Nghị định 76-CP năm 1974 ban hành điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ thuộc khu vực tập thể và cá thể do Hội đồng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 76-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Lê Thanh Nghị |
Ngày ban hành: | 08/04/1974 | Ngày hiệu lực: | 23/04/1974 |
Ngày công báo: | 15/04/1974 | Số công báo: | Số 5 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: | Không còn phù hợp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 76-CP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1974 |
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ PHỤC VỤ THUỘC KHU VỰC TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Xét yêu cầu sắp xếp hợp lý các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ theo hướng phân bố lao động và quy hoạch ngành nghề của Nhà nước.
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 08-3-1974.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ tài chính và Bộ trưởng các Bộ có liên quan.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành Điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ thuộc khu vực tập thể và cá thể.
Điều 2. - Điều lệ này thay thế Điều lệ đăng ký các loại kinh doanh công thương nghiệp do nghị định số 488-TTg ngày 30-03-1955 ban hành, quyết định số 609-TTg ngày 4-11-1955 phân công cho các ngành cấp giấy phép đăng ký và nghị định bổ sung số 5-TTg ngày 4-1 1960 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. – Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành nghị định này.
Điều 4. – Các ông Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm thi hành nghị định này.
|
T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ PHỤC VỤ THUỘC KHU VỰC TẬP THỂ VÀ CÁ THỂ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 76-CP ngày 8-4-1974 của Hội đồng Chính phủ)
- Điều lệ này nhằm mục đích sắp xếp hợp lý các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ theo hướng phân bố lao động và quy hoạch ngành nghề của Nhà nước, thúc đẩy sản xuất phát triển và kinh doanh đúng đường lối chính sách, ngăn ngừa mặt tiêu cực, bảo hộ lợi ích chính đáng của các cơ sở kinh doanh, góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới, tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự trị an, phục vụ tốt đời sống.
Tất cả các tổ chức tập thể và cá thể kinh doanh công thương nghiệp thuộc các ngành nghề : sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, vận tải, bốc dỡ, xây dựng, sữa chữa, ăn uống, thương nghiệp, hoạt động y tế, văn hóa và phục vụ các loại, dưới các hình thức tập thể hay cá thể, kinh doanh tại chỗ hay lưu động, kinh doanh lâu dài hay tạm thời đều phải xin đăng ký kinh doanh. Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, tổ chức tập thể và cá nhân mới được hoạt động. Các hợp tác xã nghề cá, nghề muối hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp muốn kinh doanh thêm nghề công thương nghiệp và phục vụ cũng phải xin giấy phép kinh doanh theo điều lệ này.
– Việc xin đăng ký kinh doanh và việc xét cấp giấy phép kinh doanh phải theo đúng các nguyên tắc và điều kiện sau đây :
1. Tổ chức tập thể (hợp tác xã, tổ) thì phải là tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép thành lập và hoạt động.
Người kinh doanh phải có hộ khẩu chính thức ở nơi xin đăng ký kinh doanh, biết nghề hoặc có khả năng lao động phù hợp với nghề xin kinh doanh.
Công nhân, viên chức tại chức của Nhà nước không được phép đăng ký kinh doanh và không được tham gia một tổ chức kinh doanh tập thể nào.
2. Ngành nghề xin đăng ký kinh doanh phải phù hợp với chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế chung, và theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương.
Không cấp giấy phép kinh doanh những ngành nghề hay mặt hàng mà Nhà nước cấm tổ chức tập thể và cá thể kinh doanh hoặc trái với hướng phân công lao động xã hội của Nhà nước.
Một cơ sở chỉ được đăng ký kinh doanh một nghề chính. Trường hợp kinh doanh thêm nghề khác thì phải có khả năng làm nghề ấy và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, ghi trong giấy phép kinh doanh.
3. Nếu là cơ sở sản xuất thì phải có đủ điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật (lao động, nhà cửa, vốn, vật tư, công cụ thiết bị v.v…) để tiến hành kinh doanh, có hướng giải quyết nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với chính sách của Nhà nước.
Đối với những ngành nghề đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật (sử dụng động cơ, máy…) hay có quan hệ đến sức khỏe của nhân dân (kinh doanh ăn uống, chế biến thực phẩm…) có quan hệ đến trật tự trị an (khắc dấu, đánh máy chữ…) thì người làm nghề phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận có đủ điều kiện làm nghề.
