Đề cương Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 chi tiết nhất

Đề cương ôn tập Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 chi tiết nhất giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Ngữ văn 8 Giữa học kì 2. Mời các bạn cùng đón xem:

1 2156 lượt xem


[Năm 2023] Đề cương Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 chi tiết nhất

Phần I: Văn bản

Nắm được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản:

- Nhớ rừng – Thế Lữ

- Quê hương – Tế Hanh

- Khi con tu tú – Tố Hữu

- Tức cảnh Pác Bó – Hồ Chí Minh

- Ngắm trăng – Hồ Chí Minh

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Câu nghi vấn

2. Câu cầu khiến

3. Câu cảm thán

4. Câu trần thuật

5. Câu phủ định

Phần III: Tập làm văn

- Văn thuyết minh,

VD: Danh lam thắng cảnh, loài hoa, loài động vật,…

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT

Phần I: Văn bản

Nhớ rừng – Thế Lữ

+ Giá trị nội dung: Mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú cũng là tâm trạng chung của người dân Việt nam bị đàn áp và bị cướp đi cuộc sống tự do. Họ khao khát có một cuộc sống tự do vốn dĩ họ có quyền có được.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Sử dụng bút pháp lãng mạn, với nhiều biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, đối lập, phóng đại, sử dụng từ ngữ gợi hình, giàu sức biểu cảm.
  • Xây dựng hình tượng nghệ thuật có nhiều tầng ý nghĩa.
  • Hình ảnh thơ giàu chất tạo hình.
  • Ngôn ngữ và nhạc điệu phong phú, giàu sức biểu cảm.

Quê hương – Tế Hanh

+ Giá trị nội dung:

  • Bức tranh tươi sáng sinh động về một làng quê miền biển.
  • Hình ảnh khỏe khoắn đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài.
  • Nỗi nhớ da diết, sự gắn bó thủy chung, tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Hình ảnh so sánh, nhân hoá, động từ, tính từ, từ láy, câu cảm thán.
  • Giọng thơ mượt mà, sâu lắng.
  • Bút pháp lãng mạn, thể thơ 8 tiếng.

- Khi con tu tú – Tố Hữu

+ Giá trị nội dung: Bài thơ là bức chân dung tinh thần tự họa của Tố Hữu, cho chúng ta hiểu thêm về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng anh hùng. Tuy đang phải sống trong cảnh lao tù nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn tràn đầy sức sống, sức trẻ, chan chứa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Thể thơ lục bát.
  • Giọng điệu linh hoạt.
  • Từ ngữ tự nhiên và gần gũi với đời thường.

Tức cảnh Pác Bó – Hồ Chí Minh

+ Giá trị nội dung:

  • Hiện thực cảnh sinh hoạt bình dị, nề nếp, gian khổ, thiếu thốn nhưng hết sức lạc quan, tự tin, yêu đời, yêu thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng.
  • Vẻ đẹp tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của bác Hồ trong cuộc sống cách mạng gian lao ở Pác Bó. Với người, làm cách mạng và sống hòa hợp với thiên niên là niềm vui lớn.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng.
  • Là bài thơ tứ tuyệt bình dị, pha lẫn giọng đùa vui tươi, phấn chấn.
  • Ý thơ tự nhiên, phóng khoáng.

Ngắm trăng – Hồ Chí Minh

+ Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên say đắm của tâm hồn nghệ sĩ Hồ Chí Minh và phong thái ung dung của Bác ngay trog hoàn cảnh lao tù tăm tối cực khổ.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đặc sắc
  • Sử dụng phép đối, nhân hoá linh hoạt.
  • Vừa mang mầu sắc cổ điển, vừa mang tính hiện đại.

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Câu nghi vấn

- Khái niệm: là những câu có chức năng chính để hỏi

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Có những từ nghi vấn (ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có) ... không, (đã) ... chưa,...) hoặc có từ hay (nối các vế câu có quan hệ lựa chọn).

+ Câu nghi vấn kết thúc bằng dấu hỏi.

- Chức năng khác của câu nghi vấn:

+ Dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc,...không yêu cầu người đối thoại phải trả lời.

+ Trong một số trường hợp, câu nghi vấn không dùng để hỏi có thể kết thúc bằng dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

2. Câu cầu khiến

- Khái niệm: là những câu để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,...

