Cách điền tờ khai thay đổi thông tin cư trú chi tiết nhất năm 2024

Để điền tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo quy định pháp luật Việt Nam, bạn có thể làm theo các bước dưới đây:

1. Chuẩn bị tờ khai thay đổi thông tin cư trú

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01: ) được ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA. Bạn có thể tải mẫu này từ cổng thông tin của cơ quan Công an quản lý cư trú hoặc đến trực tiếp cơ quan Công an để lấy mẫu.

Mẫu CT01

2. Các bước điền tờ khai

Hướng dẫn điền mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú

Mục "Kính gửi (1)": Ghi Cơ quan công an nơi đến làm thủ tục đăng ký cư trú (tức công an phường, xã, thị trấn hoặc Công an huyện, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục đăng ký cư trú và có thẩm quyền xác nhận, ký đóng dấu).

Ví dụ: Kính gửi: Công an phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

- Mục “1. Họ, chữ đệm và tên”: Ghi bằng chữ in hoa hoặc thường, đủ dấu (viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh) của người có sự thay đổi thông tin cư trú (chuyển khẩu, nhập khẩu, tạm trú...).

Ví dụ: LÊ NGUYỄN CẨM NHUNG

Trường hợp người có thay đổi thông tin cư trú là người chưa thành niên dưới 18 tuổi (ví dụ: trẻ em nhập khẩu vào hộ cha mẹ) thì vẫn ghi tên của người đó.

- Mục “2. Ngày, tháng, năm sinh”: Ghi ngày, tháng, năm sinh theo năm dương lịch và đúng với giấy khai sinh của người có thay đổi thông tin cư trú. Lưu ý: ghi 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh. Ví dụ: 15/05/1978

- Mục “3. Giới tính”: Ghi giới tính của người có thay đổi thông tin cư trú là "Nam" hoặc "Nữ"

- Mục "4. Số định danh cá nhân/CMND": Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (tức là số căn cước công dân gồm có 12 số) hoặc số CMND (9 số). Nếu chưa có thì để trống.

- Mục "5. Số điện thoại liên hệ": Ghi số điện thoại di động hoặc điện thoại bàn hiện đang sử dụng.

- Mục "6. Email": Ghi địa chỉ email cần liên lạc (Không bắt buộc, nếu có thì ghi). Ví dụ: [email protected]

- Mục "7. Nơi thường trú": Ghi địa chỉ nơi đang đăng ký thường trú theo địa danh hành chính (tức là địa chỉ ghi trong sổ hộ khẩu hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú) của người có thay đổi thông tin cư trú. Ghi cụ thể theo thứ tự: số nhà, phố, đường phố; tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Nếu chưa có thì để trống (trường hợp nhập khẩu cho trẻ em mới sinh)

Ví dụ: tổ 8, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

- Mục "8. Nơi tạm trú": Ghi theo địa chỉ nơi đang đăng ký tạm trú (ghi trong sổ tạm trú). Cách ghi như hướng dẫn ở mục số 7. Trường hợp người có thay đổi thông tin cư trú vừa có nơi thường trú, vừa có nơi tạm trú thì ghi đầy đủ. Nếu không có tạm trú thì không ghi.

- Mục "9. Nơi ở hiện tại": Ghi theo địa chỉ hiện tại đang ở theo địa danh hành chính. Địa chỉ chỗ ở hiện tại có thể là nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi người có thay đổi thông tin cư trú mới chuyển đến. Cách ghi như hướng dẫn ở mục số 7.

- Mục "10. Nghề nghiệp, nơi làm việc": Ghi rõ hiện nay làm công việc chính là gì, tên cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa chỉ nơi làm việc của người có thay đổi thông tin cư trú.

Ví dụ: Sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh; nhân viên văn phòng hoặc chưa có việc làm.

- Mục "11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ" và Mục "12. Quan hệ với chủ hộ" có cách ghi cụ thể như sau:

(a) Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện đã có chỗ ở, nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình hoặc được chủ nhà cho mượn, thuê ở:

+ Mục "11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ": ghi họ, tên người đến đăng ký thường trú, tạm trú (người này cũng chính là chủ nhà ở hợp pháp hoặc là người được chủ nhà cho mượn nhà để ở). Do đó Mục "12. Quan hệ với chủ hộ": phải ghi là chủ hộ, tức đăng ký mình làm chủ hộ.

(b) Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu hoặc cho tạm trú:

+ Mục "11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ": ghi họ, tên chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu, cho tạm trú

+ Mục "12. Quan hệ với chủ hộ": ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó. Ví dụ: Vợ, con ruột, con rể, cháu ruột hoặc người ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn...