4. Có địa điểm đặt cơ sở kinh doanh. Những cơ sở phục vụ cho việc kinh doanh (xưởng sản xuất, cửa hàng, nơi chế biến hoặc kho, v.v…) phải ở trong địa phương đăng ký kinh doanh; trường hợp do điều kiện ngành nghề mà hoạt động của các cơ sở đó phải vượt ra khỏi phạm vi huyện, khu phố hoặc tỉnh, thành phố, thì phải được cơ quan quản lý ngành nghề ấy ở cấp tỉnh, thành phố thỏa thuận.
Đối với các ngành nghề có liên quan đến an toàn, vệ sinh và trật tự công cộng như có thải ra chất độc, chất bẩn, chất cháy, gây tiếng ồn, dễ nổ, dễ cháy, v.v… thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra xác nhận điều kiện thiết bị và địa điểm đặt cơ sở kinh doanh để không nguy hiểm cho người làm nghề đó, không ảnh hưởng và gây nguy hại đến điều kiện ăn ở của nhân dân, không làm ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của các cơ sở khác.
5. Tên hiệu và nhãn hiệu của tổ chức kinh doanh phải được cơ quan cấp giấy phép kinh doanh chấp nhận. Các cơ sở kinh doanh cùng nghề trong cùng một địa phương không được dùng tên hay nhãn hiệu trùng nhau.
–Tất cả các cơ sở muốn được xét cấp giấy phép kinh doanh phải nộp cho Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thị xã ) một hồ sơ bao gồm :
1. Đơn xin đăng ký kinh doanh theo mẫu quy định đối với từng ngành, được chính quyền cơ sở chứng nhận là khai đúng sự thật.
2. Những giấy tờ kèm theo :
- Bản sao điều lệ, quyết định của cơ quan có thẩm quyền đã công nhận điều lệ hay công nhận việc thành lập tổ chức.
- Bản sao giấy chứng nhận có điều kiện hành nghề.
- Bản sao giấy chứng nhận là chủ nhiệm (nếu là hợp tác xã).
- Giấy chứng nhận có hộ khẩu chính thức ở nơi xin đăng ký kinh doanh.
- Danh sách xã viên, tổ viên chính thức (họ, tên, địa chỉ, chức vụ trong cơ sở, trình độ nghề nghiệp, số cổ phần góp bằng tiền hay bằng công cụ tính theo giá trị lúc góp cổ phần, chữ ký của từng người…) và danh sách những người tham gia hoạt động ngoài số xã viên hoặc tổ viên chính thức, danh sách những người trực tiếp kinh doanh và những người phụ việc nếu là hộ cá thể.
- Bảng kê máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất, các loại nguyên liệu, hàng hóa chủ yếu (loại mua sắm, loại tự trang tự chế, công suất từng loại máy, trị giá…) kèm theo những chứng từ hợp pháp về những tài sản trên.
- Giấy được phép sử dụng địa điểm để sản xuất, kinh doanh có chứng thực của chính quyền cơ sở. Những giấy cho phép hoạt động của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đối với từng loại ngành nghề theo quy dịnh trong khoản 3 và 4 của điều 3.
- Mẫu nhãn hiệu;
- Các bản sao hợp đồng vay tiền ngân hàng, giấy ủy thác mua, bán hay hợp đồng gia công, thu mua (nếu có), biên lai nộp thuế (nếu đã có kinh doanh).
– Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thị xã) nơi đặt cơ sở kinh doanh là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, giúp Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thi xã) có một hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh gồm có :
- Một Phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thi xã) được Ủy ban hành chính ủy nhiệm làm chủ tịch hội đồng.
- Đại diện ngành hữu quan theo từng loại ngành nghề: công nghiệp và thủ công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, xây dựng, y tế, văn hóa, nông nghiệp, v.v… và đại diện liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp.
- Đại diện các cơ quan : tài chính, công an, lao động.
Hội đồng căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chế độ, thể lệ hiện hành về quản lý lao động, quản lý sản xuất, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của Nhà nước và quy hoạch sắp xếp ngành nghề của huyện (hoặc khu phố, thị xã) mà đề đạt ý kiến cho, hay không cho phép kinh doanh.
Sau khi có ý kiến của các thành viên trong hội đồng, Chủ tịch Hội đồng quyết định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thị xã) về việc cho, hay không cho phép kinh doanh.
