Chương 2 Luật doanh nghiệp tư nhân 1990: Thành lập, đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản doanh nghiệp
Số hiệu: | 48-LCT/HĐNN8 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Võ Chí Công |
Ngày ban hành: | 21/12/1990 | Ngày hiệu lực: | 15/04/1991 |
Ngày công báo: | 28/02/1991 | Số công báo: | Số 4 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Đầu tư | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2000 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân, phải gửi đơn xin phép thành lập doanh nghiệp đến Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.
Đơn xin thành lập doanh nghiệp phải ghi rõ:
1- Họ, tên, tuổi và địa chỉ thường trú của chủ doanh nghiệp;
2- Trụ sở dự định của doanh nghiệp;
3- Mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh cụ thể;
4- Vốn đầu tư ban đầu, trong đó ghi rõ phần vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, tài sản bằng hiện vật;
5- Biện pháp bảo vệ môi trường.
Đơn phải kèm theo phương án kinh doanh ban đầu.
Cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân, phải có đủ các điều kiện sau đây mới được cấp giấy phép thành lập:
1- Mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh rõ ràng; có trụ sở giao dịch và phương án kinh doanh cụ thể;
2- Có đủ vốn đầu tư ban đầu phù hợp với quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Vốn đầu tư ban đầu không được thấp hơn vốn pháp định do Hội đồng bộ trưởng quy định;
3- Bản thân hoặc người được thuê làm quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh có trình độ chuyên môn tương ứng mà pháp luật đòi hỏi đối với một số ngành, nghề.
Uỷ ban nhân dân nhận đơn phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đơn; nếu từ chối cấp giấy phép thì phải nói rõ lý do. Trong trường hợp người xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân thấy việc từ chối cấp giấy phép là không thoả đáng, thì có quyền khiếu nại lên Trọng tài kinh tế cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được giấy phép thành lập, chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế cùng cấp Uỷ ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm: giấy phép thành lập, giấy chứng nhận của ngân hàng về số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng của chủ doanh nghiệp có trong tài khoản ở ngân hàng; giấy chứng nhận của cơ quan công chứng về trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân tương ứng với vốn đầu tư ban đầu đã ghi trong giấy phép thành lập và giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch của doanh nghiệp.
Quá thời hạn sáu mươi ngày quy định tại đoạn 1, Điều này mà chưa đăng ký, nếu muốn tiếp tục thành lập doanh nghiệp tư nhân, thì chủ doanh nghiệp phải làm lại thủ tục xin phép thành lập. Trong trường hợp có lý do chính đáng, Uỷ ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập có thể gia hạn giấy phép thành lập không quá ba mươi ngày.
Khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân được ghi tên vào sổ đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Kể từ thời điểm đó, doanh nghiệp tư nhân được tiến hành hoạt động kinh doanh.
Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Trọng tài kinh tế phải gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp cho các cơ quan thuế, tài chính, thống kê và cơ quan quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật cùng cấp.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương cấp giấy phép phải đăng báo địa phương và báo hàng ngày của trung ương về các điểm chủ yếu sau đây:
1- Họ, tên chủ doanh nghiệp và tên doanh nghiệp;
2- Trụ sở của doanh nghiệp;
3- Mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh;
4- Vốn đầu tư ban đầu;
5- Ngày được cấp giấy phép thành lập, ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số đăng ký kinh doanh;
6- Thời điểm bắt đầu hoạt động.
Trong trường hợp cần đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, chủ doanh nghiệp tư nhân phải:
1- Xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, nơi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế cùng cấp như quy định tại Điều 8 và Điều 11 của Luật này;
2- Thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập về việc mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày chi nhánh hoặc văn phòng đại diện được cấp giấy đăng ký.
Khi thay đổi mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh, vốn đầu tư ban đầu và các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân phải khai báo lại với Trọng tài kinh tế đã đăng ký kinh doanh. Đối với doanh nghiệp tư nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương cấp giấy phép, thì chủ doanh nghiệp còn phải đăng báo về những nội dung thay đổi.
Chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giải thể doanh nghiệp của mình, nếu bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp và thanh lý hết hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết.
Muốn giải thể doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân đã cấp giấy phép thành lập và thông báo việc xin phép giải thể doanh nghiệp trên báo địa phương và báo hàng ngày của trung ương. Đơn và thông báo phải ghi rõ trình tự và thủ tục thanh lý tài sản, thời hạn thanh toán các khoản nợ và thanh lý các hợp đồng.
Uỷ ban nhân dân chỉ chấp thuận đơn xin giải thể nếu sau mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng đã ghi trong đơn và thông báo việc xin phép giải thể mà không có đơn khiếu nại.
Việc giải thể doanh nghiệp chỉ được bắt đầu khi đơn xin giải thể được chấp thuận.
Doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh đến mức tại một thời điểm tổng số trị giá các tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn, là doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản.
Doanh nghiệp nói tại đoạn 1, Điều này có thể bị Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính tuyên bố phá sản theo đơn xin phá sản của chủ doanh nghiệp; hoặc đơn yêu cầu của một hoặc nhiều chủ nợ; hoặc kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Trình tự và thủ tục phá sản thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực