Chương II Nghị định 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư: Soạn thảo, công nhận, tạm ngừng thực hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ hương ước, quy ước
Số hiệu: | 61/2023/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Trần Hồng Hà |
Ngày ban hành: | 16/08/2023 | Ngày hiệu lực: | 16/08/2023 |
Ngày công báo: | 28/08/2023 | Số công báo: | Từ số 961 đến số 962 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ban hành Nghị định về hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư
Ngày 16/08/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2023/NĐ-CP về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư.
Phạm vi nội dung của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư được quy định như sau:
Tùy theo yêu cầu tự quản, tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở từng địa phương, bảo đảm kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp của hương ước, quy ước đã có và mục đích, nguyên tắc quy định tại các điều 3 và 4 Nghị định 61/2023/NĐ-CP , cộng đồng dân cư lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để đưa vào phạm vi của hương ước, quy ước:
- Các biện pháp, phương thức thích hợp giúp người dân trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của cộng đồng dân cư; động viên và tạo điều kiện để cộng đồng dân cư thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân.
- Các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình; phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh.
- Các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, cộng đồng và công dân; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn; xây dựng và phát huy tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời; đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề, khuyến công, khuyến nông ở địa phương.
- Các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện hương ước, quy ước nhưng không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
- Các nội dung cần thiết khác do cộng đồng dân cư quyết định.
Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước
Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bao gồm:
- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
- Xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng.
- Tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư.
- Phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.
Xem chi tiết Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/08/2023.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Việc đề xuất nội dung hương ước, quy ước được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:
1. Trường hợp Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố đề xuất nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước thì phải thống nhất với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư trước khi đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định.
2. Trường hợp công dân cư trú tại cộng đồng dân cư đề xuất nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước thì phải đề nghị Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư thực hiện lấy ý kiến bằng một trong các hình thức sau:
a) Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình tại cộng đồng dân cư theo quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 19 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
b) Thu thập ý kiến đồng thuận bằng hình thức trực tiếp tại cuộc họp của cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
c) Biểu quyết trực tuyến hoặc hình thức khác phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.
3. Trường hợp đề xuất của công dân quy định tại khoản 2 Điều này được 10% trở lên tổng số hộ gia đình tại cộng đồng dân cư đồng thuận thì Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định.
Trường hợp đề xuất của công dân quy định tại khoản 2 Điều này chưa đạt 10% tổng số hộ gia đình tại cộng đồng dân cư đồng thuận nhưng xét thấy có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và được Ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư tán thành thì Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định.
Việc soạn thảo hương ước, quy ước sau khi đề xuất nội dung được thực hiện như sau:
1. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư lựa chọn người tham gia và thành lập Tổ soạn thảo hương ước, quy ước.
2. Tổ soạn thảo hương ước, quy ước bao gồm các thành viên là đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người có phẩm chất đạo đức tốt, kinh nghiệm sống và hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương. Đối với cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì Tổ soạn thảo phải có thành viên là già làng, trưởng bản và người biết tiếng dân tộc.
3. Theo sự điều hành của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ soạn thảo có trách nhiệm tổ chức soạn thảo hương ước, quy ước theo quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 và lấy ý kiến, thông qua, chuẩn bị hồ sơ công nhận hương ước, quy ước theo quy định tại các điều 9, 10 và 11 Nghị định này.
1. Dự thảo hương ước, quy ước trước khi đưa ra cộng đồng dân cư bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai tại nhà văn hóa - khu thể thao của cộng đồng dân cư, bảng tin công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc địa điểm khác bảo đảm thuận tiện để hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư tiếp cận, tìm hiểu và góp ý. Thời hạn niêm yết do cộng đồng dân cư quyết định nhưng không ít hơn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày niêm yết.
2. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư về dự thảo hương ước, quy ước bằng một hoặc một số hình thức sau đây:
a) Sao gửi dự thảo hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình;
b) Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật đã được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cộng đồng dân cư;
c) Mở hòm thư tiếp nhận ý kiến góp ý;
d) Lấy ý kiến trong cuộc họp, hội nghị của cộng đồng dân cư, sinh hoạt của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể khác ở cộng đồng dân cư hoặc hình thức phù hợp khác.
Việc lựa chọn hình thức lấy ý kiến do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư quyết định và thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở cộng đồng dân cư.
3. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố có thể lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan bằng văn bản.
4. Tổ soạn thảo hương ước, quy ước có trách nhiệm tổng hợp, hoàn thiện dự thảo hương ước, quy ước trên cơ sở ý kiến của hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư tán thành và được thực hiện bằng một trong các hình thức như sau:
1. Thông qua tại cuộc họp của cộng đồng dân cư theo các quy định sau:
a) Phải có đại diện của trên 50% tổng số hộ gia đình tại cộng đồng dân cư tham dự họp;
b) Trình tự, thủ tục tổ chức cuộc họp thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Thông qua bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến từng hộ gia đình trong cộng đồng dân cư theo các quy định sau:
a) Chỉ lấy ý kiến sau khi cuộc họp của cộng đồng dân cư không thể thực hiện được do không đạt tỷ lệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Kết quả lấy ý kiến phải công khai sau khi tổng hợp bằng hình thức phù hợp do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn;
c) Trình tự, thủ tục lấy ý kiến thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước.
2. Hương ước, quy ước được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm vi nội dung, hình thức phù hợp với quy định tại các điều 5 và 6 Nghị định này;
b) Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại các điều 4, 7, 8, 9 và 10 Nghị định này.
3. Trình tự, thủ tục công nhận hương ước, quy ước thực hiện theo quy định tại các điều 20 và 21 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định sau:
a) Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước tới Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư thông qua hương ước, quy ước hoặc ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu;
b) Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước, công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã chủ trì, phối hợp với công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận trong thời hạn chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị; trường hợp cần thiết, công chức Văn hóa - Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì họp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư để xem xét, quyết định công nhận. Quyết định công nhận hương ước, quy ước thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp không công nhận hương ước, quy ước thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước bao gồm:
a) Văn bản đề nghị công nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Nghị quyết hoặc biên bản cuộc họp hoặc biên bản lấy ý kiến thông qua hương ước, quy ước theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Dự thảo hương ước, quy ước đã được thông qua.
5. Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận.
1. Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện toàn bộ đối với trường hợp quy định tại điểm a hoặc một phần đối với trường hợp quy định tại các điểm b và c khoản này:
a) Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua quy định tại các điều 8, 9 và 10 Nghị định này;
b) Có nội dung không phù hợp với mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại các điều 3 và 4 Nghị định này;
c) Có nội dung không phù hợp với nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Điều 4 Nghị định này mà nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư.
2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phản ánh bằng văn bản của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư hoặc qua kết quả rà soát, kiểm tra, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, tổ chức liên quan phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Có văn bản gửi người phản ánh, kiến nghị về nội dung phản ánh, kiến nghị không có cơ sở;
b) Ban hành quyết định tạm ngừng thực hiện toàn bộ hương ước, quy ước đồng thời hướng dẫn cộng đồng dân cư tiến hành việc soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua hương ước, quy ước để đủ điều kiện đề nghị công nhận theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Ban hành quyết định tạm ngừng thực hiện một phần hương ước, quy ước đồng thời hướng dẫn cộng đồng dân cư tiến hành việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung và công nhận hương ước, quy ước theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này đối với trường hợp quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều này.
3. Quyết định tạm ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần hương ước, quy ước phải nêu rõ lý do tạm ngừng thực hiện, thời hạn hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để đề nghị công nhận hương ước, quy ước hoặc thời hạn soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua và công nhận nội dung được sửa đổi, bổ sung, thay thế của hương ước, quy ước.
Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước thực hiện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước đến Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến cộng đồng dân cư và đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
5. Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi có quyết định công nhận hương ước, quy ước đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua hoặc quyết định công nhận hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế của Ủy ban nhân dân cấp xã có hiệu lực.
6. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì cộng đồng dân cư hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua hương ước, quy ước để được công nhận theo quy định.
1. Hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hương ước, quy ước quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 12 Nghị định này;
b) Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế.
2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cộng đồng dân cư thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế theo yêu cầu tại quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước.
3. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, việc đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
4. Việc soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua và công nhận hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 Nghị định này.
1. Hương ước, quy ước bị bãi bỏ toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có nội dung trái với quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư;
b) Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này nhưng đã hết thời hạn phải hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để được công nhận quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không hoàn tất các thủ tục này;
c) Không bảo đảm tỷ lệ thông qua quy định tại Điều 10 Nghị định này mà cộng đồng dân cư không thực hiện lại việc thông qua để bảo đảm tỷ lệ theo quy định.
2. Hương ước, quy ước bị bãi bỏ một phần khi bị tạm ngừng thực hiện một phần theo quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 12 Nghị định này nhưng đã hết thời hạn phải sửa đổi, bổ sung, thay thế được quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung.
3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phản ánh bằng văn bản của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư hoặc qua kết quả rà soát, kiểm tra, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, tổ chức liên quan phát hiện trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Có văn bản gửi người phản ánh, kiến nghị về nội dung phản ánh, kiến nghị không có cơ sở;
b) Ban hành quyết định bãi bỏ toàn bộ hương ước, quy ước đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Ban hành quyết định bãi bỏ một phần hương ước, quy ước đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Quyết định bãi bỏ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến cộng đồng dân cư và đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Quyết định bãi bỏ hương ước, quy ước thực hiện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực