Chương II Nghị định 116/2021/NĐ-CP: Điều kiện hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập; thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; thủ tục công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
Số hiệu: | 116/2021/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 21/12/2021 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2022 |
Ngày công báo: | 08/01/2022 | Số công báo: | Từ số 37 đến số 38 |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính, Văn hóa - Xã hội | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Cơ sở cai nghiện ma túy công lập (sau đây gọi tắt cơ sở) phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau:
1. Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, tiếp cận cơ sở y tế; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt; có tường bao, biển tên cơ sở.
2. Cơ sở vật chất
a) Diện tích đất tự nhiên cho 01 đối tượng: 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị, 100 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120 m2/đối tượng ở khu vực miền núi;
b) Diện tích phòng ở bình quân 06 m2/đối tượng; đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 08 m2/đối tượng.
3. Cơ cấu khối công trình của cơ sở cai nghiện gồm:
a) Khối hành chính, quản trị gồm: khu làm việc, hội trường, phòng ở của nhân viên;
b) Khối nhà ở của người cai nghiện: tổ chức các khu riêng biệt theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy;
c) Khối đơn vị chức năng gồm: y tế, giáo dục, trị liệu tâm lý, nhà thăm gặp thân nhân, khu vực lao động trị liệu, lao động sản xuất (nếu có);
d) Khu vực nhà ăn, bếp và kho;
đ) Sân chơi, tập thể thao phải có diện tích tối thiểu bằng 25% tổng diện tích sử dụng của cơ sở.
4. Các tiêu chuẩn chuyên môn khác:
a) Các công trình xây dựng, trang thiết bị phải bảo đảm cho người nghiện ma túy là người khuyết tật và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiếp cận và sử dụng thuận tiện, an toàn; đáp ứng các điều kiện về môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở phải bảo đảm các tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng đối với người cai nghiện; bảo đảm cho người cai nghiện được tiếp cận về văn hóa, thể dục, thể thao và giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của đối tượng.
1. Có các trang thiết bị phục vụ cho việc đón tiếp, ăn, ở, sinh hoạt của người cai nghiện và trang thiết bị cần thiết phục vụ cho các hoạt động chuyên môn theo quy trình cai nghiện ma túy.
2. Danh mục trang thiết bị, phương tiện tối thiểu của cơ sở cai nghiện quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
1. Viên chức của cơ sở cai nghiện phải có chuyên ngành đào tạo thuộc một trong các ngành nghề sau: y, dược, công tác xã hội, tâm lý, sư phạm, luật, kinh tế và các ngành nghề khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở, trong đó:
a) Có ít nhất một người chịu trách nhiệm, phụ trách một giai đoạn của quy trình cai nghiện tại Chương III Nghị định này, có trình độ chuyên môn phù hợp;
b) Người phụ trách y tế là y sĩ, bác sĩ, đã được đào tạo, tập huấn về xác định tình trạng nghiện, điều trị và cai nghiện ma túy.
2. Vị trí việc làm lãnh đạo quản lý, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện (sau đây gọi tắt là cơ sở cai nghiện) khi có đủ các điều kiện sau:
1. Được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp.
2. Có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của hoạt động cai nghiện ma túy theo quy định tại Khoản 1, 2, 4 Điều 6 Nghị định này và điểm e Khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống ma túy. Trường hợp thuê cơ sở vật chất thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động.
3. Có trang thiết bị, phương tiện tối thiểu theo danh mục quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
4. Nhân sự làm việc tại cơ sở cai nghiện phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này. Người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở cai nghiện phải có trình độ từ đại học trở lên, đã được đào tạo, tập huấn về điều trị, cai nghiện ma túy hoặc có thời gian làm công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện từ 02 năm trở lên.
5. Có phương án tài chính bảo đảm duy trì các hoạt động cai nghiện ma túy của cơ sở cai nghiện.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trong địa bàn quản lý.
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này;
b) 01 bản sao quyết định thành lập, cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Văn bản chấp thuận đặt trụ sở cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ sở cai nghiện ma túy đặt trụ sở theo Mẫu số 02a, 02b Phụ lục II Nghị định này;
d) Tài liệu chứng minh bảo đảm đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị quy định tại Khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định này;
đ) 01 bản chính danh sách nhân viên theo Mẫu số 03 Phụ lục II, kèm theo bản sao văn bằng, chứng chỉ; 01 bản lý lịch tóm tắt của người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật theo Mẫu số 04 Phụ lục II Nghị định này, 01 bản sao giấy xác nhận đã được đào tạo, tập huấn về điều trị, cai nghiện ma túy hoặc giấy xác nhận thời gian làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy của người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở;
e) 01 bản phương án tài chính của cơ sở để bảo đảm duy trì hoạt động cai nghiện ma túy theo Mẫu số 05 Phụ lục II Nghị định này.
2. Trình tự thực hiện:
a) Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc phương thức điện tử 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp gửi hồ sơ theo phương thức điện tử, cơ sở cai nghiện có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ bản gốc của hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ, các điều kiện hoạt động và quyết định cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện theo Mẫu số 06 Phụ lục II Nghị định này, gồm các nội dung sau: tên cơ sở; hình thức tổ chức của cơ sở; họ, tên người đứng đầu hoặc người chịu trách nhiệm theo pháp luật; địa điểm trụ sở chính và các cơ sở (nếu có); phạm vi dịch vụ cai nghiện thực hiện; thời gian làm việc hằng ngày của cơ sở.
1. Cơ sở cai nghiện đề nghị cấp lại giấy phép cai nghiện ma túy (sau đây gọi tắt là giấy phép) khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Giấy phép bị mất, hỏng;
b) Cơ sở cai nghiện thay đổi người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật;
c) Thay đổi địa điểm trụ sở của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;
d) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này;
b) 01 bản chính biên bản xác nhận giấy phép bị mất, hỏng theo Mẫu số 07 Phụ lục II Nghị định này của cơ sở cai nghiện đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này;
c) 01 bản lý lịch tóm tắt của người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở cai nghiện theo Mẫu số 04 Phụ lục II Nghị định này, kèm theo các văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định này đối với trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này;
d) Tài liệu chứng minh bảo đảm đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trụ sở mới theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định này đối với trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này;
đ) Báo cáo kết quả khắc phục việc đình chỉ hoạt động của cơ sở cai nghiện đối với trường hợp quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này theo Mẫu số 08 Phụ lục II Nghị định này.
3. Trình tự thực hiện:
a) Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc phương thức điện tử 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp gửi hồ sơ theo phương thức điện tử, cơ sở cai nghiện có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ bản gốc của hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ, các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này và quyết định cấp lại giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
1. Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện bị đình chỉ hoạt động cai nghiện có thời hạn trong các trường hợp sau:
a) Không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này;
b) Không thực hiện cung cấp dịch vụ sau 03 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động;
c) Có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện với thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
3. Thủ tục đình chỉ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện có hành vi vi phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập biên bản theo Mẫu số 09 Phụ lục II và xem xét, quyết định đình chỉ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện theo Mẫu số 10 Phụ lục II Nghị định này;
b) Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm hoàn trả chi phí cai nghiện và giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người cai nghiện theo hợp đồng dịch vụ cai nghiện khi bị đình chỉ hoạt động.
4. Khi hết thời hạn đình chỉ, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện phải báo cáo kết quả khắc phục việc đình chỉ hoạt động cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi ra quyết định đình chỉ. Việc cấp lại giấy phép hoạt động thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
1. Cơ sở cai nghiện bị thu hồi giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có văn bản đề nghị dừng hoạt động cai nghiện ma túy theo Mẫu số 11 Phụ lục II Nghị định này;
b) Không có biện pháp khắc phục khi bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại Điều 13 Nghị định này;
c) Thực hiện không đầy đủ trách nhiệm quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống ma túy, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người cai nghiện;
d) Sau 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép mà cơ sở cai nghiện tự nguyện chưa tổ chức hoạt động cai nghiện ma túy hoặc ngừng hoạt động 06 tháng liên tiếp không có lý do, trừ trường hợp phải tạm dừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng; bị giải thể hoặc vi phạm các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy:
a) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định thu hồi giấy phép của cơ sở cai nghiện ma túy đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b, c và d Khoản 1 Điều này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập biên bản theo Mẫu số 09 Phụ lục II và xem xét, quyết định thu hồi giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy theo Mẫu số 12 Phụ lục II Nghị định.
c) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo việc thu hồi giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy cho Sở Y tế, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đóng trụ sở và các cơ quan khác có liên quan.
3. Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện có trách nhiệm hoàn trả chi phí cai nghiện và giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người cai nghiện theo hợp đồng dịch vụ cai nghiện khi bị thu hồi giấy phép hoạt động.
1. Các dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng gồm:
a) Tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy xây dựng kế hoạch cai nghiện;
b) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác cho người nghiện ma túy;
c) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy;
d) Tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy.
2. Căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định này, tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ theo phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thời gian chấp hành bản án hình sự của tòa án; không trong thời hạn cấm hành nghề hoặc công việc.
2. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:
a) Có cơ sở vật chất để thực hiện việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ cai nghiện theo phạm vi dịch vụ đăng ký. Trường hợp cung cấp dịch vụ nội trú, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện về phòng ở, các tiêu chuẩn chuyên môn khác quy định tại điểm b Khoản 2 và Khoản 4 Điều 6 Nghị định này;
b) Có trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ cai nghiện theo quy định tại Mục A Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
3. Về nhân sự:
a) Có ít nhất 01 người chịu trách nhiệm chính thực hiện việc cung cấp dịch vụ, có trình độ chuyên môn, ngành nghề đào tạo phù hợp;
b) Nhân sự phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
1. Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng gồm:
a) Văn bản của tổ chức, cá nhân đề nghị công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Mẫu số 13 Phụ lục II Nghị định này;
b) 01 bản sao quyết định thành lập, cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức cung cấp dịch vụ);
c) Tài liệu chứng minh bảo đảm đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cung cấp dịch vụ;
d) 01 bản chính danh sách nhân viên theo Mẫu số 03 Phụ lục II, kèm theo 01 bản sao văn bằng, chứng chỉ, phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 03 tháng tại thời điểm nộp hồ sơ của từng nhân viên; lý lịch tóm tắt của người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở cung cấp dịch vụ theo Mẫu số 04 Phụ lục II Nghị định này;
đ) Dự kiến quy trình cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
2. Trình tự thực hiện:
a) Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc qua phương thức điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức đóng trụ sở hoặc nơi cá nhân cư trú. Trường hợp gửi hồ sơ theo phương thức điện tử, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ bản gốc của hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Mẫu số 14 Phụ lục II Nghị định này. Trường hợp không đủ điều kiện công bố phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Việc công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải được niêm yết công khai tại trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.
1. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng bị đình chỉ có thời hạn trong các trường hợp sau:
a) Không đảm bảo các điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này;
b) Không thực hiện cung cấp dịch vụ sau 06 tháng kể từ ngày công bố;
c) Có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đình chỉ việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
3. Thủ tục đình chỉ việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm lập biên bản theo Mẫu số 15 Phụ lục II Nghị định này báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện theo Mẫu số 16 Phụ lục II Nghị định này;
b) Tổ chức, cá nhân bị đình chỉ hoạt động có trách nhiệm hoàn trả chi phí sử dụng dịch vụ cai nghiện và giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người cai nghiện theo hợp đồng dịch vụ cai nghiện khi bị đình chỉ.
4. Khi hết thời hạn đình chỉ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký, công bố lại theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
1. Điều kiện công bố lại:
a) Thay đổi người đại diện theo pháp luật của cơ sở cung cấp dịch vụ; thay đổi địa điểm cung cấp dịch vụ;
b) Hết thời hạn đình chỉ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Hồ sơ đề nghị công bố lại gồm:
a) Văn bản đề nghị công bố lại của tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 13 Phụ lục II Nghị định này;
b) Lý lịch tóm tắt người đại diện theo pháp luật của tổ chức cung cấp dịch vụ theo Mẫu số 04 Phụ lục II kèm theo các văn bằng, chứng chỉ, phiếu lý lịch tư pháp hoặc địa điểm trụ sở mới của cơ sở cung cấp dịch vụ đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này; báo cáo kết quả khắc phục việc đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này theo Mẫu số 17 Phụ lục II Nghị định này.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định và công bố lại tổ chức cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Mẫu số 14 Phụ lục II Nghị định này. Trường hợp không đủ điều kiện công bố phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Việc công bố lại đối với tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải được niêm yết công khai tại trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.
1. Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện ma túy công lập gửi văn bản đề nghị công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến cung cấp dịch vụ.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc công bố theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.
1. Căn cứ vào nhu cầu cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Mẫu số 18 Phụ lục II Nghị định này.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập được đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự theo quy định tại Nghị định này và các quy định hiện hành về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí nguồn lực cho đơn vị sự nghiệp công lập được lựa chọn để đặt hàng, giao nhiệm vụ và niêm yết công khai danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập tại trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực