Nghị định 17-CP năm 1962 về điều lệ quy định chế độ giám đốc phụ trách quản lý xí nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 17-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Đồng |
Ngày ban hành: | 10/02/1962 | Ngày hiệu lực: | 10/02/1962 |
Ngày công báo: | 28/02/1962 | Số công báo: | Số 6 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: | Không còn phù hợp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 17-CP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1962 |
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 15 tháng 11 năm 1961;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ quy định chế độ giám đốc phụ trách việc quản lý xí nghiệp.
Điều 2. Điều lệ này thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 1962.
Điều 3. Các ông Bộ trưởng và Tổng cục trưởng các Tổng cục có xí nghiệp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
|
TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP
LỜI NÓI ĐẦU
Từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, công việc quản lý xí nghiệp của ta đã theo nguyên tắc “tập trung, thống nhất chỉ đạo trên cơ sở quản lý dân chủ”. Từ năm 1959 đến nay, qua cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường quốc doanh đều đã áp dụng chế độ quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa “Thủ trưởng phụ trách quản lý xí nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xí nghiệp, công nhân tham gia quản lý”.
Tuy nhiên, cho đến nay chế độ giám đốc phụ trách việc quản lý xí nghiệp vẫn chưa được quy định rõ ràng, do đó đã làm cho cán bộ phụ trách quản lý các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường khó tránh khỏi tình trạng lúng túng, nhiều cán bộ ỷ lại nhau, hoặc bao biện công việc của nhau, làm trở ngại cho sản xuất, xây dựng.
Nay Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ quy định chế độ giám đốc phụ trách việc quản lý xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường để bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Để tăng cường chế độ trách nhiệm trong việc quản lý xí nghiệp, tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và kịp thời, để phát huy tính tích cực, sáng tạo của công nhân, cán bộ và viên chức trong các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, để tăng cường công tác quản lý sản xuất, xây dựng và đáp ứng được yêu cầu của công việc ngày càng phát triển, nay quy định nội dung và phạm vi của chế độ giám đốc phụ trách quản lý xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường quốc doanh (gọi chung là xí nghiệp) như sau.
Giám đốc xí nghiệp là người do Nhà nước bổ nhiệm có thẩm quyền cao nhất về phương diện chuyên môn và hành chính ở trong xí nghiệp. Giám đốc chịu trách nhiệm quản lý xí nghiệp, về mọi mặt và chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các thể lệ, chế độ của Nhà nước có liên quan đến xí nghiệp.
Nhiệm vụ của Giám đốc xí nghiệp là tổ chức và chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước (số lượng và chất lượng sản phẩm, tài vụ và giá thành, lao động và tiền lương).
Nhiệm vụ cụ thể của Giám đốc xí nghiệp:
a) Chấp hành đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các thể lệ, chế độ của Nhà nước về xây dựng và quản lý công nghiệp trong xí nghiệp mình phụ trách. Tiến hành việc lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn một cách tiên tiến và vững chắc, chỉ đạo thực hiện hoàn thoành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước.
b) Quản lý và hướng dẫn sử dụng tốt các thiết bị, máy móc và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu: chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp để nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị, máy móc và tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; chống lãng phí, tham ô.
c) Sử dụng và quản lý lao động một cách hợp lý nhất; chấp hành đúng đắn các chế độ, chính sách đối với người lao động, chăm lo cải thiện không ngừng đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, viên chức; xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục bồi dưỡng, đào tạo tại chức công nhân, viên chức phù hợp với yêu cầu của sản xuất và yêu cầu chung của Nhà nước.
d) Ký hợp đồng mua bán nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng vận tải v.v… bảo đảm sản xuất của xí nghiệp được liên tục và cân đối; chấp hành đầy đủ các hợp đồng đã ký.
e) Tổ chức thực hiện đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế, quản lý tài vụ chặt chẽ; bảo đảm sử dụng vốn hợp lý và kinh doanh có lãi; bảo đảm việc nộp lợi nhuận, khấu hao, và nộp thuế cho Nhà nước đầy đủ và đúng kỳ hạn.
g) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác phòng gian, phòng hỏa, bảo vệ an toàn cho xí nghiệp, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật kinh tế.
h) Chấp hành đúng đắn luật Công đoàn; cùng với Công đoàn của xí nghiệp tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước; phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động trên cơ sở giáo dục tư tưởng cho công nhân, viên chức và thực hiện tốt chế độ trả lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng.
i) Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý xí nghiệp; kịp thời đề nghị kiện toàn tổ chức và cải tiến không ngừng công tác quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.
k) Hàng năm, tổ chức việc xét và nâng cấp bậc lương cho những công nhân, viên chức có thành tích về kỹ thuật, nghiệp vụ theo sự phân cấp của Bộ, Tổng cục chủ quản hoặc Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh trong phạm vi kế hoạch về quỹ lương.