(c) Trường hợp thay đổi, xác nhận thông tin về cư trú (ví dụ: thay đổi về nơi cư trú; chỉnh sửa thông tin cá nhân; tách hộ; xóa đăng ký thường trú, tạm trú hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú...) thì ghi họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ theo thông tin đã khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú hoặc ghi theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

- Mục "13. Số định danh cá nhân/CMND của chủ hộ": Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (tức là số căn cước công dân gồm có 12 số) hoặc số CMND (9 số) của người chủ hộ.

- Mục "14. Nội dung đề nghị (2)": Ghi rõ ràng, cụ thể nội dung cần đề nghị. Ví dụ: đăng ký thường trú vào địa chỉ A do ông D làm chủ hộ; đăng ký tạm trú vào hộ B ở địa chỉ C; tách hộ cùng nhà; đăng ký thường trú cho con là E; điều chỉnh về năm sinh...

- Mục "15. Những thành viên trong hộ gia đình cùng thay đổi": Điền đầy đủ các cột mục về thông tin của những người có cùng thay đổi về cư trú với người đã ghi tên ở mục số 1 (người đứng tên trên bản khai). Ví dụ: những người con, cháu cùng nhập khẩu với người đứng tên trên bản khai hay chồng và các con cùng tách hộ với người đứng tên trên bản khai. Trong mục này cần lưu ý:

+ Mục Quan hệ với người có thay đổi: Ghi rõ mối quan hệ với người khai mẫu tờ khai CT1

+ Mục Quan hệ với chủ hộ: Ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đã ghi ở Mục số 11.

- Mục "Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ", chủ hộ phải ghi rõ nội dung ý kiến của mình và ký tên xác nhận.

Ví dụ:"Đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa chỉ .." hoặc "Đồng ý cho tách hộ để đăng ký thường trú tại địa chỉ ..."

- Mục "Ý KIẾN CỦA CHA, MẸ HOẶC NGƯỜI GIÁM HỘ (4)": Khi người chưa thành niên (con dưới 18 tuổi), người hạn chế hành vi dân sự, người không đủ năng lực hành vi dân sự có thay đổi thông tin về cư trú thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của những người này phải ghi rõ ý kiến vào mục này. Ghi "Đồng ý cho con tôi hoặc ông/bà/anh/chị là: ....được...(ghi cụ thể các trường hợp thay đổi thông tin về cư trú).

- Mục "NGƯỜI KÊ KHAI": Người kê khai là người trực tiếp ghi mẫu và ký tên xác nhận vào mẫu. Người kê khai có thể là người đã thành niên có thay đổi thông tin về cư trú hoặc là cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, người hạn chế về nhận thức

3. Nộp tờ khai

Sau khi hoàn tất việc điền tờ khai, bạn có thể nộp trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn nơi bạn cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia (nếu địa phương có triển khai hệ thống này).

4. Kèm theo giấy tờ

Ngoài tờ khai, bạn cần chuẩn bị thêm một số giấy tờ khác như:

CMND/CCCD/Hộ chiếu bản gốc và bản sao.

Giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp (hợp đồng thuê nhà, giấy tờ mua bán nhà đất, v.v.) nếu bạn đăng ký nơi thường trú hoặc tạm trú mới.

Lưu ý:.

Thông tin trên tờ khai cần trung thực, đầy đủ và chính xác để đảm bảo việc thay đổi thông tin cư trú được thực hiện thuận lợi

5. Các trường hợp tạm thời chưa được thay đổi nơi cư trú

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 55/2021/TT-BCA thì:

- Người quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.

- Người đang sinh sống tại địa điểm, khu vực được cơ quan, người có thẩm quyền công bố đang bị cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian áp dụng các biện pháp cách ly tính từ thời gian bắt đầu đến khi kết thúc thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú.

- Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết các thủ tục về đăng ký cư trú tại những nơi mà người đó bị áp dụng hình phạt cấm cư trú cho đến khi chấp hành xong hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng hình phạt cấm cư trú.

6. Câu hỏi thường gặp khi ghi viết mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú

6.1. Tôi thuê nhà ở riêng thì trong mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú, mục số 11 và 12 ghi như thế nào?