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Có những từ cầu khiến như hãy, đừng, chớ, ...đi, thôi, nào,...hay ngữ điệu cầu khiến;

+ Kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm.

3. Câu cảm thán

- Khái niệm: Những câu dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (người viết, xuất hiện chủ yếu trong ngôn ngữ nói hàng ngày hay ngôn ngữ văn chương.

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Có những từ cảm thán như ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi; thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào,...

+ Câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than.

4. Câu trần thuật

- Khái niệm: Những câu dùng để kể, thông báo, nhận định, miêu tả. Ngoài ra còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc,...

- Dấu hiệu: Kết thúc bằng dấu chấm nhưng cũng có thể kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

- Kiểu câu cơ bản, được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.

5. Câu phủ định

- Dấu hiệu: Có những từ phủ định như không, chưa, chẳng, chả, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có),...

- Câu phủ định dùng để:

+ Thông báo, xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).

+ Phản bác một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).

Phần III: Tập làm văn

- Văn thuyết minh: Danh lam thắng cảnh.

Dàn ý

A. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

- Sau Tết Nguyên Đán là dịp chùa Hương mở hội. Hội chùa Hương kéo dài gần như suốt mùa xuân.

B. Thân bài:

* Vị trí của chùa Hương:

- Thắng cảnh chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Nay thuộc Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 70 km về phía Tây Nam.

- Từ Hà Nội đi qua Hà Đông, qua Vân Đình... đến bến Đục thì dừng xe, xuống đi dọc theo dòng suối Yến Vĩ chừng 3 km là đến đền Trình.

+ Đặc điểm:

- Điều hấp dẫn của chùa Hương là sự kết hợp hài hoà giữa núi non, sông suối và đồng ruộng, tạo nên khung cảnh thiên nhiên đa dạng, đẹp như một bức tranh sơn thuỳ.

- Khách hành hương đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ khắp mọi miền đất nước tấp nập đến với chùa Hương.

- Các ngôi chùa nằm rải rác từ chân núi lên đỉnh núi.

- Động Hương Tích lớn nhất, đẹp nhất, được chúa Trịnh Sâm ban tặng 5 chữ: “Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam).

- Cảnh sắc kì diệu trong lòng động hiện ra trong ánh sáng huyền ảo. Chính giữa động có pho tượng Quán Thế Âm Bổ Tát. Xung quanh là những nhũ đá hình cây vàng, cây bạc, buồng tằm, nong kén, núi Cô, núi Cậu... và đặc biệt là hình chín con rồng trên vòm động.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân.

- Du khách đi chùa Hương không chỉ để lễ Phật cầu phúc mà còn để hoà mình với thiên nhiên tươi đẹp. Từ đó càng thêm yêu mến quê hương, đất nước.

Xem thêm:

Đề thi Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ văn 8

Thời gian làm bài: 90 phút

Đề thi Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 đề số 1

PHẦN I: Trắc nghiệm (2,0 điểm)

Hãy chọn phương án đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” thuộc thể thơ nào?

A. Thất ngôn tứ tuyệt

B. Ngũ ngôn tứ tuyệt

C. Thất ngôn bát cú

D. Song thất lục bát

Câu 2. Thơ của tác giả nào được coi là gạch nối giữa hai nền thơ cổ điển và hiện đại Việt Nam?

A. Trần Tuấn Khải

B. Tản Đà

C. Phan Bội Châu

D. Phan Châu Trinh

Câu 3. Tác phẩm nào dưới đây không thuộc thể loại nghị luận trung đại?

A. Chiếu dời đô

B. Hịch tướng sĩ.

C. Nhớ rừng

D. Bình Ngô đại cáo

Câu 4. Đọc hai câu thơ sau và cho biết: Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ- Khắp dân làng tấp nập đón ghe về (Tế Hanh), thuộc hành động nói nào?

A. Hỏi

B. Trình bày

C. Điều khiển

D. Bộc lộ cảm xúc

Câu 5. Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” được viết vào thời kì nào?

A. Thời kì nước ta chống quân Tống

B. Thời kì nước ta chống quân Thanh

C. Thời kì nước ta chống quân Minh

D. Thời kì nước ta chống quân Nguyên

Câu 6. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ “Nhớ rừng” của (Thế Lữ) là gì?