– Cơ quan tài chính là thành viên thường trực của hội đồng có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thị xã) trong việc nhận đơn xin đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép của Ủy ban cho những cơ sở được phép kinh doanh hoặc trả lại đơn cho những cơ sở không được phép kinh doanh.
Trong trường hợp cần điều tra tiện và bất tiện thì hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh cho niêm yết xin đăng ký kinh doanh tại nơi công cộng gần địa điểm kinh doanh, hoặc cho phát thanh đăng báo để hỏi ý kiến nhân dân. Quá 10 ngày kể từ ngày công bố, nếu không có ai khiếu nại thì coi như không có gì trở ngại về mặt này.
Đại diện các ngành hữu quan trong hội đồng xét duyệt đăng ký kinh doanh tùy theo phạm vi quản lý của mình, có nhiệm vụ giúp Ủy ban thẩm tra đơn xin đăng ký kinh doanh và đề xuất ý kiến cho hay không cho đăng ký kinh doanh; trường hợp đơn xin kinh doanh về những ngành, nghề đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của cấp tỉnh, thành phố theo quy định ở khoản 4 điều 3 trên đây, thì đại diện ngành hữu quan cũng phải chịu trách nhiệm hỏi ý kiến của cấp tỉnh, thành phố trước khi đưa ra trình bày ở hội đồng.
– Giấy phép kinh doanh chỉ có giá trị trong năm được cấp. Nếu muốn tiếp tục hoạt động, thì trước ngày 16 tháng 12 hàng năm, các cơ sở kinh doanh phải làm đơn xin gia hạn và được tạm thời tiếp tục kinh doanh đến khi có quyết định chính thức được phép gia hạn hay không.
Khi bị cháy hoặc mất giấy phép kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải khai báo với cơ quan công an hoặc chính quyền cơ sở. Sau 7 ngày, kể từ ngày khai báo, cơ sở kinh doanh phải mang giấy chứng nhận khai báo về vụ cháy hay mất giấy phép kinh doanh đến cơ quan tài chính để xin cấp lại.
Trong quá trình kinh doanh, nếu có những thay đổi về nội dung hoạt động (chuyển nhượng, mở rộng, thu hẹp, tạm ngừng hoạt động, sát nhập, thay đổi ngành nghề kinh doanh, thay đổi nhãn hiệu, v.v….) thì phải xin phép trước một tháng và phải được Ủy ban hành chính huyện hoặc khu phố, thị xã điều chỉnh trong giấy phép kinh doanh cũ hoặc cấp giấy phép kinh doanh mới, mới hoặc được thay đổi nội dung hoạt động.
Mỗi lần được cấp giấy phép kinh doanh hoặc gia hạn kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải nộp một khoản lệ phí là hai đồng (2đ). Trường hợp phải điều tra tiện và bất tiện thì cơ sở kinh doanh phải chịu thêm khoản phí tổn về việc điều tra ấy.
- Những cơ sở được phép kinh doanh có quyền lợi :
1. Được Nhà nước, chiếu theo pháp luật chung và các quy định trong điều lệ này, bảo hộ quyền kinh doanh hợp pháp của mình.
2. Được giúp đỡ nâng cao hiểu biết về dường lối chính sách, luật pháp, về nghiệp vụ kinh doanh, về trình độ khoa học kỹ thuật để vừa làm lợi việc kinh doanh của mình vừa phục vụ tốt cho xã hội.
3. Được nhận công việc làm do Nhà nước giao, được mua nguyên liệu, dụng cụ thiết bị tùy theo khả năng của Nhà nước và tiêu thụ sản phẩm làm ra theo chế độ chung của Nhà nước.
4. Được mở tài khoản ở Ngân hàng Nhà nước .
5. Đối với những cơ sở hoặc hộ không sản xuất nông nghiệp được mua lương thực theo chính sách chế độ của Nhà nước.
- Những cơ sở kinh doanh có nghĩa vụ :
1. Sử dụng giấy phép kinh doanh và tài khoản vào đúng mục đích được phép. Cấm không được cho mượn, cho thuê, mua bán giấy phép kinh doanh hay tài khoản dưới bất cứ hình thức nào.
2. Hoạt động theo đúng điều lệ, đúng nội dung ghi trong giấy phép, thật thà khai báo việc kinh doanh của mình với cơ quan hoặc nhân viên có thẩm quyền đến kiểm tra, không được có hành động gian dối.