Trả lời:

Nếu bạn đăng ký thường trú tại nhà đang thuê và đang ký vào cùng hộ gia đình đó thì phải được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ (trong hộ khẩu) đồng ý. Do đó:

- Mục "11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ": ghi họ và tên của chủ hộ của căn nhà đang thuê (chủ hộ đứng tên trên hộ khẩu)

- Mục "12. Quan hệ với chủ hộ": Ghi quan hệ thực tế với chủ hộ căn nhà đang thuê (nếu có quan hệ họ hàng) hoặc ghi là "người được thuê nhà" (nếu không có quan hệ họ hàng)

- Mục "Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ": ghi ý kiến đồng ý của chủ hộ cho thuê

- Mục "Ý KIẾN CỦA CHỦ SỞ HỮU HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHỔ Ở HỢP PHÁP": Ghi ý kiến của chủ sở hữu đứng tên căn nhà (chủ hộ và chủ sỡ hữu có thể là 1 người hoặc là 2 người khác nhau)

- Mục "NGƯỜI KÊ KHAI": Bạn ký tên.

Nếu bạn đăng ký tạm trú: Cách ghi cũng tương tự như trên.

6.2. Tôi (chủ hộ) và 1 vợ, 2 con chuyển sang đăng ký thường trú tại nơi ở mới thì tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải làm mỗi người 1 tờ hay chỉ cần 1 tờ do 1 người kê khai (chủ hộ), các thành viên trong gia đình cùng thay đổi thì ghi vô danh sách thôi (mục 15)?

Trả lời:

Bạn chỉ cần kê khai vào 01 tờ khai thay đổi thông tin cư trú do bạn (chủ hộ) kê khai, các thành viên khác trong gia đình cùng thay đổi thì ghi vào mục số 15.

6.3. Tôi mới mua nhà ở huyện Hoài Đức, Hà Nội (sổ đỏ do 2 vợ chồng đứng tên) và tôi đang muốn làm sổ hộ khẩu ở chỗ mới này, địa chỉ thường trú cũ của vợ chồng mình ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội (sổ hộ khẩu, do bố mình làm chủ hộ) thì mục 11, 12, 13, 14 tôi ghi như thế nào? ý kiến của chủ hộ; ý kiến của chủ sở hữu hoặc người đại diện chỗ ở hợp pháp ghi thế nào?

Trả lời:

Trường hợp nhà mới, chưa có ai đăng ký thường trú thì Mục "11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ": ghi họ và tên của chủ hộ là bạn hoặc vợ bạn (tùy theo thỏa thuận giữa 2 người ai là chủ hộ). Mục "12. Quan hệ với chủ hộ": Ghi là "Chủ hộ". Mục 15: Ghi những người cùng nhập khẩu (VD: Bạn là chủ hộ thì vợ, con bạn là người cùng nhập khẩu).

Sau khi xác định được ai là chủ hộ và ai là chủ sở hữu thì bạn ghi theo hướng dẫn ở bài viết trên.

Trường hợp đây là nhà mua lại và chủ nhà cũ là chủ hộ (nhưng chủ nhà cũ chưa xóa thường trú). Thì vợ chồng bạn thuộc trường hợp được chủ hộ (cũ) đồng ý cho nhập. Còn vợ chồng bạn vẫn là chủ sở hữu. Cách ghi đã hướng dẫn ở trên.

Hoặc bạn có thể đợi chủ cũ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú rồi làm như trường hợp 1.

6.4. Chồng tôi có hộ khẩu ở Bình Thuận (cha chồng là chủ hộ). Tôi có hộ khẩu Lâm Đồng (cha ruột làm chủ hộ). Hiện 6 tại vợ chồng tôi đang làm việc tại TpHCM và thuê nhà trọ ở, giờ làm thủ tục đăng ký tạm trú. Vậy khi ghi tờ khai thay đổi thông tin cư trú, mục số "11. Họ và tên chủ hộ", tôi ghi họ và tên tôi hoặc chồng tôi phải không? Vợ chồng tôi điền chung trên 1 tờ khai hay là mỗi người 1 tờ?

Trả lời:

Chủ hộ là người đứng tên chủ hộ trong hộ khẩu thường trú của căn nhà mà bạn đang thuê trọ. Vợ chồng bạn không phải là chủ hộ mà chỉ là người thuê. Muốn nhập khẩu hay tạm trú vào nhà thuê thì phải có sự đồng ý của người này.

Hai vợ chồng bạn chỉ cần kê khai vào 01 tờ khai thay đổi thông tin cư trú là được. Một người đứng ra khai, người còn lại ghi thông tin vào mục số 15.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Đăng ký tạm trú online nhanh và hiệu quả theo quy định hiện hành

Số định danh cá nhân VNeID là gì?

Thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ online mới nhất 2024?

Hướng dẫn làm passport online