A. Bay bổng, lãng mạn

B. Thống thiết, bi tráng, uất ức

C. Nhỏ nhẹ, trầm lắng

D. Sôi nổi, hào hùng

Câu 7. Yêu cầu về lời văn của bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh là gì?

A. Có tính hình tượng

B. Có nhịp điệu, giàu cảm xúc

C. Có tính hàm xúc

D. Có tính chính xác và biểu cảm

Câu 8. Dòng nào phù hợp với nghĩa của từ “thắng địa” trong câu: “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa” (Chiếu dời đô)?

A. Đất có phong cảnh đẹp

B. Đất có phong thủy tốt

C. Đất trù phú, giàu có

D. Đất có phong cảnh và địa thế đẹp

PHẦN II: Tự luận (8,0 điểm)

Câu 1 (1,0 điểm)

Em hãy cho biết: Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc Nước Đại Việt ta, Nguyễn

Trãi đã dựa vào các yếu tố nào?

Câu 2 (2,0 điểm): Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”

(Quê hương – Tế Hanh)

Câu 3 (5,0 điểm)

Vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ văn 8

Thời gian làm bài: 90 phút

Đề thi Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 đề số 2

Câu 1 (2,0 điểm)

a) Trình bày đặc điểm hình thức và chức năng của câu cầu khiến.

b) Các câu sau đây thuộc kiểu câu nào và được dùng để làm gì?

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!

 (Khi con tu hú - Tố Hữu)

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 (Ông đồ - Vũ Đình Liên)

Câu 2 (3,0 điểm)

a) Chép theo trí nhớ phần dịch thơ bài “Ngắm trăng’’ của Hồ Chí Minh

b) Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào? Thuộc tập thơ nào?

c) Nêu ý nghĩa tư tưởng và giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Câu 3 (5,0 điểm)

Hãy nói “không” với các tệ nạn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ văn 8

Thời gian làm bài: 90 phút

Đề thi Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 đề số 3

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU: (4,0 điểm)

Đọc 2 câu thơ sau và trả lời câu hỏi:

Bàn đá chông chênh dịch sử đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Câu 1. (1,0 điểm): Hai câu thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.

Câu 2. (2,0 điểm): Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về cách dùng từ “sang” trong câu thơ trên.

Câu 3. (1,0 điểm): Chỉ ra hành động nói trong mỗi câu văn sau:

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghỉ thế nào?

 (Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn)

II. PHẦN LÀM VĂN: (6,0 điểm).

Qua bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu hãy chứng minh lòng yêu cuộc sống tha thiết và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ Cách mạng trong cảnh tù đày

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ văn 8

Thời gian làm bài: 90 phút

Đề thi Giữa học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 đề số 4

Phần 1: (5,0 điểm)

Ngắm trăng

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài của sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

 (Hồ Chí Minh)

1. Trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ.

2. Câu thứ hai trong nguyên tác: “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” có gì khác về kiểu câu so với bản dịch thơ? Sự khác nhau đó có ý nghĩa như thế nào?

3. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét: “Thơ Bác đầy trăng”. Hãy kể tên một bài thơ khác của Bác có hình ảnh trăng.

4. Viết đoạn văn khoảng (8 đến 10 câu) theo lối diễn dịch phân tích hai câu cuối bài “Ngắm trăng” để làm rõ mối giao hòa thầm lặng mà tha thiết giữa người và trăng.

Phần 2: (5,0 điểm)

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

 (Trích: Quê hương – Tế Hanh)

1. Có thể cảm nhận cái mùi nồng mặn trong nỗi nhớ quê của tác giả như thế nào?

2. Từ đoạn thơ trên và những hiểu biết về xã hội, em hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về tình yêu quê hương đất nước.

Xem thêm các bộ đề thi Ngữ văn lớp 8 chọn lọc, hay khác:

Bài tập Ngữ văn lớp 8 Giữa học kì 2 có đáp án

Hệ thống kiến thức Ngữ văn lớp 8 Giữa học kì 2

TOP 30 Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 có đáp án

Đề cương Học kì 2 Ngữ văn lớp 8 năm 2023 chi tiết nhất

Bài tập Ngữ văn lớp 8 Học kì 2 có đáp án

1 2156 lượt xem