Quyền hạn của Giám đốc xí nghiệp quy định như sau:
a) Được quyền ra chỉ thị, mệnh lệnh về công tác sản xuất và xây dựng của xí nghiệp; kiểm tra, đôn đốc các bộ phận trong toàn xí nghiệp; ký hợp đồng trong việc mua bán nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản phẩm, hợp đồng vận tải, hợp đồng xây dựng v.v…; giao dịch với Ngân hàng Nhà nước về dự toán, cấp phát tài chính, về việc gửi tiền, vay tiền theo chế độ hiện hành để phục vụ sản xuất.
b) Được quyền sử dụng mọi tài sản của xí nghiệp vào sản xuất và sử dụng quỹ của xí nghiệp theo đúng chế độ hiện hành.
c) Được quyền tổ chức việc xét và nâng cấp bậc lương cho công nhân và cán bộ kỹ thuật, theo sự phân cấp của Bộ, Tổng cục chủ quản hoặc Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh và trong phạm vi kế hoạch về quỹ lương.
d) Được quyền tố tụng những người không thi hành hợp đồng và những người vi phạm pháp luật Nhà nước có liên quan đến xí nghiệp của mình phụ trách.
e) Được quyền khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với công nhân, viên chức theo sự quy định và phân cấp của cấp trên.
Để giúp và thay mặt cho Giám đốc xí nghiệp chỉ đạo trực tiếp các mặt công tác như kỹ thuật, kinh doanh, xây dựng cơ bản, hành chính v.v… ở mỗi xí nghiệp, tùy theo quy mô lớn hay nhỏ, Nhà nước bổ nhiệm một hoặc một số Phó giám đốc như Phó giám đốc kỹ thuật, phó giám đốc kinh doanh, phó giám đốc hành chính v.v …
Phó giám đốc kỹ thuật chịu trách nhiệm trước Giám đốc về chỉ đạo và kiểm tra kỹ thuật để bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất. Nhiệm vụ cụ thể của Phó giám đốc kỹ thuật là:
a) Nghiên cứu thiết bị máy móc, quy định tiêu chuẩn quy trình, quy tắc kỹ thuật, bảo vệ an toàn máy móc; chỉ đạo việc tu sửa máy móc, đồng thời giải quyết những khó khăn, bất trắc về kỹ thuật hàng ngày, để phục vụ sản xuất.
b) Tổng kết và xét duyệt các phát minh, sáng kiến về cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; nghiên cứu và tổ chức việc cải tiến kỹ thuật, tiến hành công tác thí nghiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và sản phẩm nhằm sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu với mức hợp lý nhất.
c) Bảo đảm sản phẩm sản xuất ra đúng quy cách, đúng tiêu chuẩn, và chất lượng tốt.
d) Phụ trách chỉ đạo về kỹ thuật đối với công trình mới và nghiên cứu các đề án mở rộng xí nghiệp (nếu có).
e) Nghiên cứu và trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động, tổ chức thực hiện mọi biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động.
g) Soạn tài liệu và hướng dẫn học tập nghiệp vụ, kỹ thuật cho công nhân, viên chức ở trong xí nghiệp.
Phó giám đốc kinh doanh chịu trách nhiệm trước Giám đốc về chỉ đạo và kiểm tra các mặt công tác như kế hoạch, thống kê, tài vụ, cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Nhiệm vụ cụ thể của Phó giám đốc kinh doanh là:
a) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác kế hoạch, thống kê.
b) Chỉ đạo thực hiện đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế, quản lý tài vụ chặt chẽ, bảo đảm sử dụng vốn hợp lý và kinh doanh có lãi; bảo đảm nộp lợi nhuận, khấu hao và nộp thuế cho Nhà nước đầy đủ và đúng kỳ hạn.
c) Ký hợp đồng mua bán nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng vận tải v.v … bảo đảm sản xuất của xí nghiệp được liên tục và cân đối.
Phó giám đốc hành chính chịu trách nhiệm trước giám đốc về chỉ đạo và kiểm tra các mặt công tác: hành chính, nhân sự, lao động, bồi dưỡng và đào tạo công nhân. Nhiệm vụ cụ thể của Phó giám đốc hành chính là:
a) Sử dụng và quản lý lao động một cách hợp lý nhất; chấp hành đúng đắn chế độ bảo hộ lao động; phân phối, sử dụng công nhân, viên chức đúng chính sách; xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo tại chức công nhân, viên chức phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
b) Chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, viên chức trong xí nghiệp (phối hợp chặt chẽ với Công đoàn và Đoàn thanh niên lao động trong xí nghiệp).
Để thích ứng với hoàn cảnh hiện nay, các Bộ, Tổng cục chủ quản và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố, tỉnh có thể tùy tình hình cụ thể của tổ chức xí nghiệp và trình độ kỹ thuật nghiệp vụ của các Phó giám đốc xí nghiệp mà tạm thời giảm bớt nhiệm vụ của Phó giám đốc này, tăng thêm nhiệm vụ của Phó giám đốc khác, đồng thời phải giúp người còn kém tiến lên làm đầy đủ những nhiệm vụ đã quy định ở trên đây.
Đối với xí nghiệp lớn đã tổ chức thành Công ty hoặc xí nghiệp liên hợp, Bộ chủ quản sẽ trình Chính phủ xét và quy định riêng.
Quyền hạn của các Phó giám đốc quy định như sau:
a) Được quyền giải quyết mọi công tác trong phạm vi mình phụ trách theo chủ trương, kế hoạch của Giám đốc xí nghiệp và cấp trên; về những vấn đề có tầm quan trọng đến cả xí nghiệp thì phải do Giám đốc quyết định.
b) Khi cần thiết và được ủy quyền của Giám đốc, ra thông tri, hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn về phần công tác của mình phụ trách cho cấp dưới.
c) Có thể được ủy nhiệm thay Giám đốc, khi Giám đốc vắng mặt.
Để giúp cho Giám đốc xí nghiệp chỉ đạo sát đến các phân xưởng, Bộ, Tổng cục chủ quản, hoặc Ủy ban hành chính khu, thành phố tỉnh bổ nhiệm, ở mỗi phân xưởng, một Quản đốc chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp phân xưởng.
Quản đốc phân xưởng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc xí nghiệp.
Quản đốc phân xưởng có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo về sản xuất, kỹ thuật và hành chính đối với mọi hoạt động quản lý sản xuất, quản lý kinh tế của phân xưởng, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch do Giám đốc xí nghiệp giao cho.
Nhiệm vụ cụ thể của Quản đốc phân xưởng là:
a) Quản đốc phân xưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc xí nghiệp chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước do Giám đốc xí nghiệp giao cho phân xưởng; chỉ đạo việc sử dụng hợp lý thiết bị, máy móc và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu giám sát, điều khiển kỹ thuật hàng ngày, bảo đảm đúng quy trình, quy tắc kỹ thuật, để sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ.
b) Sử dụng hợp lý sức lao động trong phân xưởng, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân trong phân xưởng, đào tạo công nhân mới theo kế hoạch của xí nghiệp, thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn lao động;
c) Cùng với tổ chức Công đoàn ở phân xưởng, tổ chức phong trào thi đua phát huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
d) Sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, thực hiện hạch hoạch kinh tế ở phân xưởng.
e) Chấp hành đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, thể lệ chế độ của Nhà nước và của xí nghiệp.
g) Thực hiện tốt công tác phòng gian bảo mật, phòng hỏa, công tác vệ sinh trong sản xuất và bảo vệ an toàn xí nghiệp.
Quyền hạn của Quản đốc phân xưởng quy định như sau:
a) Được quyền giải quyết những công việc về kỹ thuật về chế độ lao động, về phân phối và điều hòa kế hoạch sản xuất của phân xưởng trong phạm vi trách nhiệm được Giám đốc xí nghiệp giao cho.
b) Được quyền điều động, phân phối, khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với công nhân, nhân viên của phâm xưởng trong phạm vi trách nhiệm được Giám đốc xí nghiệp giao cho.
Nhiệm vụ cụ thể của Phó quản đốc phân xưởng là:
a) Giúp Quản đốc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy trình, quy tắc kỹ thuật, sử dụng và tu sửa máy móc, cải tiến kỹ thuật, tìm mọi biện pháp để khắc phục tình trạng sản phẩm hư hỏng.
b) Lập đơn đặt hàng các loại công cụ, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, cần thiết; tổ chức cung cấp các tài liệu kỹ thuật, bản vẽ, phiếu chế tạo, quy cách sản phẩm v.v… dùng cho sản xuất, bảo đảm sản xuất liên tục và kịp thời trong phân xưởng.
c) Hướng dẫn, khuyến khích, giúp đỡ công nhân trong phân xưởng phát huy sáng kiến, giúp Quản đốc phân xưởng thẩm tra và xét duyệt các sáng kiến về hợp lý hóa sản xuất, thẩm tra và báo cáo những sáng kiến về cải tiến kỹ thuật lên trên xét duyệt, tổ chức học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ cho công nhân trong phân xưởng.
Quyền hạn của Phó quản đốc phân xưởng quy định như sau:
a) Được quyền giải quyết những công việc thuộc phạm vi nhiệm vụ được Giám đốc xí nghiệp và Quản đốc phân xưởng giao cho.
b) Có thể thay thế Quản đốc phân xưởng khi Quản đốc vắng mặt.
Để giúp cho Giám đốc xí nghiệp và Quản đốc phân xưởng trực tiếp điều khiển các tổ, các bộ phận sản xuất, Giám đốc xí nghiệp bổ nhiệm một số trưởng ngành có trách nhiệm điều khiển kỹ thuật và sản xuất; kiểm tra quá trình sản xuất, kiểm tra việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng thành phẩm, bán thành phẩm của từng ngành, hoặc từng buồng máy, từng đội.
Trong công tác hàng ngày, trưởng ngành chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Giám đốc kỹ thuật và Quản đốc phân xưởng.
Nhiệm vụ cụ thể của trưởng ngành là:
a) Cung cấp tài liệu về tình hình và khả năng lao động, thiết bị, máy móc thuộc phạm vi mình phụ trách, để góp phần làm kế hoạch của phân xưởng; hướng dẫn các tổ sản xuất xây dựng kế hoạch hàng tháng, hàng tuần một cách tiên tiến và vững chắc; giúp đỡ các tổ chức sản xuất khắc phục khó khăn; bảo đảm thực hiện vượt mức và toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
b) Kiểm tra, hướng dẫn việc áp dụng các quy tắc chế độ sản phẩm, bảo đảm chất lượng và số lượng sản phẩm; xây dựng và chấp hành các biện pháp về hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, giảm bớt mức sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hạ giá thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
c) Nghiên cứu và hướng dẫn áp dụng các quy tắc kỹ thuật mới và thao tác sản xuất mới; chỉ đạo thực tế cho tổ trưởng và công nhân nắm vững quy tắc kỹ thuật và thao tác mới; tận dụng những dụng cụ hiện có đồng thời nghiên cứu và đề nghị cung cấp những dụng cụ cần thiết để bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch; nghiên cứu và phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt cho những người có sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật.
d) Cùng với các phòng nghiệp vụ của xí nghiệp áp dụng các định mức năng suất, các định mức sử dụng máy móc, các định mức sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; xây dựng và góp ý kiến về các định mức trung bình tiên tiến; cùng với các phòng nghiệp vụ của xí nghiệp thực hiện tốt chế độ trả lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng.
đ) Tìm mọi biện pháp để giảm giờ ngừng việc; hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành đầy đủ kỷ luật lao động.
e) Hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành tốt công tác vệ sinh trong sản xuất và bảo vệ an toàn lao động.
Quyền hạn của trưởng ngành quy định như sau:
a) Được quyền điều khiển sản xuất trong phạm vi mà Giám đốc xí nghiệp và Quản đốc phân xưởng giao cho.
b) Được quyền yêu cầu các tổ sản xuất hoặc các bộ phận sản xuất trong phân xưởng chấp hành đúng đắn các quy trình, quy tắc kỹ thuật và kiểm tra các tổ, các bộ phận chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo yêu cầu của kế hoạch; được quyền đề nghị đình chỉ hoạt động của các bộ phận sản xuất không chấp hành đúng các quy trình, quy tắc kỹ thuật, và có quyền không cho công nhân dùng vào sản xuất những dụng cụ, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu không đúng quy cách.
c) Được quyền đề nghị Quản đốc phân xưởng khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với công nhân thuộc phạm vi của mình phụ trách.
Cán bộ phụ trách quản lý xí nghiệp (Giám đốc, Phó giám đốc xí nghiệp, Quản đốc, phó quản đốc phân xưởng, trưởng ngành) có trách nhiệm chấp hành đầy đủ chế độ quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa: “Thủ trưởng phụ trách quản lý xí nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xí nghiệp, công nhân tham gia quản lý”.
Phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ Giám đốc phụ trách quản lý xí nghiệp và thực hiện đầy đủ sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, dựa theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dựa theo chỉ thị, nghị quyết của các cấp Đảng bộ và chính quyền, Giám đốc xí nghiệp có đủ quyền quyết định mọi công việc.
Tình trạng hiệu lực: Không còn phù hợp