3. Chấp hành đúng đắn các chính sách, chế độ, luật lệ của Nhà nước về quản lý lao động, quản lý lương thực, quản lý vật tư, hàng hoá, quản lý thị trường; về thuế, giá cả, tiền công, chế độ hợp đồng, chế độ giao nộp, hoặc bán sản phẩm, chế độ quản lý tiền mặt.
4. Mở sổ sách và chấp hành đúng các quy định về sổ sách, chứng từ hoá đơn theo chế độ chung;
5. Hoàn thành tốt các kế hoạch được Nhà nước giao.
– Cơ sở kinh doanh nào vi phạm các điều 2, 3, 4, 8, 10 của điều lệ như :
- Kê khai đăng ký không đúng sự thật;
- Kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh đã hết hạn, bị thu hồi mà vẫn kinh doanh;
- Kinh doanh sai nội dung đã được ghi trong giấy phép.
- Cho mượn, cho thuê, mua bán giấy phép kinh doanh hoặc tài khoản.
- Không chịu xuất trình giấy phép kinh doanh cho cán bộ, nhân viên các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra theo quy định ở điều 12 dưới đây, v.v…thì sẽ tùy theo trường hợp nặng, nhẹ mà bị xử lý theo một hoặc nhiều hình phạt sau đây :
1. Cảnh cáo trong nội bộ ngành, nghề, trong tiểu khu (khối phố), xã.
2. Đình chỉ việc kinh doanh trái phép.
3. Phạt tiền từ 10 đồng đến 1000 đồng.
4. Thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi hẳn giấy phép kinh doanh.
5. Truy tố trước Tòa án nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần.
Ngoài ra, nếu vi phạm cả các chính sách , chế độ, luật lệ của Nhà nước (như chính sách quản lý thị trường, chính sách thuế, giá cả, đầu cơ kinh tế, làm hàng giả hoặc bóc lột nhân công theo lối tư bản chủ nghĩa, v.v…) sẽ bị xử lý theo các luật lệ hiện hành về các mặt này; phạt thuế, tịch thu hàng kinh doanh trái phép hoặc truy tố để trừng trị theo pháp luật.
Quyền kiểm tra việc thi hành điều lệ này, và lập biên bản đối với những vụ vi phạm được quy định như sau :
- Cán bộ, nhân viên các cơ quan quản lý ngành nào được giao nhiệm vụ kiểm tra việc kinh doanh về những nghề hoặc những mặt công tác thuộc ngành ấy quản lý.
- Cán bộ, nhân viên các cơ quan tài chính, công an được giao nhiệm vụ kiểm tra đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh công thương nghiệp.
– Quyền xử lý về hành chính và quyết định việc đưa ra cơ quan pháp luật để truy tố những vụ vi phạm điều lệ về đăng ký kinh doanh công thương nghiệp thuộc Ủy ban hành chính huyện (hoặc khu phố, thị xã) sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan hữu quan. Đối với mức phạt tiền từ 500 đồng trở lên do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định.
–Điều lệ này có hiệu lực tại từng tỉnh hoặc thành phố kể từ ngày công bố thi hành tại địa phương.
Tất cả những cơ sở đang kinh doanh, đã được cấp giấy đăng ký theo thể thức cũ, muốn tiếp tục hoạt động phải xin đăng ký lại theo những nguyên tắc được quy định trong điều lệ này. Sau khi công bố thời gian thi hành điều lệ này tại địa phương, nếu cơ sở nào không được cấp giấy phép kinh doanh mới mà vẫn hoạt động, sẽ bị coi như kinh doanh trái phép và bị xử lý theo điều lệ.
- Trong phạm vi quản lý của mình, các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm phối hợp với Ban chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp trung ương để làm các nhiệm vụ sau đây :
- Hướng dẫn việc quy hoạch, sắp xếp ngành nghề và những chi tiết để thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho các đối tượng làm các ngành nghề do ngành mình phụ trách.
- Hướng dẫn các địa phương, tổ chức các cơ sở được kinh doanh vào những hình thức thích hợp (hợp tác xã, tổ, hay hộ cá thể) và thường xuyên giúp đỡ, kiểm tra hoạt động quản lý và kinh doanh của các cơ sở đó
Tình trạng hiệu lực: Không còn phù hợp