Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao 2024

1. Bệnh lao là gì?

Căn cứ vào Quyết định 162/QĐ-BYT thì Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Bệnh lao có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.

Theo đó, người mắc bệnh lao là người bệnh có tình trạng bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra, biểu hiện các triệu chứng của bệnh lao, chẩn đoán dựa trên tìm thấy vi khuẩn lao bằng các kỹ thuật vi sinh hoặc có bằng chứng mô bệnh học của tổn thương do lao hoặc chẩn đoán dựa vào bằng chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác (không hoặc chưa tìm thấy bằng chứng vi khuẩn và mô bệnh học).

2. Hướng dẫn chẩn đoán bệnh lao

Căn cứ vào Phần II Quyết định 162/QĐ-BYT thì Bộ Y tế đã quy định các hướng dẫn, phương pháp, kỹ thuật sử dụng để chuẩn đoán chính xác người bị mắc bệnh lao. Theo đó, việc chuẩn đoán bệnh lao dựa trên các nguyên tắc sau:

- Quyết định chẩn đoán bệnh lao khi:

+ Có bằng chứng vi khuẩn phù hợp với lâm sàng; hoặc.

+ Có bằng chứng mô bệnh học tổn thương lao điển hình phù hợp với lâm sàng.

- Trường hợp chưa tìm thấy bằng chứng vi khuẩn và/hoặc bằng chứng mô bệnh học, nhưng có triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, các xét nghiệm khác có kết quả nghi lao, người bệnh không đáp ứng điều trị với căn nguyên khác thì cần dựa vào các yếu tố trên để phân tích chẩn đoán hoặc hội chẩn chẩn đoán bệnh lao.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao 2024

3. Hướng dẫn điều trị bệnh lao

Căn cứ vào Phần III Quyết định 162/QĐ-BYT thì Bộ Y tế đã quy định các phương pháp, phác đồ điều trị cho người mắc bệnh lao. Theo đó, tùy vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh mà có phác đồ điều trị riêng, phù hợp và chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, tất cả phải theo một nguyên tắc chung. Nguyên tắc chung điều trị lao được áp dụng cho tất cả các thể lao, bao gồm:

- Phối hợp các thuốc chống lao:

+ Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn và triệt khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao.

+ Đối với lao nhạy cảm thuốc phải phối hợp ít nhất 03 (ba) loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 02 (hai) loại trong giai đoạn duy trì. Đối với bệnh lao kháng thuốc, các thuốc phối hợp theo nguyên tắc riêng, tùy thuộc vào phác đồ.

- Dùng thuốc đúng liều:

+ Các thuốc chống lao tác dụng hiệp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc; nếu dùng liều cao dễ gây các biến cố bất lợi.

+ Đối với lao trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng.

- Dùng thuốc đều đặn:

+ Các thuốc điều trị lao nhạy cảm tốt nhất được uống cùng một lần, vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt tác dụng cộng hợp, hấp thu và ổn định nồng độ thuốc trong máu tối đa.

+ Các thuốc điều trị lao kháng thuốc: dùng thuốc 06 (sáu) ngày/tuần, đa số thuốc dùng một lần vào buổi sáng và cùng với bữa ăn. Một số thuốc có thể chia liều 02 (hai) lần trong ngày (sáng, chiều) để giảm biến cố bất lợi.

- Phải thực hiện điều trị thuốc lao có kiểm soát hàng ngày đối với tất cả người bệnh lao.

- Phải dùng thuốc đủ thời gian:

+ Đối với lao nhạy cảm thuốc: giai đoạn tấn công nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

+ Đối với bệnh lao kháng thuốc: thành phần và thời gian sử dụng các thuốc theo từng giai đoạn tùy thuộc vào từng phác đồ.