Danh sách câu hỏi

Có 1,861 câu hỏi trên 47 trang

Đọc văn bản:

Tất cả chúng ta đều được sinh ra để làm những điều có ý nghĩa. Nhưng hành trình thực hiện điều đó không phải lúc nào cũng thênh thang rộng mở, mà luôn có những cá nhân và sự kiện xuất hiện cản đường chúng ta.

Hãy nhớ lại thời thơ ấu tươi đẹp. Chúng ta sống vui vẻ bên gia đình và bạn bè, cuộc đời của ta tràn ngập tình yêu thương và hạnh phúc. Nhưng khoảng thời gian vui vẻ này không kéo dài.

Chúng ta bị bạn bè nói xấu sau lưng, bị chọc ghẹo hoặc bị chỉ trích một cách bất công. Ai đó nói với chúng ta rằng có người đang giận ta và không còn thích ta nữa. Nhưng khi chúng ta hỏi lý do thì họ không đưa ra được câu trả lời hợp lý. Có vẻ như chúng ta chẳng thể làm gì để cải thiện tình hình. Ta cảm thấy bất lực.

Khi lớn lên, chúng ta hy vọng không còn nhiều người có khả năng khiến chúng ta cảm thấy tổn thương và giận dữ nữa, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Thật ra, ngày càng có nhiều người có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Hành vi tồi tệ của họ gây ra biết bao phiền toái và làm ta cảm thấy hết sức khó chịu.

Trong cuộc sống, chúng ta tác động đến người khác, đồng thời ta cũng bị người khác tác động. Khi một người sống tích cực, chúng ta nên quan sát và học hỏi họ. Tuy nhiên, khi hành vi của một người là tiêu cực, chúng ta đứng trước một quyết định liệu ta sẽ chấp nhận hành vi đó hay lựa chọn một cách phản ứng khác? May mắn là quyền quyết định nằm trong tay chúng ta. Đừng ngồi thụ động một chỗ và để thái độ của người khác ảnh hưởng đến mình. Chúng ta sống trên đời vì một mục đích to lớn hơn.

(Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, David J. Pollay, NXB Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 6-7)          

Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của đoạn trích trên.

Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nàng đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông...
Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó: từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ, “dòng sông trắng - lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, từ tha thiết mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên “như kiếm dựng trời xanh” trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bãng lãng trong hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu. Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả Từ ấy.
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, tập một, NXB GD, 2020, Tr. 29, 30)
Cảm nhận hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vịnh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống với con người nơi đây; và để nhân cách hoá nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hoá xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.200,201)
Anh/chị hãy cảm nhận đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về nét tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về hình tượng sông Hương.
Đọc văn bản:
(1) Sau Tết Nguyên Đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt vầ ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân
(2) Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.
(3) Chính dịp đó ông Diểu đi săn.
(4) Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm mơ cũng không thấy được. Ở tuổi sáu mươi, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống.

(5) Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. « Thôi tao phóng sanh cho mày!» - Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bước đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến con khỉ đực nằm.
(6) Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mởi nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.
(Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp, Tập truyện Tình yêu, tội ác và trừng phạt, NXB Trẻ, 2012)
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, Tr.198 -199)

          Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn văn trên; từ đó nhận xét cái tôi của tác giả trong đoạn trích.

Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân  bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh  ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một nguời bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi  độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây  vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.  

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình  sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt  mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương  Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy  nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng  thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu  dàng đấy, rồi lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”. 

(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam).

Phân tích vẻ đẹp của sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về quan niệm cái đẹp mà Nguyễn Tuân gửi gắm  qua hình tượng này.

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:  

Đêm trở gió, 20/1/2022 

Gửi danh cầm Đặng Thái Sơn với đôi bàn tay kỳ diệu! 

Ông có bất ngờ khi nhận lá thư được tạo nên từ những tiếng xào xạc? Là cháu đây, ngọn gió lành, gửi đến ông  những lời khẩn thiết. 

Cháu đang ở đây, ngay bên cửa sổ! Còn ông ngồi trầm tư bên phím đàn. Ông vừa trở về từ lễ trao giải VinFuture.  Ở sân khấu quốc tế với những tên tuổi lừng danh ấy, âm nhạc của ông tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho hy vọng  tương lai của nhân loại. 

Ông vẫn nói: "Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!". Cháu cảm biết được tấm lòng của ông  với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông - mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm  hoạ thiên nhiên và gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến. 

Từ khi được sinh ra từ cơn cựa mình của Mẹ, cháu đã du hành khắp thế gian. Những điều ấm áp cho cháu hạnh  phúc và cũng có nhiều điều khiến cháu trăn trở. 

Cháu băn khoăn: Một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối  diện. Có một ranh giới con người giữ sạch sẽ riêng mình. 

Cháu lo lắng: Cũng con phố ấy, ngày hè oi ả, trong khi ai đó nằm điều hoà mát lạnh, thì dưới gầm cầu, góc chợ tạm... còn bao người thở nghẹn trong lồng ngực. Có một ranh giới con người giữ tiện nghi riêng mình. Cháu hoang mang: Dòng sông phía thượng nguồn đắp đập làm thuỷ điện, tận dụng triệt để sức nước, thì dưới  hạ lưu, tập quán của một dân tộc bị tước đi, hoặc cảnh quan của một vùng bị biến đổi. Có một ranh giới con  người giữ lợi ích cho riêng mình.

Nhưng hơn ai hết, ông - một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng nhìn từ một phía nào  đó, mọi ranh giới đều không tồn tại phải không? 

(https://vnexpress.net/thu-gui-dang-thai-son-doat-giai-nhatquoc-gia-viet-thu-upu-4461247-p4.html)

 

Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên.  

“...Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông  sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lãnh bò xuống hai hôm má đã xám đen lại. Nhìn thấy  tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đệm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước  mắt chảy xuống miệng. xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình  chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng  này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình  ma nhà nó rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng  phất nghĩ như vậy. Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại  tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó. Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này,  làm sao Mị cũng không thấy sợ... 

Lúc ấy, trong nhà tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ biết có người  bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phe từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần  lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi  ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuyu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay,  A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.  Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ,  đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: 

– A Phủ cho tôi đi. 

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói: 

–Ở đây thì chết mất. A Phủ chợt hiểu. 

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình. 

A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.  

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2018, tr13,14)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên.Từ đó, liên hệ với chi tiết Mị nghĩ tới nắm  lá ngón trong đêm tình mùa xuân để nhận xét đóng góp của nhà văn Tô Hoài khi viết về người lao động vùng núi  cao Tây Bắc.