Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
1. Kinh doanh giám định cổ vật
- Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 61/2016 như sau:
+ Có kho lưu giữ, bảo quản hiện vật giám định;
+ Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký;
+ Có nguồn tài liệu về cổ vật để tham khảo;
+ Có ít nhất 03 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo quy định.
- Cơ sở kinh doanh cần chuẩn bị hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, gồm: Đơn đề nghị; bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; danh sách kèm theo lý lịch khoa học và bản sao văn bằng, chứng chỉ của các chuyên gia; danh mục trang thiết bị, phương tiện để giám định; nguồn tài liệu phục vụ giám định; bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động với các chuyên gia.
- Nghị định số 61 năm 2016 quy định thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh giám định cổ vật nếu cơ sở kinh doanh thuộc các trường hợp sau: Không còn đáp ứng điều kiện quy định; giải thể hoặc tự chấm dứt hoạt động giám định cổ vật; vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định cổ vật và các trường hợp khác theo quy định.
2. Hành nghề tu bổ di tích
Nghị định số 61/NĐ-CP quy định điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích cho cá nhân đối với các trường hợp cụ thể sau:
- Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích;
- Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích;
- Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích;
- Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích.
Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề được quy định cụ thể tại Nghị định 61/CP.
Ngoài ra, nếu thuộc các trường hợp sau đây thì cá nhân sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề:
+ Thực hiện hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích không đúng với phạm vi cho phép của Chứng chỉ hành nghề;
+ Không tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa, xây dựng và quy định pháp luật khác;
+ Cho người khác thuê, mượn hoặc sử dụng Chứng chỉ hành nghề;
+ Tự ý tẩy xóa, sửa chữa Chứng chỉ hành nghề và các trường hợp khác.
Nghị định số 61/2016 còn quy định điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề thu bổ di tích cho tổ chức.
Nghị định 61/2016/NĐ-CP có hiệu lực 01/7/2016.