly, quarterly financial criteria including analysis and assessment of the management and use of capital in businesses, credit-worthiness, result of business performance, division of profits and other benefits, make proposals for solving difficulties aimed at promoting effective use of EVN's capital in other businesses to make the submission to EVN's Member council for approval. Information to be reported shall be guided by the Ministry of Finance's guidance on reporting regime for representatives of state capital in businesses.
2. On a quarterly (on 30th of the first month of the following quarter at the latest), annual (on April 15 of the following year) basis, Representatives shall be responsible for sending reports containing full information as prescribed in Clause 1 of this Article to EVN’s Member council.
3. In addition to regular reports as mentioned above, Representatives shall report major issues arising that affect business performance and EVN’s investment capital to EVN’s Member council for suggestions or at the request of EVN’s Member council.
4. EVN’s Member council shall be responsible:
a) Exercising rights and obligations as prescribed hereof based on regular reports made by Representatives;
b) On a quarterly, annual basis, compiling reporting criteria of Representatives by type of state-invested business, foreign-invested enterprise, joint-stock company or other type according to law provisions accompanied by analysis and assessment of business performance and financial situations of businesses;
COMMENDATION, PUNISHMENT AND IMPLEMENTARY PROVISIONS
Article 47. Commendation and punishment
Commendation or punishment for financial management by members of the Member council, general director, deputy general directors, chief accountants, heads of functional departments and other members from EVN shall be carried out according to this Statute and current regulations of the Government.
Article 48. Implementary provisions
1. In addition to provisions as set out hereof, EVN is permitted to apply regulations on financial management for state-owned enterprises and other relevant documents.
2. Based on this Statute and relevant provisions, EVN’s Member council shall be responsible for formulating internal financial statute to suit the task of financial management in subsidiary companies and affiliates to EVN./.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực